Đất thiêng Côn Đảo (2)

Thứ ba, 16/05/2017 18:11

Bài 2: Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương

(Cadn.com.vn) - Đến Côn Đảo, một địa chỉ không thể bỏ qua, đó là nghĩa trang Hàng Dương. Ai cũng muốn một lần đến nơi đây để thắp nén hương thơm thành kính tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.

Chúng tôi được sắp xếp ở tại khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo ở trung tâm huyện Côn Đảo. Khách sạn được xếp hạng 3 sao, có vị trí khá đặc biệt, mặt tiền của khách sạn trông ra biển, còn sau lưng là trại giam Phú Sơn, một trong các nhà tù có kiến trúc đẹp nhất ở Côn Đảo. Sau khi nhận phòng, nghỉ ngơi và ăn tối, chúng tôi được chị trưởng đoàn thông báo "Đêm nay sẽ đi thắp hương ở nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ chị Sáu...". Vì chưa bao giờ đến nghĩa trang vào ban đêm nên chúng tôi ai nấy đều hồi hộp pha lẫn chút lo lắng. Có người tranh thủ ngủ một giấc sau chặng đường dài, vài người tìm quán cà- phê ngồi nói chuyện, đợi cho đến lúc lên đường, còn tôi tranh thủ tìm kiếm vài thông tin về nơi mình sắp đến...

 Rất đông du khách đến viếng nghĩa trang Hàng Dương và mộ chị Võ Thị Sáu vào ban đêm.

Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng ngày 19-12-1992 với khuôn viên rộng gần 20 ha, là nơi quy tập hơn 1.900 ngôi mộ, trong đó chỉ có gần 800 mộ có tên, địa chỉ, các mộ còn lại chưa xác định được danh tính người nằm dưới mộ. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước như: Nguyễn An Ninh, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu... Điều đặc biệt ở nghĩa trang Hàng Dương là du khách đến viếng mộ không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, ngày nào cũng có, dù nắng hay mưa, đông nhất vẫn là các ngày nghỉ cuối tuần. Khoảng 23 giờ 30, cả đoàn chúng tôi được đánh thức, lục tục khởi hành từ khách sạn đến nghĩa trang Hàng Dương. Các chị người xách, người khiêng, mang theo các loại hương, đèn, đồ cúng, hoa quả đã được chuẩn bị từ trong đất liền ra để thắp hương ở  nghĩa trang. Không như suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, nghĩa trang ban đêm sáng rực ánh điện, từng đoàn ô-tô, taxi hàng chục chiếc nối đuôi nhau đậu chật kín bãi đất trống phía trước nghĩa trang.

Từng đoàn người hối hả ra vào nghĩa trang trong trật tự, trên tay nhiều người cầm theo hoa, quả, hương đèn, có người mang cả gương, lược, nón, áo dài ra để cúng "cô Sáu". Cảm giác lo lắng lúc đầu trong tôi dần tan biến, thay vào đó là tinh thần thư thái, nhẹ nhàng như đang lạc vào một công viên. Đèn trong nghĩa trang lung linh, huyền ảo, tiếng nhạc chiêu hồn tử sỹ phát ra nhè nhẹ như một bản giao hưởng ru ngủ, vỗ về ngàn đời các anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước đang yên nghỉ tại đây. Không rõ từ bao giờ, những người đến đây đều tin rằng vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa đêm và ngày, những lời khấn nguyện sẽ được "cô Sáu" và các anh hùng liệt sĩ ở đây chứng giám và phù hộ, vì thế ngày càng có nhiều du khách đến Côn Đảo, đợi đêm xuống sẽ ra với nghĩa trang Hàng Dương. Đêm khuya, dòng người đổ về nghĩa trang ngày một đông, ai cũng khẽ khàng, thành kính thắp nhang với những lời nguyện cầu thì thầm.

