Điện Biên Phủ - vang mãi khúc tráng ca! (5)

Thứ tư, 07/05/2014 09:59

* Bài cuối: Cả nước hướng về Điện Biên

(Cadn.com.vn) - Trong dòng người đang nô nức đổ về Điện Biên hôm nay, có những người không nằm trong tổ chức, đoàn thể nào cả. Có những phụ nữ buôn thúng bán bưng, may vá... từ miền Nam xa xôi rủ nhau thành lập đoàn để lên Điện Biên một lần cho thỏa ước mơ. Những người dân Việt Nam từ khắp mọi miền dù chưa một lần gặp nhau khi đến đây bỗng tay bắt mặt mừng, như thể quen nhau lâu lắm rồi! Có lên Điện Biên mới hiểu sâu hơn về tình đoàn kết dân tộc, mới hiểu vì sao có người nói, sau sự ra đi của Đại tướng, người dân cả nước dường như xích lại gần nhau hơn. Hiểu theo nghĩa nào đó, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở ra một chân trời mới-chân trời của niềm tin, mở đầu cho những giá trị mới của cuộc sống.

Tại hầm De Castries, tôi bắt gặp một hình ảnh thật xúc động: một phụ nữ trạc 50 tuổi đang đi chung với nhóm bạn chợt tách hàng, chạy đến bắt tay một cụ già chống gậy đang bước vào khu vực tham quan, kính cẩn hỏi thăm: “Bác đi có mệt không? Có lên thăm Điện Biên Phủ, thế hệ chúng con mới hiểu hơn vì sao ta chiến thắng giặc Pháp. Chúng con thật sự nể phục các cụ, các bác!”. Chị cười mà nước mắt rưng rưng. Hỏi ra mới hay, chị cùng nhóm bạn từ TPHCM lần đầu tiên rủ nhau lên Điện Biên. Họ  đều là dân lao động, người thì thợ may, người buôn bán... Tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đọc được những dòng chữ xúc động của các du khách ghi lại cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đặt chân lên Điện Biên.

Ông Lê Văn Hùng, thay mặt đoàn cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình: “Lần đầu tiên đến thăm những di tích chiến thắng Điện Biên, rất cảm động và tự hào về những chiến tích của thế hệ cha anh đã làm được và cũng hiểu tại sao chúng ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ...”. Cũng trong niềm tự hào ấy, người cựu chiến binh Trường Sơn Phạm Hồng Văn lần đầu tiên đặt chân lên Điện Biên Phủ xúc động thổ lộ: “Tôi chỉ mới biết Điện Biên qua sách vở, đài báo. Nay tận mắt được thấy, tôi càng tự hào, sự vinh quang của Điên Biên- nơi khơi nguồn của chiến thắng lịch sử đưa dân tộc ta tới độc lập và tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước. Từ đây tôi càng phải trân trọng, giữ gìn và rèn luyện mình tốt hơn...”...

Các đoàn du khách tham quan hầm De Castries. Ảnh: P.T

Tại hầm tướng De Castries, một cựu chiến sĩ Điện Biên tay chống gậy, vừa đi vừa sang sảng đọc thơ. Đó là bác Vũ Huy Chương (88 tuổi), quê Đoan Hùng (Phú Thọ), Đại đội trưởng Pháo cao xạ 367 trong chiến dịch ĐBP, trở lại thăm chiến trường xưa sau 60 năm xa cách. Tôi đề nghị ông đọc lại bài thơ mà theo như ông nói là của một người bạn: “Việt Nam đánh giặc nước chưa giàu/ Bọn thực dân Pháp nghĩ chưa sâu/ Mang đại hùng binh hòng xâm chiếm/ Tập đoàn cứ điểm bắc Lai Châu/ Đại bại tả tơi thầy bỏ tớ/Vạn sáu lính Âu xin tha mạng/ Việt Nam nức tiếng nổi năm châu”. Đọc xong, ông cười khà khà nói với tôi: “60 năm rồi, bác mới trở lại Điện Biên, cảnh vật đổi thay nhiều quá! Mà phải đổi thay chứ! Đánh giặc ngoại xâm là để cho dân giàu, nước mạnh mà!”...

