Đằng sau những vầng sáng âm nhạc

Thứ sáu, 03/07/2015 07:21

(Cadn.com.vn) - Công tác ở phía Nam nhiều năm, tôi có dịp được gần gũi bên nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong nhiều sự kiện cũng như trong lúc thưa chuyện thân tình. Không chỉ là một đại thụ âm nhạc Việt Nam, các tác phẩm của ông đã trở thành âm vang của thời đại, âm vang của lịch sử dân tộc. Nhưng trong cuộc sống đời thường ông sống giản dị, đức độ, tâm hồn trong sáng, trẻ trung, dí dỏm. Xin ghi chép lại để chia sẻ với mọi người ngày ông ra đi nhưng nụ cười vẫn còn ở lại với chúng ta...

 

Có một lần ông trả lời báo chí hỏi quê nhạc sĩ ở đâu?, ông bảo: "Tôi ở Đà Nẵng, nhưng khi công tác trong những năm kháng chiến người gọi tôi là nhạc sĩ miền Nam, về  miền Nam ở TPHCM người ta gọi tôi là nhạc sĩ miền Trung, về miền Trung người ta gọi tôi nhạc sĩ  Phan Huỳnh Điểu đến từ TPHCM, vậy thì quê ở đâu đây? Thôi thì ở đâu cũng được, miễn là cuộc đời vẫn đẹp sao!".  Năm 1996 nhà ở của nhạc sĩ tại P. Tân Định, Quận 1 bị giải tỏa, ông bằng ứng tác bốn câu thơ: 74 tuổi vẫn không nhà/không hề than vãn chẳng kêu ca/ vẫn tuôn suối nhạc bao người hát/cung bổng, cung trầm... cung xót xa... rồi  ông đến Sở Nhà đất TPHCM để liên hệ được bố trí nhà ở theo tiêu chuẩn, người ta nói rằng nhà ở thì tính sau, nhưng nhạc sĩ sáng tác bài Thuyền và biển hay quá!. Ông buồn bã ra về, sau đó ông viết một bài thơ gửi lên Sở Nhà đất:

Chỉ có thuyền mới biết /Biển mênh mông dường nào

Chỉ có... Sở nhà đất... mới biết /Điểu đi đâu?... ở đâu?

Không biết vui hay buồn trong cơ sự này, nhưng sau đó Sở Nhà đất đã có quyết định đổi căn hộ cho ông. Một lần,  nhân sinh nhật lần thứ 70 nhạc sĩ có làm bài thơ hơi  hớm của người xứ Quảng: Nay đà thấp thật cổ lai hy/Nhưng mà gân cốt chẳng hề chi/Tiếc rằng cái tóc hơi hơi bạc/Chứ mọi thứ vẫn còn... y nguy.

Trong  lúc trò chuyện, một nhà văn thắc mắc: Tôi nghe ông nói cũng hơi nghi/Phải chăng cái đó cũng còn y?

Nhạc sĩ trả lời luôn bằng thơ: Chẳng tin cứ hỏi ngay bà xã, bà xã trả lời: Ôi mê ly!

Trong đêm mừng sinh nhật lần thứ 80 tổ chức tại nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, có người hỏi nhạc sĩ: Xin hỏi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từ khi sáng tác còn rất trẻ cho đến nay, thời nào nhạc sĩ sáng tác sung sức nhất? Nhạc sĩ chưa trả lời vội, ông cười nụ cười thật hóm hỉnh, trẻ trung, một lúc, ông nói: "Tạm thời gọi đầu, mình và chân tay ba đoạn, đoạn mới đầu sáng tác chưa có kinh nghiệm, đoạn giữa là đoạn có nhiều kinh nghiệm cho nên cuộc đời sáng tác của tôi đoạn giữa là sung sức nhất, nên bây giờ tôi cũng gần hơi đoạn giữa tí. Tôi xin đọc bài thơ mới viết cho anh nghe. Hồi 70 tuổi tôi có làm bài thơ: năm bảy mươi tuổi còn quá tốt / năm bảy lăm tuổi vẫn còn  tốt/ nay đà sang bước 80/kiểm tra vẫn còn tốt/ vẫn còn tươi/ố la la /tuyệt vời... Hội trường được một trận cười nghiêng ngã.

Mới đây, trong buổi họp mặt đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng đầu năm 2015, trong chương trình mừng thượng thọ nhạc sĩ của quê hương, ông không phát biểu nhiều chỉ đọc mấy câu thơ: Nay tuổi 90 vẫn chưa già/ Vẫn còn thích ngắt những bông hoa /Chỉ ngắm thôi mà không tút tít (tiếng pháp nghĩa là "sờ, chạm vào")/ Để rồi mang tiếng Giamaha (tạm hiểu là: Già mà ham")". Mọi người  được trận cười ngất ngây.

...Giờ đây nhạc sĩ đã đi xa, không chỉ để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc đồ sộ mà còn để lại bao nhiêu câu chuyện buồn vui, bao nhiêu tình yêu thương trong cuộc đời.

Mai Phúc