Trời bắt đầu đổ mưa, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một cái xe đẩy hàng để vận chuyển đồ cúng vào phía trong. Ở khu vực tượng đài chính của nghĩa trang lúc này có khá đông người đang dâng hương. Trên kệ đá dài phía trước tượng đài, các mâm lễ đã đặt kín, khói hương nghi ngút. Dâng hương ở tượng đài chính xong, chúng tôi đến thắp hương tại mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu nằm về phía bên phải của tượng đài chính, đây mới là nơi tập trung đông người nhất ở nghĩa trang vào lúc nửa đêm như thế này. Có đến mấy trăm người đứng thành vòng trong, vòng ngoài xung quanh mộ chị Sáu. Trong dòng người đến thắp hương cho người nữ anh hùng liệt sĩ, dễ nhận thấy là có rất nhiều thành phần, ngoài các đoàn đi theo cơ quan, đoàn thể như chúng tôi còn có các đoàn của cựu chiến binh, cũng có những gia đình, cá nhân đi riêng lẻ. Khi đến đây, chúng tôi mới được chứng kiến sự sùng bái, tin tưởng, hy vọng của rất nhiều người trước mộ phần của người nữ anh hùng. Trên mộ phủ đầy hương hoa, bánh trái, áo giấy, đến nỗi không còn chỗ, người ta đặt cả ở lối đi, trên thành tường bao và cả phía sau của ngôi mộ.

    Đoàn cán bộ phụ nữ CATP Đà Nẵng dâng hương tại Nghĩa trang  Hàng Dương, mộ các anh hùng liệt sĩ và mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu. 

Chờ cho những đoàn người đi trước về bớt, chúng tôi mới đến được gần hơn với mộ của chị Sáu để dâng hương và tỏa đi thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh. Mộ chị trông giản dị, đơn sơ nhưng dường như đang ẩn chứa bên trong một sức mạnh phi thường, một khí phách hiên ngang như chính cuộc đời đầy ý nghĩa của chị, khiến cho bao người từ muôn nẻo khát khao tìm về.

Chúng tôi xong công việc thì đồng hồ đã chỉ hơn 1 giờ, dòng người trong nghĩa trang cũng vãn dần. Một đoàn làm phim cũng đang thu dọn dụng cụ sau khi vừa quay xong một cảnh phim ca nhạc được dàn dựng ngay tại nghĩa trang. Khi tôi thắc mắc tại sao không quay vào ban ngày sẽ thuận lợi hơn về nhiều mặt thì được một  người trong đoàn giải thích: Đây là các cảnh  phim minh họa trong bài hát "Miền xa thẳm" của nhạc sĩ Đức Trịnh, nói về tình yêu, sự chờ đợi thủy chung, những mất mát, hy sinh trong chiến tranh nên phải quay với không gian thực tế tại nghĩa trang vào ban đêm mới chuyển tải tốt ý nghĩa, nội dung của bài hát mà tác giả muốn gửi gắm. Thú thật, đây là lần đầu tiên, tôi  mới hiểu công việc làm phim thật vất vả, gian truân.

Khi các đoàn xe chở khách lần lượt ra về thì cũng là lúc các nhân viên ở Ban quản lý  nghĩa trang bắt tay vào công việc dọn dẹp. Anh Đặng Tấn Quốc (33 tuổi), nhân viên của Ban đội mưa ra xếp gọn những chiếc xe đẩy hàng do các đoàn khách dùng xong mang trả lại, những đồng nghiệp khác của anh thì dọn dẹp, trả lại không gian yên tĩnh, sạch sẽ cho nghĩa trang vào sáng hôm sau. Những loại bánh trái, hoa quả, gương lược đã cúng xong được chuyển ra ngoài và để tự do ở phòng khách của Ban quản lý nghĩa trang để du khách có nhu cầu sử dụng. Anh Quốc có gia đình ở trong đất liền, một mình ra Côn Đảo làm và ở lại luôn tại đây, có khi cả năm mới về nhà một lần, khi trời yên thì đi tàu, mùa biển động phải đi máy bay. Ở Ban quản lý nghĩa trang có khoảng 40 người. Ban ngày làm các công việc dọn dẹp, tu sửa, chăm sóc hoa, cây cảnh trong nghĩa trang, tối trực phục vụ việc thắp hương tại nghĩa trang, ca làm việc buổi tối của các nhân viên bắt đầu từ khoảng 16 giờ chiều đến  2,3 giờ sáng hôm sau. Vào các ngày thứ 7, chủ nhật hay dịp lễ, lượng khách đông gấp mấy lần ngày thường thì các nhân viên làm việc đến tận gần sáng cho đến khi hết khách.

K.T

(còn nữa)

CCB Trần Ngọc vẽ tranh về Bác Hồ.