Đến năm 2049, Việt Nam thừa 12% nam giới trong độ tuổi lập gia đình

Thứ năm, 24/08/2017 08:39

Ngày 23-8, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo “Báo chí với định hướng công tác truyền thông dân số và phát triển trong tình hình mới”. Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Bùi Xuân – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cùng hơn 50 phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng chân trên địa bàn TP Đà Nẵng, Quảng Nam, TT. Huế... tham dự hội thảo.

TS Lê Cảnh Nhạc phát biểu tại hội thảo. 

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng

Theo Bs Mai Xuân Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ), Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ hội dân số “vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Theo tính toán, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 30 năm nữa, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này. Song thách thức đặt ra là chúng ta cũng đồng thời bước vào giai đoạn già hóa dân số đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số cho tăng trưởng kinh tế. “Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam (từ 15 - 64) đạt hơn 68,4 dân số. Cơ cấu dân số “vàng” mang lại nhiều “dự lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao”, Bs Phương nói.

Cũng theo Bs Mai Xuân Phương, chất lượng dân số của nước ta đã được nâng lên, song chưa vững chắc, chỉ số HDI (phát triển con người) vẫn ở bậc trung bình. Năm 2014, chỉ số này là 0,666, đứng thứ 116/188 quốc gia. Việt Nam cũng đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và đã đến mức nghiêm trọng. Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai tương ứng với 100 bé gái) khá cao. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì tỷ số này là 110,6 bé trai/100 bé gái, năm 2014 đã tăng lên 112,2 bé trai/100 bé gái. Riêng vùng đồng bằng Sông Hồng lên tới 118 bé trai/100 bé gái. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên được xác định do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính như áp dụng ngay từ lúc có thai... Nếu không kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính, dự báo đến năm 2049, Việt Nam sẽ dư thừa 12% nam giới trong độ tuổi lập gia đình. Điều này có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn…

Tư vấn trước sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Đặc biệt, biến đổi mạnh cơ cấu dân số theo tuổi khi dân số “vàng” đang giảm và dân số già Việt Nam đang tăng. Cụ thể, theo số liệu năm 2015, tỷ lệ dân số từ 0-14 tuổi giảm 0,5% so với năm 2009 khi ở mức 24%; độ tuổi từ 15-64 giảm 1%, còn 68,4% so với năm 2009; và dân số ở độ tuổi 65 trở lên tăng 0,5% ở mức 7,6% so với năm 2009. Bên cạnh đó là sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh, các vùng miền trong cả nước. Đối với một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, mức sinh còn cao, cần giảm và sớm đạt mức sinh thay thế, để từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng dân số. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh đã xuống khá thấp. Đặc biệt TPHCM, trung bình mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1,35 con và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ có mức sinh chỉ là 1,7 con, nếu giảm nữa sẽ khó đạt được mức sinh thay thế. Đây là điều rất đáng báo động. Nhiều người ở TPHCM chỉ sinh một con, trong khi tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh đang có xu hướng tăng.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, di cư diễn ra ngày càng sôi động, dân số đang tích tụ nhanh vào một số thành phố và khu vực, vừa tạo động lực phát triển, đồng thời cũng gây ra nhiều thách thức. Vấn đề điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và chính sách đối với người di cư cũng trở nên cấp bách. Những vấn đề dân số nói trên đang và sẽ mang lại không những cơ hội và cả thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số

 Theo TS Lê Cảnh Nhạc, rõ ràng khi mục tiêu giảm sinh đã đạt được một cách vững chắc, nếu cứ duy trì trọng tâm chính sách dân số KHHGĐ là không thích hợp. Ngược lại, những vấn đề dân số mới phát sinh, như: “Cơ cấu dân số vàng”, “già hóa dân số”, “dân số già”, “mất cân bằng giới tính khi sinh”, “chất lượng dân số chưa cao”. Chính vì vậy, việc lồng ghép các yếu tố dân số và kế hoạch hóa phát triển đang đòi hỏi được giải quyết. Điều này cũng có nghĩa là cần ban hành chính sách mới, thích hợp với tình hình mới về dân số, như Kết luận 119-KL/TW. Một là, chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; hai là, chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới… Khi chính sách chuyển trọng tâm thì truyền thông cũng phải chuyển trọng tâm về nội dung tuyên truyền và thông điệp tuyên truyền.

TS Lê Cảnh Nhạc cho rằng, để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số - Phát triển”, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS – KHHGĐ hơn nửa thế kỷ qua đã “ăn sâu” trong xã hội, trong mỗi gia đình. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước, như Kết luận số 119/KL-TW đã yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển”. Với 6 nội dung (duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) mà chính sách dân số mới hướng tới, các thông điệp sẽ vô cùng phong phú. Đa dạng hóa kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay.

LÊ HÙNG