Cử tri Đà Nẵng kiến nghị gì với Quốc hội?
Ngày 8-10, tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, cử tri Đà Nẵng đã bày tỏ quan tâm đến các giải pháp sống thích ứng an toàn với dịch bệnh cũng như việc xử lý tham nhũng, tiêu cực, xuyên tạc thông tin trên không gian mạng.
Đoàn ĐBQH Đà Nẵng tiếp xúc cử tri ngày 8-10.
Dang tay đón dân về
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo thống nhất các địa phương đưa đón, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân từ phía Nam trở về quê. Hiện nay dòng người đi xe máy từ phía Nam về quê rất lớn, hàng ngàn người, nếu không đưa đón, cách ly tốt sẽ tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các địa phương tiếp nhận. Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (Q. Thanh Khê) nói, do lãnh đạo các địa phương không đảm bảo công ăn việc làm khiến người dân phải rời bỏ quê hương vào Nam mưu sinh. Khi quá khó khăn, họ phải bỏ về vì không muốn chết nơi xứ người, thế nhưng một số địa phương lại từ chối tiếp nhận, chối bỏ quyền công dân được đi lại, trở về địa phương.
Cần phải dang rộng vòng tay đón dân của mình trở về. “Sau sự kiện dòng người trở về quê, rồi TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai lấy đâu ra lao động, có đứt gãy chuỗi sản xuất hay không. Chính phủ cần nghiên cứu các khu vực trọng điểm kinh tế phù hợp hơn”, cử tri Lê Đức Sơn (Q. Ngũ Hành Sơn) phân vân. Cũng theo cử tri Sơn, lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam cần ngồi lại hợp tác chống dịch để con em 2 địa phương được qua lại làm ăn, sinh sống thuận lợi. Bởi vì đặc thù Quảng Nam và Đà Nẵng tuy hai mà một, nhà bên này, làm bên kia, gia đình người thân bên kia.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng- Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để đón công dân về địa phương mình. Các địa phương cũng đang thực hiện tích cực, tuy nhiên nhiều địa phương còn khó khăn về hạ tầng để đón, cách ly, chăm sóc y tế, không đáp ứng hết được. Riêng Đà Nẵng, TP đã có chủ trương đón công dân về từ đợt trước bằng việc miễn các điều kiện, tổ chức chuyến bay, phương tiện đưa đón. Sắp tới TP sẽ có chuyến bay đưa đón phụ nữ mang thai, người già yếu từ nơi khác về Đà Nẵng. Vừa qua, TP cũng hỗ trợ tích cực cho các đoàn người dân phía Nam về ngang qua, rõ nét nhất là đề nghị mở hầm Hải Vân cho xe máy lưu thông trong điều kiện mưa gió, hỗ trợ vật chất…
Điều chỉnh các gói hỗ trợ
Cử tri Đà Nẵng cũng đánh giá cao các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID của T.Ư và TP. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các gói này vẫn còn bất cập. Cử tri Nguyễn Quang Tuyến (Q. Sơn Trà) phản ánh, một số đối tượng thực sự khó khăn nhưng chưa nằm trong mục đối tượng được hỗ trợ. Việc hỗ trợ đổ đồng mỗi hộ 500 ngàn đồng chưa hợp lý, vì có hộ chỉ 1 người, nhưng có hộ 7-8 người.
Chính sách hỗ trợ cũng phải được hướng dẫn cụ thể hóa, tránh tình trạng ở tổ dân phố không biết lập danh sách, xác minh thế nào. Cử tri cũng bức xúc dù Thủ tướng có chỉ đạo nhưng đến nay ngành điện, nước vẫn chưa hỗ trợ giảm giá cho dân. Cử tri Nguyễn Danh Ngãi (Q. Cẩm Lệ) nói: Người dân chúng tôi tự sẻ chia, vận động chủ trọ giảm 50% tiền thuê trọ, đến nay toàn TP giảm hơn 27 tỷ đồng, rất thiết thực, vậy mà ngành điện, nước không giảm cho dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, ngoài gói hỗ trợ gần 60 ngàn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, hiện gói 38 ngàn tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm xã hội cũng sẽ được triển khai. Theo đó người lao động đang đóng hoặc dừng đóng bảo hiểm xã hội đều được hỗ trợ với mức từ 1,8 triệu đồng đến 3,3 triệu đồng. Đại biểu Trần Chí Cường- Phó Đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ của T.Ư, TP đã triển khai các gói hỗ trợ người dân khó khăn bởi dịch bệnh khoảng 800 tỷ đồng. Hiện TP đã tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp thu thập thông tin, xây dựng chính sách hỗ trợ bao quát các đối tượng, thiết thực hơn trình HĐND TP trong kỳ họp tới.
