HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017):

Đi tìm mẹ ngày giải phóng

Thứ hai, 17/07/2017 10:55

(Cadn.com.vn) - Người lính dành thời gian hiếm hoi đi tìm mẹ ở một ngôi chùa ngay sau ngày giải phóng, là một lát cắt tàn khốc của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đó là câu chuyện của Đại tá Nguyễn Đình Tân, nguyên Trưởng phòng Xăng dầu Quân khu 5, hiện ở tại 374-Phạm Văn Đồng (Pleiku, Gia Lai) xúc động kể cho chúng tôi nghe về mẹ của ông, bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Sâm...

Anh Nguyễn Đình Long thắp hương cho bà nội mình.

Tham gia đánh Pháp ở Đắk Pơ, rồi tập kết ra Bắc, người con trai Nguyễn Đình Tân không nghĩ rằng mình sẽ xa mẹ đến 30 năm. Mẹ ông, gốc là con quan lại thời phong kiến, dáng dấp thanh mảnh, trắng trẻo. Cha ông mất sớm, bà lam lũ nuôi ba đứa con và nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ, vất vả nhiều, nhưng vẫn giữ nguyên nét quý phái. Ngày đi tập kết, em Hường và em Sáu còn nhỏ, ông mang theo nỗi lo ly tán, nhưng mẹ động viên ông vững bước. Trong đội hình Quân đoàn 2 trở về giải phóng miền Nam, Nguyễn Đình Tân tiếp quản và bàn giao các kho xăng dầu ở Đà Nẵng xong, tức tốc cùng đơn vị vào giải phóng Sài Gòn. Dừng chân ở Tuy Phước, Bình Định hỏi thăm gia đình, ông được biết hai người em đã hy sinh, còn mẹ và 3 đứa cháu, con người em liệt sĩ vào ở chùa Long Tường, thôn Lương Tài xã Phước Quang. Nỗi đau tràn ngập lòng ông. Báo cáo với Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An, đơn vị đồng ý cho ông ở lại thăm mẹ một đêm và sẽ đuổi theo sau đội hình. Tư lệnh còn cho ông 50 cân gạo về biếu mẹ. Trên  chiếc xe Jep chiến lợi phẩm, ông cùng hai trợ lý của Cục Hậu cần Quân đoàn là Lê Lan, Lê Mỉa đi tìm mẹ. Đường phố lúc này đã giải phóng, nhưng tàn quân ngụy vẫn còn rải rác, cởi áo, trà trộn vào với người dân. Ủy ban quân quản xã cho người dẫn ông đi. Xe không thể vào chùa, họ để xe lại ngoài đường du kích giữ hộ và lội bộ chừng 2 km trong màn đêm mưa lất phất, bùn sền sệt dưới chân. Lúc này đã hơn 10 giờ đêm.

 Gọi mãi không ai nghe, ông Tân cùng những người lính vượt rào vào chùa. Sư trụ trì tiếp họ và gọi bà mẹ cùng đàn cháu ra. Sau phút giây sững lại, hai mẹ con ôm chầm trong tiếng nấc nghẹn ngào. Bà vuốt ve gương mặt người con như còn thơ bé ngày nào. Còn ông Tân không khỏi thương xót khi nhìn mẹ. Người bà gầy quắc, nhăn nheo, tấm lưng còng tưởng như sát đất. Ba đứa nhỏ, con người em trai, đứa lớn chừng 17, đứa nhỏ chừng 13 tuổi rụt rè bên nội lí nhí: "Chào chú bộ đội". Bà nội lúc này mới bật cười, sửa lại: "Đây là bác của con!". Hỏi thăm mới biết sự tình. Sau khi ông Tân đi tập kết, người em trai thoát ly tham gia cách mạng, em gái làm phụ nữ xã, sau cũng thoát ly lên Núi Bà. Biết đây là nhà cộng sản nòi, địch nhiều lần bắt bà lên xã đánh thừa chết, thiếu sống. Chúng dốc ngược bà, chân cột trên trần nhà, đầu chúi đất, cứ thế quất túi bụi cho đến khi bà ngất xỉu mới thôi. Mấy lần như thế, tấm lưng bà cong lại như con tôm. Tra tấn chưa đủ, năm 1965, chúng thả bom bay luôn một góc nhà. Với người con dâu, chúng ép buộc bỏ chồng, bắt lấy người khác để "khỏi đẻ ra những đứa con cộng sản". Trong đêm bơ vơ, bà dắt díu 3 đứa cháu, đứa nhỏ nhất lúc này mới 3 tuổi vào chùa Long Tường, cách nhà chừng 3 cây số để tá túc. Sư trụ trì thương tình cho bốn bà cháu ở lại làm công quả kiếm sống. Ngày ngày bà cháu đi mót lúa, lau chùi bàn thờ Phật và chăm sóc vườn chùa. Sau này, những năm gần giải phóng, không còn sợ bị phát hiện, bà cháu hàng ngày trở về quê cũ làm ăn. Buổi sáng, khi nấu cơm để mang đi ăn trưa bà thường lèn một ít thuốc tây vào nồi cơm, qua mắt bọn địch lục soát để tiếp tế cho cách mạng. Vượt qua nguy hiểm, người con trai Nguyễn Hường đã một lần vào chùa thăm mẹ và các con, đem lại cho mẹ những phút giây hạnh phúc hiếm hoi. Nhưng rồi hai năm 1967, 1968, tin dữ liên tục ập đến. Cô con gái Nguyễn Thị Sáu hy sinh trên đường làm giao liên ở huyện Phù Cát. Người con trai Nguyễn Hường cũng ngã xuống. Các cháu còn quá nhỏ, người bà chỉ còn biết ôm chúng vào lòng mà không dám khóc...

