Đồ chơi trẻ em dịp Trung Thu: Đồ thật chật vật bởi đồ giả

Thứ bảy, 30/08/2014 09:11

(Cadn.com.vn) - Đồ chơi trẻ em (ĐCTE) là sản phẩm liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ em, sử dụng đồ chơi phù hợp sẽ có tâm hồn lạc quan, kỹ năng khéo léo, hiểu biết hơn về thế giới xung quanh, đồng thời giúp trẻ khả năng sáng tạo. Nếu là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thiếu tính giáo dục sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, trên thị trường ĐCTE hiện nay, đặc biệt là dịp Trung thu, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan, mặt hàng ngoại nhập đang phải đối mặt với hàng giả.

Nhái hàng đã đăng ký nhãn hiệu toàn cầu

Mới đây, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực đồ chơi thông minh đã phải đề nghị Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam can thiệp vì tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu LEGO đáng báo động tại thị trường Việt Nam. LEGO đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên thế giới và tại Việt Nam và cung cấp sản phẩm miếng lắp ráp ĐCTE, công cụ dạy học cho trẻ em ở hơn 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Jeppe Solmer, Tham tán thương mại Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm LEGO bị làm giả, làm nhái trên thị trường. Vấn đề này, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường đồ chơi Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng của tập đoàn LEGO. Điều đáng quan ngại là việc tiếp xúc và việc sử dụng các đồ chơi không an toàn này có thể gây hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc cho các em nhỏ.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, các đối tượng xâm phạm tránh sử dụng các nhãn hiệu đã được bảo hộ mà chủ yếu là sao chép phương thức thể hiện hình dáng, màu sắc bên ngoài của sản phẩm chính hãng, do các sản phẩm này có thời gian xuất hện trên thị trường tương đối ngắn và thường xuyên thay đổi mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do vậy, việc đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm của LEGO (kiểu dáng, thương hiệu…) có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn xâm phạm bản quyền.

Sản phẩm lắp ghép của LEGO bị làm giả.

Còn nhiều bất cập…

Theo Ths Luật Nguyễn Thị Sinh, GĐ Trung tâm TVPT Thương hiệu và Chất lượng, thị trường ĐCTE đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải. Có hơn 96% cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, buôn bán ĐCTE không được xem là mặt hàng chính mà được bán kèm với hàng tạp hóa, văn phòng phẩm, quà lưu niệm…; có hơn 90% ĐCTE lưu thông trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó, một lượng không nhỏ đồ chơi được nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, nhập lậu không được cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá chất lượng. Nhiều trường hợp nhà nhập khẩu, phân phối in sẵn nhãn hàng hóa và dấu hợp quy rồi giao cho cơ sở bán lẻ tự dán dẫn đến dán nhầm lẫn các loại đồ chơi với nhau. Mặt khác, việc kiểm soát nhãn hàng hóa và dấu hợp quy của ĐCTE như hiện nay là rất khó khăn do quá nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ, nhiều chủng loại, mẫu mã đồ chơi; nếu có phát hiện cũng rất khó xử lý và xử phạt cũng không đạt hiệu quả cao.

Báo cáo tổng kết cuộc thanh tra năm 2013 về chuyên đề ĐCTE, theo Công văn 1083/BKHCN-TTra ngày 23-4-2013, cả nước có 1.708 cơ sở được thanh tra, có 672 cơ sở bị vi phạm và xử phạt, chiếm tỉ lệ 39,3%, chủ yếu là vi phạm về nhãn hàng hóa, công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và vi phạm về chất lượng.

Thị trường đồ chơi trẻ em chưa thật sự an toàn.

Hầu hết các đồ chơi như ô-tô, tàu hỏa, máy bay, búp bê, hươu, nai, ngựa, xe đạp nhựa … thường sử dụng nhựa PVC có khả năng làm cho sản phẩm mềm, dẻo, sáng và màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. Những loại đồ chơi Trung Quốc có thêm màu công nghiệp rất dễ gây nguy hiểm cho trẻ nếu cầm nắm, hay cho vào miệng ngậm. Theo số liệu khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Trung ương, trong hơn 100 mẫu dị vật đường thở thì có đến gần một nửa là sản phẩm của ĐCTE. Mới đây, tại Bình Thuận, 43 em học sinh bị ngộ độc hóa chất do các em làm vỡ đồ chơi chứa chất lỏng bên trong có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng ĐCTE sản xuất trong nước và nhập khẩu còn rất nhiều bất cập. Theo quy chuẩn quốc gia về an toàn ĐCTE, tất cả sản phẩm sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu phải được kiểm định chất lượng, gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông nhưng tình trạng sản phẩm ĐCTE không dán tem hoặc dán "tem lụi" rất phổ biến. Có đơn vị sản xuất, nhập khẩu tự in tem CR, sau đó giao cho các cơ sở kinh doanh dán lên sản phẩm gây nên sự nhập nhằng, rối rắm giữa sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm định chất lượng với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch. Bà Sinh cho hay: điều này chẳng khác gì đánh đố người tiêu dùng, không thể nào phân biệt được.

Mặc dù cơ quan quản lý được quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp hồ sơ nhập khẩu, kiểm định nhưng việc phân định rất nhiêu khê. Nhiều trường hợp DN đã thông quan nhập ĐCTE nhưng vẫn còn "nợ" thủ tục hải quan, không nộp giấy kiểm nghiệm chất lượng hàng cho cơ quan hải quan.

Theo Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải Quan, việc đăng ký giám sát biên giới về Sở hữu trí tuệ tại biên giới là rất cần thiết vì hầu hết hàng hóa xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, hàng giả đều được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Nếu hàng hóa đã được nhập khẩu vào nội địa sẽ rất khó kiểm soát và việc bắt giữ, xử lý sẽ vô cùng khó khăn.

Minh Hằng