Nhớ đêm  thắp nến tại NTLS Độc Lập do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và chương trình văn nghệ “Hát cùng Điện Biên- Vang mãi bản hùng ca”, bác Nguyễn Thanh Ký, cựu chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia đánh đồi A1, được mời lên giao lưu tại lễ đài đã bộc bạch: “Lần đầu tiên sau 60 năm mới được trở lại thăm Điện Biên cùng vợ và các con, cảm động vì nhìn thấy các di tích của ĐBP ngày xưa được chính quyền và nhân dân nơi đây tôn tạo, giữ gìn. Tôi thấy TP Điện Biên khang trang rất nhiều. Nhân dân Điện Biên vẫn còn giữ nét hồn hậu, hiếu khách, cởi mở. Nhớ lại trong những ngày chúng tôi vào chiến dịch ĐBP, nhân dân nơi đây đóng góp từng lon gạo, củ sắn... để giúp cho bộ đội ta đánh giặc. Nhân dân lúc đó rất khổ nhưng vẫn dành dụm lương thực để nuôi bộ đội... Mong rằng các đồng chí tỉnh Điện Biên phát huy truyền thống đáng tự hào của cha ông chúng ta để xây dựng Điện Biên đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các tỉnh bạn trong toàn quốc”...

TP Điện Biên nhìn từ tượng đài Chiến thắng ĐBP.  Ảnh: P.T

Dòng người đổ về Điện Biên mỗi ngày một đông dẫn đến hiện tượng “cháy” phòng khách sạn, phòng nghỉ, nhà trọ. Ngay như nhà khách của CA tỉnh Điện Biên những ngày tôi đến luôn trong tình trạng kín phòng. Thiếu tá Lâm Thị Ngọc Hoa- Trưởng Phòng Công tác chính trị CA tỉnh Điện Biên- kể, có hôm, vì không đăng ký được phòng nghỉ, khách sạn, đơn vị đành phải xin lỗi khách từ dưới xuôi lên bằng cách mời xuống bản Văn hóa ngủ trong nhà sàn của dân...

Trong niềm vui chung của cả nước hướng về Điện Biên, tôi không khỏi băn khoăn khi tìm hiểu về đời sống người dân nơi đây. Ngoài TP Điện Biên khá sầm uất, các huyện còn lại trong tỉnh đều chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Đứng giữa cánh đồng Mường Thanh trong buổi chiều cuối tháng tư thơm lừng hương lúa đang trổ đòng, tôi tự hỏi: Vì sao vùng đất phì nhiêu, màu mỡ trồng được nhiều loại cây như Điện Biên, nhưng đời sống người dân vẫn chưa cao? Tại sao, sau 10 năm chia tách tỉnh Lai Châu, Điện Biên vẫn chưa tạo một sức bật riêng, vẫn phụ thuộc rất lớn nguồn ngân sách Trung ương?

Tại sao vùng đất nức tiếng với giống lúa thơm ngon: gạo tám thơm, đến nỗi, du khách khi rời khỏi Điện Biên, dù mệt vì say xe vẫn cố gắng  mua hàng chục ký gạo, hàng chục cân mận, đóng hàng chục lít mật ong, củ sâm núi, củ hà thủ ô... để mang về xuôi làm quà. Vùng đất có thể trồng được hoa hồng, trồng được cao su..., mà sao đời sống của người dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó? Niềm day dứt khôn nguôi về vùng đất thấm đẫm chất trữ tình của thi ca, sử thi dân tộc cứ theo tôi mãi trong suốt hành trình trở về...

Bút ký: Phan Thủy