Mãi hàn huyên câu chuyện thấm đẫm trong nước mắt, ông Nguyễn Đình Tân mới sực nhớ đã 4 giờ sáng, vội vã tạm biệt mẹ và tiếp tục cùng đồng đội lên đường chiến đấu. Sau 30-4, giải phóng xong Sài Gòn, ông trở lại Bình Định thăm mẹ. Lúc này cả gia đình đã dọn về quê cũ, che tạm mấy tấm tranh. Mẹ già xắt sắn ngâm nước, lọc cho khỏi độc làm bữa ăn, nhường cơm cho đàn cháu đang tuổi lớn. Ông gửi biếu mẹ 5.000 đồng tiền Sài Gòn cũ, 1 tạ gạo Tư lệnh Quân đoàn tặng và tiếp tục đi theo đơn vị. Hai năm sau, ông đưa vợ và 2 cô con gái từ Bắc vào ở với mẹ, cùng sửa lại ngôi nhà, vẫn tường trét đất nhưng trên mái đã lợp được tôn. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, bốn bà cháu canh tác sinh sống qua ngày. Cuộc sống vẫn cơ cực, còn ông mải theo các chiến trường phía Nam, phía Bắc, nước bạn, chẳng được bên mẹ bao nhiêu. Năm 1981, khi đang ở biên giới phía Bắc, tập trung bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V thì biết tin mẹ ốm nặng. Nhưng rồi vì nhiệm vụ, ông không về được trong ngày mẹ mất cho đến 4 tháng sau. Nghe kể trước lúc mất, bà gọi hoài tên người con trai cả, còn gia đình, địa phương cố ý giữ tang lại vài ngày, hy vọng người trưởng nam về kịp, ông như đứt từng khúc ruột.

Anh Nguyễn Đình Long, con trai liệt sĩ Nguyễn Hường, cũng là cháu nội trai duy nhất, hiện ở Quy Nhơn, Bình Định rơi lệ khi kể lại kỷ niệm với bà nội mình: "Nội tôi thời trẻ đẹp lắm. Tấm ảnh bà chụp trong căn cước là y như bà ngày trước. Nội thương tôi nhất vì là út ít. Tối nóng không ngủ được, bà bảo tôi nằm sấp, gãi lưng nhè nhẹ rồi quạt cho đến khi tôi ngủ mới thôi. Đau thương, đói khổ vậy mà bà vẫn can trường, không bao giờ than vãn. Ngôi chùa Long Tường cũng là nơi các chú cán bộ, bộ đội về nắm tin. Già rồi mà nội vẫn ngày ngày ra đồng nuôi tôi ăn học. Hai chị cũng vất vả, dồn sức chăm chút cho tôi được như hôm nay". Trên khu đất cũ, anh Long đã làm căn nhà mới khang trang để thờ phụng bà, cha mẹ và cô của mình. Anh muốn làm tất cả để bù đắp cho bà nội thân yêu suốt 12 năm ở chùa, nuôi ba chị em anh khôn lớn và chờ đợi những đứa con trở về.

HỒNG VÂN