"Đích đến" của mọi chỉ số là mức độ hài lòng của công dân
(Cadn.com.vn) - Nâng cao mức độ hài lòng của người dân và tổ chức thông qua cuộc vận động 3 hơn "nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn" là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Đà Nẵng. Là địa phương nhiều năm liền được đánh giá có chất lượng dịch vụ hành chính công (DVHCC) đứng đầu cả nước, ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng chia sẻ với Báo Công an TP Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Chế Viết Sơn |
P.V: Ông có thể khái quát về những điểm nhấn CCTTHC mà TP Đà Nẵng đã đạt được trong những năm qua?
Ông Chế Viết Sơn: Trong 10 năm qua, TP Đà Nẵng có 5 năm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; 6 năm liền dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin; 3 năm dẫn đầu về Chỉ số CCHC; 2 năm xếp thứ nhì về Chỉ số quản trị hành chính công; đứng đầu về Chỉ số công lý và tiêu chí thủ tục hành chính... Tuy vậy, "đích đến" vẫn là mức độ hài lòng của người dân và tổ chức trên địa bàn thành phố. Có thể điểm qua một số điểm sáng mà Đà Nẵng đã thực hiện trong thời gian qua, đó là: Xây dựng mô hình một cửa hiện đại với hệ thống phần mềm một cửa điện tử tập trung tại tất cả UBND quận, huyện, đến nay có 25/56 phường, xã và 21/21 sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính thành phố.
Tiếp đến là việc thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết TTHC về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành. Đà Nẵng cũng đã triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết hồ sơ TTHC theo địa chỉ yêu cầu cho công dân, tổ chức. Đặc biệt, trong phát động Cuộc vận động 3 hơn: "nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn" trong CCHC đã góp phần phát huy được sức sáng tạo của thanh niên trong công tác CCHC, đem lại nhiều kết quả đáng kể trong rút ngắn thời gian, giảm thủ tục, tinh giản quy trình giải quyết.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tổ chức, triển khai các nội dung như khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với chất lượng cung ứng DVHCC và đối với công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thông qua website cchc.danang.gov.vn để nâng cao hiệu quả, tính khách quan trong việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của các cơ quan Nhà nước; áp dụng mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức tham mưu, thi hành công vụ, trưởng, phó phòng chuyên môn và cấp phó người đứng đầu các cơ quan hành chính; chuẩn mực "5 xây" (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và "3 chống" (quan liêu, tiêu cực, hình thức) nhằm tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới; quy định thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; 2 năm một lần, vinh danh công chức, viên chức tiêu biểu xuất sắc đã tạo ra động lực lớn cho đội ngũ này tiếp tục cống hiến, đóng góp, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với công việc, với nhân dân…
P.V: Ông có thể cho biết những dịch vụ công ở Đà Nẵng mà người dân ít hài lòng?
Ông Chế Viết Sơn: Mặc dù chất lượng các DVHCC tại TP Đà Nẵng không ngừng được cải thiện qua các năm nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng chất lượng các dịch vụ trên một số lĩnh vực vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn như: đăng ký đất đai, bảo hiểm xã hội, xây dựng, khám chữa bệnh…
Giải quyết thủ tục hành chính một cửa tại Trung tâm Hành chính thành phố. |
P.V: Tác động của CCTTHC đến sự phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng?
Ông Chế Viết Sơn: CCTTHC và cải thiện văn hóa ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách cơ chế tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai một cách đồng bộ tại các cấp đã góp phần xây dựng một bộ máy chính quyền thành phố chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành trên mọi mặt, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của thành phố.
P.V: Để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, giữ vững chỉ số CCHC thì giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian đến là gì?
Ông Chế Viết Sơn: Để cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như giữ vững chỉ số CCHC trong những năm tới, TP Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Triển khai mô hình phường điện tử đến 31 phường, xã còn lại. Thí điểm việc thực hiện luân chuyển hồ sơ liên thông qua phần mềm một cửa điện tử tập trung thành phố giữa ba cấp: phường/ xã, quận/huyện; Mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, đồng thời tích hợp tất cả dịch vụ công về một địa chỉ thống nhất http://dichvucongtructuyen.danang.gov.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi truy cập và sử dụng; Triển khai Đề án sử dụng hồ sơ điện tử của công dân, cán bộ, công chức viên chức trong việc thực hiện các giao dịch hành chính tại các đơn vị cung cấp thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố; Mở rộng phạm vi thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, liên kết, đặc biệt là hoàn thiện Đề án "Thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành" nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, hướng đến việc tập trung tất cả đầu mối tiếp nhận thủ tục hành chính về "một đầu mối", "liên thông - liên kết" và "trọn gói"; Cải thiện rõ nét văn hóa phục vụ, giao tiếp của công chức trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính thông qua công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử của đội ngũ này; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân công chức giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức thông qua việc xây dựng cơ chế kiểm soát, chế tài chặt chẽ đối với các sai phạm; CCTTHC trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở rà soát, chuẩn hóa thời gian, quy trình thực hiện, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận để giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện từ đó, tạo môi trường cạnh tranh giữa các cơ quan hành chính với nhau…
Đặc biệt, để khắc phục những tồn tại trên một số lĩnh vực như đã nêu ở trên, các ngành các cấp đã đang triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21-7-2015 của Chủ tịch UBND TP về xử lý vi phạm trong quá trình giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân…
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Xuân Đương
(thực hiện)