Đi tìm vẻ đẹp mái gươl
(Cadn.com.vn) - Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ-người đã từng dày công, lặn lội khắp các nẻo đường trên dải Trường Sơn để có những công trình nghiên cứu về văn hóa, kiến trúc đồng bào các dân tộc kể: ông không nhớ hết đã kéo thước đo bao nhiêu gươl từ Hiên đến Giằng (tên cũ của Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang-P.V). Từ những năm 1985 đến nay, năm nào ông cũng trở lại thăm vài vùng núi của miền Tây Bắc Quảng Nam, quan sát những ngôi nhà truyền thống mái lợp tranh lá đang bị mất dần khi người miền núi đang chịu ảnh hưởng của kiến trúc miền xuôi. Việc đo lại những gươl đã xây dựng và những gươl mới là một thói quen nghề nghiệp như công việc bảo tồn chẳng hạn mà không cho phép ta bỏ qua. Tuy nhiên phải nói chính sự hấp dẫn của cái mái cong ở đầu hồi, xinh xắn như cái mai rùa không giống bất cứ kiến trúc nào của các tộc láng giềng ở Trường Sơn và Tây Nguyên mà mái gươl của người Cơ Tu đã có lý tạo nên là sự bí ẩn mà ông đã và đang cần tìm hiểu.
Những năm 1993-1996 của thế kỷ trước, kiến trúc sư người Nhật, ông Shiigeda Yukata đã bị hấp dẫn từ những ngôi nhà có mái hình mai rùa này nên đã lặn lội đến làng Zara, xã Tabhing, H. Giằng nghiên cứu. Ông nhận thấy gươl có nét trông như mái nhà của người Ainu -tộc người cổ bản địa phía bắc Nhật Bản. Lại có nét giống con vật thiêng-con trâu-kiểu trang trí các mô típ đầu trâu nhà truyền thống TongKonan của người Toraja ở Sulawesi, Indonesia. Tài liệu, sách báo, thông tin trên mạng cho ta biết được nhiều kiểu nhà, những kiến trúc dẫu ở nơi rất xa nhau trên trái đất nhưng lại rất giống nhau. Có ý kiến cho rằng địa bàn cư trú ngày trước của người Cơ Tu đến tận gần vùng cửa biển ở Nam Ô, Đà Nẵng, nơi từng có những mái gươl hiên ngang đón gió biển. Vì vậy, nếu ta thử dựng một ngôi nhà cộng đồng có mái đứng hứng đầy gió như nhà Rông ở Tây Nguyên thì không phù hợp ở vùng biển này...
Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang dưới mái nhà gươl. Ảnh: H.T |
Tháng 5 vừa qua, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ có chuyến điền dã trở lại từ Nam Giang đến Tây Giang. Lần này với những người bạn trẻ, kiến trúc sư đang làm đề tài nghiên cứu thạc sĩ về kiến trúc. Dẫu chiều nào Trường Sơn vào mùa này cũng có những cơn mưa dông lớn, đoàn điền dã vẫn thong thả ngồi trong mái gươl đo vẽ, buổi trưa nóng thì ngả lưng trên sàn tre êm ái đón gió. Khi đứng bên ngoài ngắm gươl, ta chỉ cảm nhận được mái gươl này đẹp hơn mái gươl kia, nhưng không thể lý giải được vì sao? Theo anh Arất Sự- phụ trách văn hóa xã Chaval, H. Nam Giang, với những quy ước rộng dài như nhà rộng 5m thì chiều dài 7m xem như tỷ lệ 5/7, hay chiều rộng nhà bằng chiều dài của kèo đỡ mái là những thông tin khá lý thú mà bước đầu đoàn điền dã quan tâm.
Tuy nhiên, chưa vội vàng để kết luận về kỹ thuật và tính quy ước của người Cơ Tu xưa khi dựng nhà. Theo tập quán, làng nhiều người thì dựng gươl to, ít người thì dựng gươl vừa, và như vậy không thể tùy tiện to- nhỏ, rộng -dài mà chắc rằng người thợ mộc Cơ Tu đã có những kinh nghiệm của các kích thước dù chỉ đo bằng sải tay, cánh tay, khuỷu tay... Người Cơ Tu không tu bổ, phục hồi gươl như người Kinh, nếu hỏng thì làm lại mới và có thể dựng nơi khác. Đoàn điền dã đã may mắn còn giữ số đo, những bản vẽ nhưng nhiều gươl đã bị hỏng và biến mất. Nhiều gươl mới dựng lại nhưng không phải gươl nào cũng đẹp bởi sự tùy tiện trong kích thước, trong các đề tài trang trí cũng sẽ giảm đi giá trị của ngôi nhà cộng đồng mà vị quan ba người Pháp Le Pichon trong những năm 30 của thế kỷ trước đã từng ca ngợi khi được nghỉ ngơi trong gươl. Trong những năm gần đây, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Tây Giang là địa phương đã khôi phục, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, hiện tại 67 thôn bản của Tây Giang đã khôi phục và xây dựng mới 62 nhà gươl thôn và 2 nhà gươl cấp huyện.
Sắp tới đường Hồ Chí Minh trên dải Trường Sơn sẽ được xếp hạng là di tích văn hóa, lịch sử quốc gia, những mái nhà gươl sẽ là một điểm đến để du khách tham quan. Vẫn còn biết bao những kỳ bí, những điều lý thú chưa giải mã được về kiến trúc độc đáo của tộc người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn này...
Hồng Thanh