Đà Nẵng còn thiếu những công trình điêu khắc
Là địa điểm du lịch giàu tiềm năng, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn thiếu vắng những công trình, tác phẩm điêu khắc mang dấu ấn lịch sử của thành phố, đồng thời chưa tạo được sự hài hòa giữa điêu khắc và kiến trúc.
Tượng đài Mẹ Nhu. |
Thiếu vắng các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật
Với nhiều yếu tố thuận lợi trong quá trình hình thành, phát triển thành phố Đà Nẵng đã tạo dựng được thương hiệu về du lịch ở trong nước cũng như nước ngoài. Diện mạo đô thị đang ngày càng thay đổi, hiện đại với nhiều đường phố mới, công trình mới cùng những cây cầu đa dạng, đặc trưng bắc qua sông Hàn; rồi những khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị mới ngày càng phát triển, khẳng định tầm vóc của thành phố du lịch giàu tiềm năng ở khu vực miền Trung và cả nước. Và trong đó, có một yếu tố không thể thiếu được đó là những công trình điêu khắc nghệ thuật ngoài trời. Những công trình này chính là yếu tố hết sức quan trọng góp phần làm đẹp thêm cho kiến trúc không gian, cảnh quan môi trường của thành phố.
Có thể thấy rằng, hiện nay hệ thống các tác phẩm điêu khắc ngoài trời còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Hiện mới chỉ có một số công trình điêu khắc tiêu biểu như tượng đài Mẹ Nhu (chất liệu đồng) của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trên đường Điện Biên Phủ; tượng Mẹ Âu Cơ (chất liệu đá) của nhà điêu khắc Lê Công Thành tại Công viên Biển Đông; cụm tượng Người mẹ Việt Nam của Đỗ Toàn ở Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố; tượng Đất lành chim đậu của Phạm Văn Hạng ở đường 3-2. Bên cạnh đó phía bờ Đông sông Hàn có vườn tượng nghệ thuật ở đường Trần Hưng Đạo với gần 10 tác phẩm là kết quả từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2010; một số tượng danh nhân trên các đường Hồ Xuân Hương, Lê Văn Hiến; tượng Cá chép hóa rồng và khoảng 50 tượng từ Làng đá mỹ nghệ Non Nước đặt tại bờ Đông và rải rác trên đường Bạch Đằng dọc sông Hàn... Mới đây có thêm vườn tượng APEC ở bờ Tây sông Hàn gần Bảo tàng Điêu khắc Chăm và 2 tượng "Sóng biển", "Dòng sữa mẹ" vừa được tiếp nhận, đặt tại các điểm công cộng ngày 2-4 vừa rồi. Theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn thì số lượng các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ở Đà Nẵng còn rất thiếu vắng, quy mô nằm trong diện vừa và nhỏ, được xây dựng khá lâu. Nhiều cụm tượng chủ yếu giới thiệu về Làng đá mỹ nghệ Non Nước...
Năm 2016, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phê duyệt hai dự án công trình tượng đài nghệ thuật có quy mô và ý nghĩa lịch sử quan trọng; dự kiến xây dựng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đó là Tượng đài Chiến tích Hải Vân, ghi lại những chiến công kháng chiến cứu nước gắn với đỉnh đèo Hải Vân, đặt tại P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu và Tượng đài Chiến tích Gò Hà nhằm ghi dấu mốc lịch sử quan trọng trong trận đầu đánh Mỹ của quân và dân Quảng Nam- Đà Nẵng năm 1965, đặt ở xã Hòa Khương, H. Hòa Vang. Tuy nhiên do chưa huy động được nguồn kinh phí nên đến nay hai dự án này chưa thể triển khai được...
Tượng đài "Quảng Nam Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ". |
Chưa có sự giao thoa giữa điêu khắc lịch sử và đương đại
Trao đổi với chúng tôi, nhà điêu khắc Phạm Hồng-nguyên Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, trước đây Đà Nẵng đã từng có những công trình điêu khắc nghệ thuật mang tính giá trị về lịch sử như bức tượng "Người mẹ bồng con" của nhà điêu khắc Dương Khắc Cần dựng ngay trước sân Nhà trưng bày chứng tích tội ác đế quốc Mỹ" (74-Bạch Đằng); cụm tượng "Quảng Nam Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" khánh thành năm 1976 đặt tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm 84- Hùng Vương. Tuy nhiên về sau khi Nhà chứng tích không còn nữa, bức tượng "Người mẹ bồng con" cũng không biết chuyển đi đâu(?). Còn cụm tượng "Quảng Nam Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" thì đã chuyển vào Nhà truyền thống Tỉnh đội Quảng Nam. Riêng đội ngũ điêu khắc của thành phố đã có nhiều dự án và các tác phẩm nhằm làm đẹp cho thành phố nhưng do không có kinh phí nên không thể triển khai. Nhà điêu khắc Phạm Hồng đánh giá, theo xu thế hội nhập và phát triển, Đà Nẵng rất cần một không gian văn hóa, đặc biệt là các công trình điêu khắc mang tính nghệ thuật cao và có sự giao thoa giữa điêu khắc lịch sử và đương đại. Theo ông Phạm Hồng, vị trí đắc địa hiện nay để xây dựng công trình điêu khắc mang tính giao thoa đó là khu đất nối dài của vườn tượng APEC trên đường 2-9 ở bờ Tây sông Hàn dưới chân cầu Rồng. Sự liên kết ở đây là sau khi du khách đã tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, có thể tiếp tục qua đường để tham quan vườn tượng đương đại ở bên này đường 2-9...
Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, vừa qua UBND TP đã cho triển khai dự án đường gốm dọc bờ kè đường Võ Nguyên Giáp- Phạm Văn Đồng với kinh phí 13 tỷ đồng và đã đầu tư 700 triệu đồng làm đường. Công trình mang đậm tính nghệ thuật này do các họa sĩ Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thực hiện với các bức phù điêu thể hiện hình ảnh thiên nhiên trên gốm lấy từ đất sét sông Hoài (Hội An). Dự án hoàn thành sẽ góp phần làm đẹp thêm cảnh quan môi trường du lịch của thành phố. Ngoài ra, tại các khu công viên, đô thị, đường phố cũng rất cần những công trình điêu khắc nghệ thuật, những tượng danh nhân, tượng trang trí, ghi dấu những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
Có thể thấy rằng, tình trạng vừa thiếu, vừa cũ, giá trị nghệ thuật chưa cao, chưa xứng tầm đô thị hiện đại của các tác phẩm điêu khắc ngoài trời ở Đà Nẵng một phần do thiếu quan tâm của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, đầu tư, xây dựng. TP Đà Nẵng cần phải có những công trình điêu khắc ngoài trời mang ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, hợp bối cảnh không gian và tương xứng với quy mô, tốc độ phát triển đô thị của mình. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa là hết sức quan trọng, cần quan tâm, định hướng phát triển với quy hoạch cụ thể cho từng khu vực trong thành phố. Với thế mạnh, tiềm năng, Đà Nẵng đang trên đà phát triển về kinh tế và du lịch, phát huy những giá trị văn hóa làm nên chiều sâu, nét đẹp của vùng đất đầu biển cuối sông. Điều này ngoài tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ sáng tạo, rất cần sự quan tâm của lãnh đạo thành phố về chủ trương, quy hoạch, tạo nguồn kinh phí để có những công trình nghệ thuật điêu khắc có giá trị cao, góp phần mang lại vẻ đẹp văn hóa, tinh thần cho thành phố an bình và đáng sống.
HIỀN MINH