TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Đất chưa có sổ đỏ, có được lập di chúc không?

Thứ ba, 08/08/2023 09:31
Hiện nay có tình trạng đất được sử dụng khá lâu đời nhưng người sử dụng đất vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay thường gọi là sổ đỏ. Nguyên nhân có thể do đất không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ theo quy định của pháp luật hoặc do người sử dụng đất chưa tiến hành làm thủ tục cấp sổ đỏ hoặc một nguyên nhân cụ thể nào đó. Trong trường hợp này, liệu người sử dụng đất có thể lập di chúc không? Pháp luật quy định về việc lập di chúc đối với đất chưa có sổ đỏ như thế nào? Dưới đây là chia sẻ của Luật sư Lê Ngô Hoài Phong – Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners về vấn đề này.
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong

Trước hết, cùng tìm hiểu một số khái niệm cơ bản theo quy định của pháp luật trước khi đi sâu vào chi tiết. Sổ đỏ là thuật ngữ người dân thường sử dụng để chỉ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thừa kế theo di chúc là việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết bằng văn bản hoặc lời nói.

Quyền thừa kế được quy định như thế nào?

Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền thừa kế: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Như vậy có thể hiểu Quyền thừa kế bao gồm quyền của người để lại tài sản lẫn quyền của người hưởng di sản – tức quyền được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

1. Quyền thừa kế của người để lại sản

Về nguyên tắc, mọi cá nhân không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội… đều bình đẳng về quyền thừa kế; đều có quyền định đoạt tài sản của mình thể hiện dưới dạng di chúc hoặc theo pháp luật trước khi qua đời.

Trường hợp có di chúc của người chết để lại và di chúc đáp ứng điều kiện pháp luật để có hiệu lực thì việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc.

Trường hợp người chết không có di chúc để lại hoặc di chúc không đảm bảo hiệu lực thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định của pháp luật về thừa kế.

2. Quyền thừa kế của người hưởng di sản

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp người hưởng di sản theo di chúc, sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo nội dung trong di chúc. Người được thừa kế theo di chúc có thể là bất kỳ ai theo ý chí của người lập di chúc, trừ trường hợp có người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. Người được thừa kế theo di chúc không được là người làm chứng cho di chúc hoặc công chứng, chứng thực di chúc.

Trường hợp người hưởng di sản theo quy định của pháp luật, căn cứ vào hàng thừa kế để xác định phần di sản mà họ sẽ được hưởng. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Điều kiện để chia thừa kế quyền sử dụng đất là gì?

Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

Có sổ đỏ;

Đất không có tranh chấp;

Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, theo quy định này, điều kiện lập di chúc để lại quyền sử dụng đất là phải có sổ đỏ.

Đất chưa có sổ đỏ có được lập di chúc không?

Người dân thường có tâm lý lựa chọn hình thức lập di chúc có công chứng vì cho rằng di chúc được công chứng sẽ có giá trị pháp lý. Theo quy định của Luật công chứng, khi muốn công chứng di chúc thì người lập di chúc phải có sổ đỏ; trường hợp không có sổ đỏ, công chứng viên sẽ từ chối công chứng di chúc.

Tuy nhiên, về nguyên tắc pháp lý, di chúc là ý chí của người để lại di chúc, và việc tài sản không hoặc chưa có đủ giá trị pháp lý sẽ không làm hạn chế quyền của người để lại di chúc. Giả sử trong trường hợp, tài sản không đủ cơ sở để xác định đó là tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của người để lại di sản thì di chúc đó sẽ không phát sinh hiệu lực, và theo đó cũng sẽ không làm phát sinh, chấm dứt hay thay đổi quyền và nghĩa vụ của người để lại di chúc hoặc người hưởng di sản; và ngược lại, nếu có đủ cơ sở để xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người để lại di sản thì di chúc sẽ phát sinh hiệu lực và được phân chia theo đúng nội dung di chúc đó.

Nội dung quy định tại Điều 1, Mục II Nghị quyết 02/2004/NQ- HĐTP quy định về việc xác định quyền sử dụng đất là di sản cũng đã nêu rõ tinh thần này.

Trường hợp 1: Đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất sau thì quyền sử dụng đất đó được xác định là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế:

Giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 15/10/1993;

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;

Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất;

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

Trường hợp 2: Đất do người chết để lại mà người đó không có sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nêu trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế thì tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất đó trong những trường hợp sau:

Có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp sổ đỏ (đủ điều kiện cấp sổ đỏ).

Không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất.

Trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất đó thì tòa án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.

Từ những căn cứ nêu trên có thể thấy, cho dù đất chưa có sổ đỏ thì người sử dụng đất vẫn có thể lập di chúc. Lúc này, để đảm bảo hiệu lực của di chúc, người lập di chúc có thể nhờ người làm chứng di chúc theo quy định pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425