NHÂN KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 - 1-8-2020):

Đà Nẵng đi lên từ lịch sử anh hùng

Thứ năm, 30/07/2020 22:49

Đà Nẵng là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng và lịch sử là một mạch nguồn ngầm chảy trong đời sống của mỗi người dân qua bao bước thịnh - suy, thăng - trầm, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước của bao thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Thành phố Đà Nẵng ngày một văn minh, hiện đại.

Xác định công tác phát huy truyền thống là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, mấy năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện có kết quả công tác phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa gắn với việc xây dựng, phát triển quê hương trong tình hình mới.

Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Thường trực Thành ủy luôn chú trọng chỉ đạo công tác sưu tầm, biên soạn Lịch sử Đảng bộ và phát huy truyền thống cách mạng địa phương, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ thành phố. Sau khi có Chỉ thị 15-CT/TW và sau đó là Chỉ thị 20-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các Chỉ thị, Thông báo nhằm cụ thể hóa việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác sưu tầm, biên soạn Lịch sử Đảng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, quyết định hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương, đơn vị tiến hành sưu tầm, biên soạn xuất bản các công trình  Lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương và phát huy truyền thống cách mạng.

Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu Thường trực Thành ủy cho chủ trương và kinh phí để biên soạn hàng loạt các công trình lịch sử quan trọng như: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975)”, “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1975-2015)” cùng hàng loạt những tập hồi ký cách mạng gây được ảnh hưởng tốt trong bạn đọc như: Mãi mãi là dân cụ Hồ, Đà Nẵng thời đánh Mỹ - Đô thị vùng lên (Tập 2); Năm 2020, tái bản các tập sách Buổi đầu gieo hạt, Đà Nẵng xuân 1975; các tập sách hưởng ứng cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh được Trung ương trao giải như: Học theo gương sáng Bác Hồ (2018), Noi gương Bác - Việc gì có lợi cho dân thì làm(2020)…

Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã tham mưu cho Thường trực Thành ủy tổ chức những hội thảo khoa học quan trọng về Đặc Khu ủy Quảng Đà, về cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha, về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ… từ đó hình thành nên những tập sách được bạn đọc hoan nghênh như: Đặc Khu Quảng Đà - Trung dũng, kiên cường, Cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng (1858-1860), Huỳnh Ngọc Huệ - Người con ưu tú của Xứ Quảng… Đặc biệt, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng được chú trọng, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dần trở thành “địa chỉ đỏ” của hoạt động tham quan, du lịch như: Thành Điện Hải, Khu di tích K.20, Di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước… Đến nay, cấp quận, huyện cơ bản đã biên soạn, sửa chữa và bổ sung các tập lịch sử Đảng bộ của địa phương mình giai đoạn 1975 – 2015; nhiều địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương như Huyện ủy Hòa Vang, Quận ủy Hải Châu, Quận ủy Ngũ Hành Sơn… Các ban, ngành và đoàn thể trên địa bàn thành phố có nhiều bước tiến đáng kể trong việc biên soạn lịch sử và phát huy truyền thống như: Công an thành phố Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, UBMTTQVN thành phố, Liên đoàn Lao động, Cảng Đà Nẵng…

Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên tổ chức các đợt khai thác tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và thành phố Đà Nẵng tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, để phục vụ công tác tuyên truyền, phát huy truyền thống của địa phương. Kết quả, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thu thập hàng chục ngàn trang tư liệu, ảnh tư liệu, bản đồ quý hiếm về huyện đảo Hoàng Sa và thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, còn tổ chức thu thập hàng trăm hồi ký cách mạng về cuộc đời và sự nghiệp của các đồng chí là người con quê hương Hòa Vang (Đà Nẵng) có thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp cách mạng tại quê hương và cả nước để tổ chức biên soạn các tập sách hồi ký cách mạng, có sức hấp dẫn, sinh động và tạo nhiều cảm xúc cho người đọc.

Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn thành phố phát động nhiều hình thức phát huy truyền thống thiết thực, tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ địa phương; sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, gắn bia các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển du lịch; đưa lịch sử địa phương vào trường học, gắn việc học lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa; tổ chức nhiều hoạt động dâng hương, về nguồn, thăm địa chỉ đỏ, thăm di tích lịch sử… Ngoài ra, Thư viện Tổng hợp, Bảo tàng Tổng hợp thành phố, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tiếp tục tổ chức trưng bày giới thiệu sách, hiện vật về các đề tài lịch sử, về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa…, thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, góp phần thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử, tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát huy những mặt làm được, khắc phục những tồn tại hạn chế, trong những năm tới Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng sẽ tiếp tục tham mưu cho Thường vụ Thành ủy đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ và giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng địa phương, tạo điều kiện để các quận, huyện, xã, phường hoàn thành biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ; tiếp tục tổ chức sưu tầm, hệ thống và giới thiệu tư liệu về huyện đảo Hoàng Sa; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ về tinh thần trân trọng, bảo vệ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, biến tình yêu quê hương, đất nước thành một nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng ngày một văn minh, hiện đại như mong ước của mỗi người dân Đà Nẵng.

Lưu Anh Rô