Doanh nghiệp cần chủ động “làm bài tập ở nhà” trước khi vào FTA
(Cadn.com.vn) - Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) khu vực miền Trung – Tây Nguyên có thông tin về các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam (FTA) với các nước, đồng thời thông qua các Tham tán Thương mại giúp các DN nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ FTA, ngày 24-2, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 về “Tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của miền Trung với các cơ hội từ các FTA”.
Tham dự có đại diện 62 Tham tán Thương mại của Việt Nam tại các quốc gia khác nhau, lãnh đạo ngành công Thương, DN các tỉnh miền Trung. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh chủ trì Hội nghị.
Ngành cao su đang có lợi thế lớn vào thị trường Mỹ, EU khi Hiệp định FTA có hiệu lực. Trong ảnh: Sản xuất lốp tại Cty DRC. |
Doanh nghiệp mong Tham tán thương mại “mở lòng”
Thực tế, các DN miền Trung – Tây Nguyên có thế mạnh và cũng là các mặt hàng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực như thủy sản, dệt may, giày da, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ,... Tuy nhiên, các DN miền Trung – Tây Nguyên nói chung và Đà Nẵng nói riêng đa số là DN nhỏ, hạn chế tiếp cận với thị trường quốc tế còn khó khăn vì vậy đề nghị các Tham tán Thương mại tại các nước làm cầu nối giới thiệu thông tin về thị trường xuất nhập khẩu, khuyến cáo phòng ngừa rủi ro cho DN, hỗ trợ tìm kiếm đối tác cho cộng đồng DN miền Trung để được hưởng chính sách thuế. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Cty Hương Quế Đà Nẵng đề nghị ngoài cung cấp thông tin tư vấn và hướng dẫn, thì trực tiếp đàm phán tiếp cận trao hàng mẫu, tài liệu, ấn phẩm của DN đến tận tay khách hàng, trực tiếp hỗ trợ giải quyết các vướng mắc cho cả hai bên xuất khẩu và nhập khẩu. Chỉ có Tham tán Thương mại tại nước sở tại mới hiểu rõ được đối tác của DN.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, DN miền Trung – Tây Nguyên đang rất cần thông tin từ các thị trường các nước trên thế giới, trong đó tham tán thương mại đóng vai trò cầu nối, từ đó, các phòng thương mại, các địa phương, Hiệp hội DN, Phòng thương mại và Công nghiệp có thể gửi báo cáo tình hình phát triển DN tại địa phương để các tham tán thương mại nắm được từ đó định hình về nhóm sản phẩm, sản phẩm cụ thể dựa theo thế mạnh để hỗ trợ cho DN.
Trước đề nghị của các DN, các Tham tán Thương mại chia sẻ cụ thể về tình hình diễn biến của thị trường hàng hóa, chính sách mới nhất tại các nước mà các DN xuất khẩu quan tâm. Ông Đào Trần Nhân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết các DN miền Trung trước khi muốn xuất hàng hóa, sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ cần phải tìm hiểu kỹ Luật hiện đại hóa VSATTP về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hoa Kỳ. Mỗi DN cần có kế hoạch lưu giữ hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất của từng lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để có thể truy xuất giấy tờ khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, DN cần phải sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra sản xuất tại chỗ từ phía Hoa Kỳ, việc kiểm tra này hoàn toàn đột xuất, không có sự thông báo cho các cơ quan hữu quan...
Đối với thị trường EU, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại EU lưu ý, các DN khi muốn xuất sản phẩm sang EU cần chứng minh được chất lượng sản phẩm thông qua những số liệu cụ thể ví dụ như sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến có trích dẫn nguồn gốc, sản xuất trên tiêu chuẩn cụ thể nào ví dụ như tiêu của EU, Hoa Kỳ... Ông Cường cũng lưu ý việc ngôn ngữ, điều khoản soạn thảo hợp đồng giao dịch giữa các bên phải cụ thể, chặt chẽ để hạn chế rủi ro như một số trường hợp đã gặp.
Đa số các tham tán thương mại đều khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng DN trong phát triển thị trường. Tại Hội nghị, 62 tham tán, thương vụ Việt Nam tại các nước đều công khai và gửi số điện thoại đến ngành Công thương, DN miền Trung – Tây Nguyên để các DN tiện liên hệ tìm hiểu thông tin và giới thiệu sản phẩm khi cần thiết.
Doanh nghiệp phải “làm bài tập ở nhà”
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng buộc DN phải chủ động sẵn sàng hội nhập, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú gợi ý, thúc đẩy hiệu quả xuất nhập khẩu cũng như xây dựng mối quan hệ giữa DN và các thương vụ là hoạt động hai chiều. Các tham tán thương mại làm nhiệm vụ nghiên cứu thị trường tại nước sở tại, từ đó có những hỗ trợ thông tin thiết thực và kịp thời cho DN. Ngược lại, bản thân DN phải “làm hết bài tập về nhà của mình” để giúp các tham tán hoàn thành nhiệm vụ. “Bài tập về nhà” ở đây chính là chủ động tìm hiểu thông tin, tự tìm kiếm khách hàng tại thị trường muốn xuất khẩu hàng hóa, nghiên cứu kỹ thị trường, sản xuất sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đảm bảo VSATTP, tìm hiểu các quy định nhập khẩu như dư lượng kháng sinh, thuế nhập khẩu, thuế nội địa, xu hướng tiêu dùng và khẩu vị địa phương... rồi sau đó mới nhờ đến Tham tán thương mại tại thị trường đó tư vấn, hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc để có thể xuất khẩu. “Nếu DN không làm bài tập của mình trước thì tham tán cũng không biết đường nào mà hỗ trợ, đặc biệt là DN cần biết và tuân thủ luật chơi quốc tế, chơi đẹp, chơi tốt mới có thể tận dụng tốt nhất mà FTA mang lại”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.
Xuân Đương