TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Di sản của ông nội bị chú độc chiếm, cháu làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Thứ hai, 10/04/2023 08:19
*Bạn đọc hỏi: anh Nguyễn Hữu Tài, ở TP Đà Nẵng hỏi: ông nội tôi có 4 người con, bao gồm ông Nguyễn Hùng (cha đẻ của tôi, mất năm 1996, có 3 người con), ông Nguyễn Hưng, ông Nguyễn Hậu và bà Nguyễn Thị Hiền. Năm 2017, ông nội tôi chết không có di chúc và để lại di sản là 1 thửa đất vườn có diện tích 2.278m2 (di sản thừa kế) đứng tên ông nội tôi là Nguyễn Chung, tại TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Lợi dụng việc quản lý di sản thừa kế của ông nội, chú Hậu đã tự ý lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà không có sự thống nhất của những người anh em khác, tiến hành sang tên di sản thừa kế thành tên ông Hậu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm thủ tục tách thửa thành 6 thửa đất chuyển cho các con của chú Hậu đứng tên. Hiện tại, chú Hậu và các con của chú đang tìm cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cho các cá nhân khác. Cho tôi hỏi tôi có được xác định là một trong những đồng thừa kế của ông nội tôi không? Nếu có, tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Đặng Văn Vương
Luật sư Đặng Văn Vương

*Luật sư Đặng Văn Vương - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:

Anh Tài có được hưởng thừa kế di sản của ông nội hay không?

Theo thông tin anh cung cấp, năm 2017, ông nội của anh chết không để lại di chúc và có 4 người con. Di sản của ông là thửa đất vườn có diện tích 2278m2 đứng tên ông.

Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;”

Như vậy, trường hợp người để lại di sản chết không có di chúc thì thừa kế được chia theo pháp luật. Theo đó, người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản theo thứ tự hàng thừa kế ưu tiên được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”.

Với trường hợp của gia đình anh Tài, tại thời điểm ông Chung mất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn 3 người là ông Hưng, ông Hậu và bà Hiền; còn ông Hùng (ba của anh) mất trước ông Chung nên phát sinh quyền thừa kế thế vị cho 3 người con ông Hùng đối với phần di sản của ông Chung mà ông Hùng được hưởng nếu còn sống.

Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Căn cứ quy định trên, 3 người con của ông Hùng (trong đó có anh Tài) thế vị ông Hùng hưởng phần di sản mà ông Hùng được hưởng nếu còn sống. Như vậy, anh Tài và 2 người anh em của anh được xác định là một trong những đồng thừa kế của ông nội anh. Theo đó, mỗi người được hưởng phần di sản mà cha anh được hưởng nếu còn sống (1/4 di sản của ông Chung, trừ trường hợp tất cả đồng thừa kế của ông Chung có thỏa thuận khác).

Ông Hậu tự ý lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và chiếm toàn bộ di sản thì có vi phạm pháp luật hay không?

Như đã phân tích ở Mục 1, những người đồng thừa kế của ông Chung gồm ông Hưng, ông Hậu, bà Hiền và 3 người con của ông Hùng.

Căn cứ Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”, các đồng thừa kế của ông Chung đều có quyền bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế là thửa đất do ông Chung để lại.

Như vậy, việc ông Hậu tự ý lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản và sang tên thửa đất của ông Chung thành tên ông Hậu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có sự đồng ý của các đồng thừa kế nêu trên là không đúng quy định pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác.

Anh Tài cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Câu chuyện thừa kế, di chúc thường rất phức tạp và dễ dẫn đến tranh chấp. Một khi xảy ra tranh chấp giữa các đồng thừa kế, hòa khí và hạnh phúc gia đình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, lựa chọn giải pháp vừa hợp tình vừa hợp lý luôn được ưu tiên hàng đầu. Trên tinh thần đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh Tài có thể lựa chọn các giải pháp sau đây:

Ưu tiên 1 là thương lượng: Để giữ hòa khí gia đình và giá trị tình thân, anh Tài nên đề xuất tổ chức cuộc họp gia đình, có đầy đủ các đồng thừa kế để trao đổi, thương lượng với ông Hậu và có thể đưa ra các phương án như sau:

Ông Hậu tự nguyện yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy văn bản thỏa thuận phân chia di sản, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Hậu và/hoặc các con ông Hậu để phân chia lại di sản cho các đồng thừa kế theo phần họ được hưởng theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận; hoặc

Ông Hậu và con của ông Hậu chuyển nhượng lại cho các đồng thừa kế khác phần họ được hưởng theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận; hoặc

Ông Hậu thối trả cho các đồng thừa kế khác giá trị tương đương với kỷ phần được hưởng theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận.

Ưu tiên 2 là khởi kiện: Trường hợp ông Hậu không hợp tác hoặc việc thương lượng không thành, anh Tài có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu:

Hủy văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà ông Hậu đã tự lập;

Hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Hậu và/hoặc con của ông Hậu;

Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425