Nga “siết chặt” Crimea

Thứ ba, 04/03/2014 12:57

(Cadn.com.vn) - Nga siết chặt quyền kiểm soát quân sự tại bán đảo Crimea của Ukraine bất chấp việc phương Tây yêu cầu rút quân.

Theo BBC, hàng ngàn binh sĩ, được cho là quân đội Nga, ngày 3-3 vẫn đang nỗ lực kiểm soát khu tự trị Crimea dù bị nhóm G-7 lên án “vi phạm chủ quyền Ukraine”.

Quân đội được cho là của Nga, chiếm giữ ngôi làng Perevalnoye, ngoại ô thủ phủ Simferopol của Crimea. Ảnh: Reuters

Các binh sĩ tiếp tục đến Crimea

Theo các phóng viên có mặt ở đây, Crimea hiện đang nằm hoàn toàn trong tay Nga.

Hai căn cứ quân sự lớn Ukraine bị bao vây và các địa điểm quan trọng khác, như sân bay, cũng bị lực lượng này chiếm giữ. Trong khi đó, hàng ngàn binh sĩ trong đội quân tinh nhuệ Nga tiếp tục tiến đến Crimea, tạo các rào chắn chia cắt khu vực này với Ukraine. Lực lượng này cũng chiếm giữ các bến phà ở miền Đông xa xôi Crimea.

Theo một người phát ngôn giấu tên của lực lượng biên phòng Ukraine, Nga tập trung xe bọc thép tại gần một bến phà ở eo biển Kerch, vùng chia tách rìa phía Đông của bán đảo Crimea và rìa phía Tây của bán đảo Taman. “Có nhiều xe thiết giáp ở phía bên kia eo biển. Chúng tôi không biết Nga có đưa các xe thiết giáp đó lên phà hay không”, phát ngôn viên này nói. Cũng đã có thông tin về những chuyển động xa hơn của tàu Nga ở Biển Đen. Một số dịch vụ điện thoại di động được báo cáo đã bị chặn. Tuy nhiên, Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bình luận gì.

Trước tình hình này, chính phủ lâm thời Ukraine kêu gọi quốc tế hỗ trợ hơn nữa để buộc quân đội Nga phải rời khỏi Crimea. Rõ ràng, Kiev một mặt muốn giảm căng thẳng thông qua thương lượng, một mặt tuyên bố tổng động viên cho chiến tranh. Phát biểu với báo giới, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov khẳng định đã chuẩn bị mọi văn kiện cần thiết để ký và thực thi trong trường hợp bị xâm lược quân sự trực tiếp.

Cuộc khủng hoảng của Ukraine thật sự đang là mối lo ngại lớn nhất cho hòa bình thế giới. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đang có những cuộc gặp con thoi kéo dài hàng giờ để tìm cách tháo gỡ nút thắt. Trong ngày 3-3, vị lãnh đạo của cơ quan quyền lực nhất thế giới có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Genève hôm 3-3. Ngoại trưởng Anh William Hague đã đến Ukraine trong khi Ngoại trưởng John Kerry cũng sẽ đến Kiev vào hôm nay (4-3). Trong cuộc hội đàm với chính phủ tạm quyền Ukraine, Ngoại trưởng Anh cho biết, cuộc khủng hoảng hiện nay là thách thức lớn nhất mà Châu Âu phải đối mặt trong thế kỷ XXI này.

Chiến tranh Lạnh đang đến

Nếu chiến tranh nổ ra...

Theo CNN, nếu chiến tranh bùng nổ, quân đội Ukraine sẽ bị lấn át bởi đội quân hùng mạnh của Nga.

Trong năm 2012, lực lượng vũ trang Nga hoạt động với quân số 845.000 so với 130.000 của Ukraine, Europa World - nguồn tài liệu tham khảo trực tuyến cho biết. Và ngân sách quốc phòng của Nga  là 78 tỷ USD trong năm 2012 - so với 1,6 tỷ USD của Ukraine, theo Defence Weekly. Trong khi đó, theo CIA World Factbook, Ukraine có 15,7 triệu nam- nữ tuổi từ 16-49 phù hợp với nghĩa vụ quân sự, so với 45,6 triệu người Nga.

Bóng ma Chiến tranh Lạnh đang có nguy cơ “đổ bộ” quan hệ Nga – Mỹ khi Nhà Trắng đang cố tìm cách cô lập Điện Kremlin. Theo AP, Washington và các đồng minh đang cân nhắc trừng phạt Moscow và tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu (đặt tại Cộng hòa Czech và Ba Lan) để đáp trả Nga. Ngoại trưởng John Kerry thẳng thừng tuyên bố, các nhà lãnh đạo thế giới “đang chuẩn bị để đi đến đích trong nỗ lực cô lập Nga vì hành động xâm lược”.

Cũng lặp lại kỷ nguyên đối đầu Đông-Tây, nhưng dường như phương Tây sẽ không đáp trả bằng biện pháp quân sự trước hành động khiêu khích của Nga. Chiến tranh Lạnh lại được nhắc đến. Trong thời Chiến tranh Lạnh (1945–1991), thế giới liên tục chứng kiến tình trạng xung đột chính trị, căng thẳng quân sự, cạnh tranh kinh tế sau Thế chiến II, chủ yếu giữa Liên Xô cùng các nước vệ tinh với các cường quốc phương Tây, gồm có Mỹ dù không bao giờ chính thức nổ súng.

Hiện tại, Mỹ đã hủy các cuộc hội đàm kinh tế, bao gồm chuyến thăm của một phái đoàn Nga để thảo luận vấn đề năng lượng. Một sự kiện quân sự quan trọng sắp tới cũng dự kiến bị hoãn. Nền kinh tế số 1 thế giới cũng đang xem xét giảm đầu tư thương mại và kinh tế vào Nga, đồng thời cho biết nhiều khả năng “hủy bỏ hoạt động bình thường đang diễn ra với Moscow”.

Trong động thái mang tính cứng rắn hơn nữa, Nhà Trắng đe dọa sẽ gạch tên Nga khỏi Nhóm G-8. “Nếu còn muốn ở trong G-8, Nga cần phải cư xử như một thành viên của nhóm”, Ngoại trưởng Mỹ nói. Trước đó, lãnh đạo nhóm G-7, gồm Mỹ-Pháp-Đức-Italia-Canada-Anh, ra tuyên bố phản đối và chỉ trích hành động “xâm phạm chủ quyền Ukraine” của Nga. Các nước này cũng tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G-8 diễn ra vào tháng 6 tới tại Sochi. Ngoài ra, G-7 cũng cam kết sẽ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho Ukraine.

Tuy nhiên, dường như, ông chủ Điện Kremlin đang phát đi tín hiệu, ông không quan tâm đến những lời cảnh báo của phương Tây. Mặc dù vậy, Chủ tịch Thượng viện Nga khẳng định, chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra giữa Nga và Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cũng tuyên bố, Moscow không muốn chiến tranh với Kiev và việc Quốc hội phê chuẩn hành động can thiệp quân sự là nhằm cho thấy sự nghiêm túc trong các ý định của Điện Kremlin.

Liệu những tuyên bố này có là hiện thực? Chỉ có thời gian mới có câu trả lời.

Khả Anh