Dạy - học ở Mường Phăng (2)
Bài cuối: Tự hào được mang tên Đại tướng
(Cadn.com.vn) - Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm đến đời sống của đồng bào các vùng căn cứ địa cách mạng, nhất là sự học, trong đó có Mường Phăng. Sau khi Đại tướng về cõi vĩnh hằng, ngày 1-2-2014, đồng loạt 3 ngôi trường ở xã Mường Phăng đã vinh dự được đổi thành trường MN, TH, THCS Võ Nguyên Giáp...
Trường TH... |
Thầy Nguyễn Đức Toàn- Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp- xúc động kể: “Trường THCS hiện mang tên Đại tướng nguyên trước đây là trường THCS Mường Phăng được tách ra từ trường phổ thông cơ sở Mường Phăng, xây dựng từ năm 2003. Sở dĩ trường đạt chuẩn quốc gia là nhờ công của Đại tướng. Khi còn sống, Đại tướng quan tâm, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp ngôi trường này. Nhờ vậy mà đến tháng 7-2011, Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Được vinh dự mang tên Đại tướng, thầy và trò nhà trường tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với Đại tướng...”.
Trường THCS Võ Nguyên Giáp rộng 10.000m2, có 19 lớp học với 551 học sinh (HS) của 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang, trong đó có 199 HS được ở bán trú. Đa số HS của trường là dân tộc Thái, một ít là dân tộc Mông, Khơ Mú và Kinh. Tuy nằm cách xa trung tâm thành phố và trung tâm H. Điện Biên nhưng từ nhiều năm qua, Trường THCS Võ Nguyên Giáp luôn có tỷ lệ HS khá giỏi đạt trên 30%; 100% giáo viên (GV) đạt chuẩn và trên chuẩn; nhiều GV đạt danh hiệu GV giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.
... và THCS mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Sau khi được vinh dự đổi tên trường, cùng với Trường TH Võ Nguyên Giáp, nhà trường được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV Việt Nam) đầu tư xây dựng thêm một nhà 2 tầng gồm 6 phòng học chức năng và một nhà công vụ với 7 phòng cùng trang thiết bị kèm theo. Tổng mức kinh phí đầu tư cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của 2 trường TH, THCS mang tên Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp là 10 tỷ đồng.
Cô Nguyễn Thị Thanh-Phó Hiệu trưởng Trường TH Võ Nguyên Giáp cho biết: “Trước đây, Trường mang tên Trường TH số I Mường Phăng. Khi biết tin trường được đổi tên thành Trường TH Võ Nguyên Giáp, thầy cô và học sinh rất xúc động, tự hào, quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa để đưa phong trào dạy và học của trường đi lên, xứng đáng với niềm vinh dự được mang tên Đại tướng”.
Giờ học của học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp. |
Do xuống cấp nên hiện một dãy phòng học đã được phá dỡ để được nâng cấp, tôn tạo với sự đầu tư của BIDV Việt Nam gồm 1 nhà 2 tầng gồm 6 phòng học, một nhà công vụ gồm 3 phòng. Trường có 7 phòng học, đáp ứng việc dạy cho 230 HS xã Mường Phăng...
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tập thể sư phạm Trường TH Võ Nguyên Giáp luôn không ngừng nỗ lực, tự tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ khai sáng ở Mường Phăng.
Đáng trân trọng và ghi nhận hơn cả, dù không được đào tạo chuyên môn về dạy HS khuyết tật, nhưng nhà trường hiện đảm nhận việc dạy học cho 10 trẻ em khuyết tật như câm, điếc, thiểu năng trí tuệ...
Sau giờ học, HS ở Mường Phăng thồ củi về nhà giúp bố mẹ. Ảnh: P.T |
Khi được hỏi cảm xúc của mình về việc ngôi trường được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ka Văn Toàn- HS lớp 3A1 hớn hở: “Cháu không biết mặt Già bản Võ Nguyên Giáp, nhưng qua lời kể của thầy cô, của các cô chú hướng dẫn viên và già làng trong bản, cháu được biết Già bản Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài... Hàng tuần, cháu vẫn thường vào rừng Già bản Võ Nguyên Giáp, theo chân các cô hướng dẫn viên du lịch để nghe các cô í kể về chiến thắng Điện Biên Phủ, hiểu được lịch sử oai hùng của đất nước mình. Cháu rất tự hào vì trường cháu được mang tên Già bản Võ Nguyên Giáp!”...
Chia tay các thầy cô Trường TH Võ Nguyên Giáp và THCS Võ Nguyên Giáp trong nắng chiều tháng tư oi bức, suốt dọc đường về, văng vẳng bên tai tôi là lời thơ của thầy giáo già Nguyễn Thế Trạch: “...Hôm nay Bác đã đi xa/ Công lao của Bác người đời không quên/ Ngôi trường mới đã mọc lên/ Thật là vinh dự mang tên tuổi Người/ Cháu con ghi nhớ truyền đời/ Siêng năng học tập để Người thêm vui/ Sáu mươi năm đã đến rồi/ Điện Biên đại lễ rợp trời hoa ban”...
Ghi chép: P.Thủy