Cử tri Đà Nẵng gửi kiến nghị tới Quốc hội.
Kịch bản hậu COVID-19
Nhiều cử tri cũng kiến nghị phải có kịch bản phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, đến nay, Đà Nẵng đã phủ vaccine mũi 1 cho 91% dân số trên 18 tuổi, thuộc tốp cao nhất cả nước. Theo nhận định của các chuyên gia y tế thế giới, dịch COVID chưa thể kiểm soát được trong năm 2022 và có thể xuất hiện biến chủng mới mạnh hơn Delta.
Như vậy, nguy cơ dịch bùng lên, phức tạp vẫn rất lớn ngay cả khi đã phủ vaccine. Từ đó, việc chủ động ứng phó, chuẩn bị các điều kiện sống thích ứng an toàn với dịch hết sức quan trọng. Theo ông Quảng, điều kiện để thích ứng an toàn đó là: Đến ngày 20-10, Đà Nẵng sẽ phủ 100% vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo thuốc, trang thiết bị. Hiện năng lực của Đà Nẵng có thể xét nghiệm 120 ngàn mẫu/ngày, có 5-6 ngàn giường bệnh, 300 giường hồi sức tích cực. Vừa qua, Đà Nẵng là địa phương được chọn thử nghiệm thuốc điều trị COVID, giúp giảm thời gian điều trị, chỉ 5 ngày bệnh nhân có thể âm tính, thuốc cũng giúp bệnh nhân không chuyển sang thể nặng. Thế giới đang coi thuốc điều trị COVID này cũng sẽ cạnh tranh như vaccine. “Tuy nhiên, thuốc hay vaccine đều không thể thay thế được ý thức 5K. Phải xây dựng được thói quen trong phòng chống dịch của người dân. Như vậy mới gọi là thích ứng an toàn được. Đây là tiêu chí, yêu cầu cao nhất trong chống dịch”, ông Quảng nhấn mạnh.
Về khôi phục phát triển kinh tế gắn với đảm bảo chống dịch, ông Quảng cho biết TP đã xây dựng xong dự thảo về kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế. Vừa qua TP đã lắng nghe ý kiến của người dân, DN, trong đó quan tâm đến các chính sách hỗ trợ thuế phí, hạ tầng… cho DN. Tuy nhiên, có một vấn đề ông Quảng cho rằng quan trọng hơn, đó là khắc phục tâm lý của cộng đồng sau đại dịch. Những ảnh hưởng tâm lý nặng nề của người phải cách ly, là F0 thậm chí sang chấn tâm lý với những người có thân nhân mất vì COVID, đây là vấn đề rất lớn. “Kể cả việc học trực tuyến, cứ để thế này, sẽ có 1 thế hệ học sinh không hoàn thiện”, ông Quảng cho biết.
Xử lý thông tin xấu độc
Nhiều cử tri phản ánh bức xúc tình trạng thông tin xấu độc, xuyên tạc trên không gian mạng, gây hoang mang cho người dân nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn phức tạp, mới nhất là vụ việc liên quan tới lực lượng Cảnh sát biển khiến người dân rất bức xúc. Cử tri cũng đề nghị điều tra làm rõ tình trạng giá kit xét nghiệm COVID rất cao, có hay không lợi ích nhóm, cần công khai, xử lý kiên quyết. Đại biểu Trần Đình Chung- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, vừa qua có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội tung tin thất thiệt, tuyên truyền, kích động, lôi kéo chống phá chủ trương chống dịch của địa phương.
Một số đối tượng kích động, quậy phá tại các chốt chống dịch. TP đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên do nhận thức, một số đối tượng trẻ tuổi lợi dụng câu like, Công an TP đã phát hiện, xử lý, các đối tượng đều thừa nhận vi phạm. Ngoài ra, đại biểu Chung cũng cho biết, trong 9 tháng vừa qua tội phạm tại Đà Nẵng đã giảm hơn 15%. Công an TP đã phát hiện hơn 150 người nhập cảnh, lưu trú trái phép bằng nhiều con đường, kể cả móc nối cho người nhập cảnh bằng con đường chuyên gia. Công an TP đã khởi tố 11 vụ, 56 bị can nhập cảnh và môi giới nhập cảnh, lưu trú trái phép.
Ông Nguyễn Văn Quảng thông tin thêm, việc kiểm soát thông tin xấu độc trên không gian mạng hiện khó khăn vì đa số máy chủ đặt ở nước ngoài. Thời gian vừa qua TP đã xử lý một số đối tượng đưa thông tin sai lệch, ảnh hưởng quá trình chống dịch của TP.
HẢI QUỲNH