Điều kiện tiên quyết

Thứ hai, 25/01/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Trong động thái được đánh giá là không có gì bất ngờ, phong trào Hồi giáo Taliban ở Afghanistan tuyên bố muốn được đưa ra khỏi danh sách đen của LHQ trước khi xem xét tham gia đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt 15 năm chiến tranh ở quốc gia Nam Á này.

Sau nhiều tháng gia tăng bất ổn và xung đột, với việc tỉnh Helmand vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ và các vụ đánh bom tự sát thường xuyên xảy ra tại thủ đô Kabul, chính quyền Afghanistan và các nước láng giềng đang cố gắng để có được cuộc đàm phán với Taliban dù họ ý thức sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Triển vọng về mối quan hệ hòa giải với Taliban, nhóm vốn tăng cường sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ trên chiến trường kể từ khi quân đội quốc tế rút đi hầu hết vào năm 2014, là khá mong manh. Thực tế, nhóm này lâu nay vẫn tỏ ra không mặn mà với bàn đàm phán này.

Tuy nhiên, một thành viên Taliban hôm 23-1 nói rằng, nhóm có thể tham gia bàn đàm phán nếu HĐBA LHQ hủy bỏ một nghị quyết đóng băng tài sản và hạn chế đi lại của các nhân vật cao cấp của tổ chức này. “Chúng tôi muốn họ trước tiên phải đưa chúng tôi ra khỏi danh sách đen của LHQ và cho phép chúng tôi tự do đi lại trên khắp thế giới. Đến lúc đó, chúng tôi mới có thể nghĩ về đàm phán hòa bình”, thành viên Taliban tuyên bố. Đây được cho là điều kiện tiên quyết Taliban đặt ra nhằm tìm kiếm lợi thế trước chính quyền Kabul.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh, cánh chính trị của Taliban gặp gỡ các nhà hoạt động tại một diễn đàn không chính thức tại một khách sạn ở Doha để tiến hành đàm phán trong 2 ngày. Đây là cuộc gặp nhằm mang lại cho Taliban cơ hội bày tỏ quan điểm về tương lai của Afghanistan trước khi đi đến quyết định có tham gia đàm phán hay không nếu điều kiện tiên quyết không được đáp ứng hoặc chỉ được đáp ứng một phần. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan không cử bất kỳ quan chức nào đến Doha.

Pakistan đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Taliban và chính phủ Afghanistan vào tháng 7- 2015. Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ hai bị hủy bỏ khi có tin cho rằng, thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Mullah, người nhất trí tham gia các cuộc đàm phán, đã chết cách đó 2 năm. Quan hệ Afghanistan và Pakistan xấu đi kể từ khi bàn đàm phán này bị chệch đường ray trong khi cuộc chiến giữa chính quyền Kabul và lực lượng Taliban càng thêm gay cấn.

Trong khi đó, Taliban cho đến nay vẫn chưa cho thấy sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp và cũng không đề xuất bất kỳ ý tưởng cụ thể nào về việc làm thế nào để cùng với chính phủ “tiến về phía trước”. Thậm chí, nếu Taliban tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, những người có mặt sẽ chỉ đại diện cho một phần của phong trào Hồi giáo vũ trang chiến đấu lật đổ chính phủ ở Kabul và khôi phục đế chế cầm quyền từ trước năm 2001.

Khó khăn càng chồng chất khi một số bộ phận lãnh đạo Taliban cũng có thể cản trở sự tiến bộ trong khi một số phe phái quân sự, chẳng hạn như một nhóm tách do Mullah Mohammad Rasool Akhund lãnh đạo, từ chối tham gia.

Thanh Văn