Đồ xưa không cũ (4)

Thứ bảy, 23/05/2015 12:27

* Bài cuối: Đừng lãng quên quá khứ

(Cadn.com.vn) - Trong phiên chợ đồ xưa Đà thành lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 4 vừa qua, quầy hàng của anh Nguyễn Văn Lâm (1978) được nhiều người chú ý khi anh đem đến một máy dập thẻ bài của quân đội Mỹ vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước. Khi sưu tầm được món đồ xưa này, anh Lâm đã phục hồi được công năng của nó và sẵn sàng phục vụ việc in dập những thẻ bài theo yêu cầu của khách.

Chuyên gia hiện vật chiến tranh...

Ở TP Đà Nẵng, anh Lâm là người có bộ sưu tập hiện vật chiến tranh khá quy mô với hàng nghìn món đồ khoảng 300 chủng loại khác nhau. Từ những hiện vật nhỏ như: thẻ bài, huy chương, cây viết, bình đông, áo lính, thùng đựng hồ sơ... cho đến vỏ đạn, thiết bị bộ đàm, xác máy bay... và cả đàn piano, máy chạy đĩa than... Những vật dụng quân sự và dân sự trong thời chiến, anh Lâm đều tìm kiếm và tích lũy cho bộ sưu tập của mình. Anh Lâm cho biết, việc sưu tầm hiện vật chiến tranh này đến với anh khá tình cờ. Cách đây vài năm, khi tới vài điểm tham quan ở một số địa phương, anh thấy khách nước ngoài tìm mua những vật dụng trong chiến tranh làm kỉ niệm. Anh nghĩ, nếu không giữ lại, một lúc nào đó những hiện vật này sẽ không còn ở nước mình nữa. Ba mẹ anh cũng từng tham gia cách mạng và cũng từng kể cho anh nghe những câu chuyện thời chiến. Khi anh còn nhỏ, một số vật dụng trong chiến tranh vẫn còn được sử dụng trong gia đình, sau này thì không còn thấy nữa…Từ những lý do đó, anh bắt đầu để tâm tìm kiếm những món đồ xưa trước năm 1975.

  Vợ anh Lâm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chia sẻ: "Ban đầu anh cũng mua từng món nhỏ nhỏ, ít tiền thôi, nên mình cũng không chú tâm nhiều. Dần dần, những người trong gia đình cũng thấy thích, vì có những món đồ lâu lắm không nhìn thấy... Sau đó, anh cũng mua bán, trao đổi với những người chơi khác để bổ sung những món đồ còn thiếu. Bây giờ, nhìn những hiện vật trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh để chật cả nhà, mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện, của một thời kỳ gian khổ, nghiệt ngã, khiến mình càng thấy thấm thía, quý giá hơn cuộc sống yên bình ngày nay". Một món đồ giá trị mà anh Lâm sưu tập được gần đây nhất là máy chạy bằng đĩa than để tuyên truyền tâm lý chiến của chế độ cũ. Anh mua được chiếc máy đĩa này trong một gia đình có người thân tham gia quân đội Việt Nam cộng hòa. Sau giải phóng, gia đình này vẫn sử dụng chiếc máy này để nghe nhạc. Sau đó, chiếc máy hư hỏng nên họ đem cất vào kho. Chiếc máy chạy đĩa than và máy dập thẻ bài của anh Lâm đã được nhiều anh em chơi đồ xưa đánh giá là của hiếm, trả giá khá cao, nhưng anh không bán. Bởi anh nghĩ, bán đi thì dễ, nhưng sưu tầm lại được sẽ rất khó.

Anh Nguyễn Văn Lâm và chiếc máy dập thẻ bài thời chiến.

Hiểu quá khứ để bước tới tương lai...

Anh Lâm chia sẻ, trên cả nước, những người trẻ yêu thích hiện vật chiến tranh không phải ít và họ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin trên cộng đồng mạng. Ở Đà Nẵng, người chơi như anh còn mang tính tự phát, chưa am hiểu và chưa thực sự kết nối cùng nhau. Anh khâm phục nhất là các bạn trẻ ở TPHCM, họ chơi đồ xưa như một cách để lưu giữ kỉ niệm của gia đình và của cá nhân mình. Họ tìm hiểu và rành rẽ về những hiện vật chiến tranh một cách chuyên sâu. Anh Lâm thừa nhận, mình có niềm đam mê nhưng chưa thực sự hiểu hết về các món đồ đang sở hữu. Vì lý do đó, anh không ngần ngại học hỏi và tích lũy vốn hiểu biết để có thể sưu tập một cách bài bản hơn. Trong nhà, anh Lâm cải tiến đồ phế liệu thành vật dụng mới: tua bin máy bay thành đồng hồ treo tường, những thanh sắt chắn thành kệ trang trí... Anh bảo, có bác đại tá về hưu, biết anh mê những món đồ này, đã tặng chiếc thùng gỗ chiến lợi phẩm bác sử dụng đựng hồ sơ trong chiến tranh. Cũng có một số cựu binh Mỹ, khi đến Đà Nẵng, muốn tìm lại một số hiện vật chiến tranh, đã tìm đến nhà anh. Họ mua những huy hiệu, huy chương của cả phía Mỹ và quân đội cách mạng Việt Nam để làm kỷ niệm.

Anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, nhờ sưu tầm và tìm hiểu những hiện vật chiến tranh anh mới có cơ hội hiểu nhiều hơn về quá khứ của dân tộc mình. Anh nói: "Quân đội Mỹ được trang bị hiện đại từ đầu đến chân, trong khi những người lính Việt Nam hầu như thiếu thốn mọi thứ. Thế nhưng trong cuộc chiến không cân sức ấy, chúng ta đã chiến thắng. Thế mới biết lòng quả cảm, ý chí và tinh thần dân tộc lớn thế nào, đáng tự hào thế nào. Khi tìm được chiếc máy dập thẻ bài, tôi biết được vì sao người ta dễ dàng xác định được danh tính của hài cốt lính Mỹ, bởi khi chết đi mỗi người lính này đều có thẻ bài đeo ở cổ hoặc được đồng đội đưa thẻ bài vào miệng trước khi đem chôn. Còn nhiều hài cốt của các liệt sĩ nước mình, dù tìm được, vẫn ghi là vô danh, chưa xác định danh tính...".

Anh Lâm hy vọng rằng, những món đồ xưa mà anh sưu tầm được cũng là một "gia tài" nhỏ để lại cho các con mình. Để khi lớn lên con anh có thể hiểu được ngày trước đất nước mình đã trải qua chiến tranh gian khổ như thế nào, và con anh sẽ thấm thía được những điều như anh đã thấm thía, về ý nghĩa của cuộc sống yên bình-khi chạm tay vào những hiện vật chiến tranh.

Phạm Quỳnh Nam