Đôi dòng tâm sự "Nghề tay trái"

Thứ năm, 15/06/2023 17:11
Còn vài ngày nữa là kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam,  ngày vui của những người làm báo nước nhà. Nhân kỷ niệm ý nghĩa này, tôi có chút tâm sự với tư cách là một cộng tác viên có "thâm niên".
Phóng viên Đà Nẵng tác nghiệp thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nhà báo Công Hạnh - Báo Công an Đà Nẵng, nay là Chuyên đề Công an Đà Nẵng tác nghiệp tại Hoàng Sa.

Nhớ không lầm thì bài viết đầu tiên của tôi được đăng báo là tháng 5 năm 1996. Để rồi từ cái "cột mốc" đó, tôi đã trở thành một cộng tác viên, một "nhà báo không thẻ" của nhiều tờ báo và tạp chí cho đến bây giờ.

Thỉnh thoảng, vẫn có một số bạn tưởng tôi là "nhà báo" nên nhiều năm qua, vào ngày Tết Nhà Báo tôi vẫn được nhận những lời chúc mừng, hoa và cả quà nữa từ những người bạn quen ngoài đời và cả chỉ quen qua… mạng xã hội. Trong những status của ai đó trên facebook viết chúc mừngNgày Nhà Báo Cách mạng Việt Nam, thỉnh thoảng thấy mình cũng được tag tên vào. Thú thực là cũng thấy vui vì được "lây" niềm vui của người làm báo. Mặc dù nói theo kiểu dân dã thì tôi chỉ là "Lều báo", là một người có "nghề tay trái" mà thôi. Tuy niên, đối với tôi, viết báo đã trở thành niềm vui, giúp bản thân giải tỏa được những trăn trở, thể hiện được những cảm xúc, rung động bất chợt bắt gặp trong cuộc sống đời thường, qua những trải nghiệm trong công việc và cái muôn màu muôn vẻ, "hỉ nộ ái ố" của đời sống xã hội. Tôi luôn tâm niệm, viết báo, trên hết là mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cuộc đời, mà đôi khi chỉ là những hiệu ứng tích cực, thành quả nho nhỏ có được sau mỗi bài báo được đăng.

27 năm cầm bút "tay trái', bài viết được đăng từ báo địa phương đến trung ương cũng không ít. Có những lúc bài được đăng đều đặn, liên tục, nhưng cũng có những lúc thưa thớt, trầm lắng… Tuy nhiên, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có ý định "buông bút" dù bài viết đã ít hẳn, một phần do công việc, một phần do bí đề tài. "Trầm lắng" nhất là giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, số bài viết chỉ đếm trên đầu ngón của một bàn tay, và toàn là bài "đặt hàng". Cũng may là nhờ có facebook mà tôi vẫn viết một cách "lai rai", thoải mái, ngắn dài tùy thích, nội dung "phóng khoáng". Nhưng dù sao đây cũng là nơi để tôi "rèn tay", "luyện não", để tiếp tục đầu tư viết những bài chất lượng hơn gửi đăng báo. Nếu không, cái "nghề tay trái" sớm muộn cũng bị mai một, điều mà tôi chẳng muốn chút nào...

Phóng viên Đà Nẵng tác nghiệp thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên có bài gửi được đăng báo. Đó quả thật là một cảm xúc mừng vui khó tả. Năm đó, do một cậu bạn cùng cơ quan "rủ rê" viết bài đăng báo nên tôi cũng "liều một phen" và cuối cùng là có bài được đăng trên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN, thời chưa chia tách). Thể loại lúc đầu chủ yếu liên quan đến nông nghiệp - nông thôn, vì khi đó tôi đang là anh kỹ sư nông nghiệp chuyên làm khuyến nông. Tin, bài cũng chủ yếu gửi cho báo, đài "nhà". Theo thời gian, thể loại bài viết mở rộng, phong phú hơn, ngoài chuyện chuyên môn, kỹ thuật còn có thêm "chuyện đời" như chống tiêu cực, phê phán cái xấu, cái chưa đẹp đến tôn vinh người tốt, việc tốt, ca ngợi cái hay cái đẹp, cưu mang những mảnh đời bất hạnh và "lấn" cả sang lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật… Phạm vi gửi bài cũng mở rộng ra "phạm vi toàn quốc". Từ báo QN-ĐN rồi đến Đà Nẵng, Quảng Nam (sau chia tách), Công an Đà Nẵng, xa hơn là các báo ở Trung ương và tỉnh, thành bạn cũng như khá nhiều tạp chí chuyên ngành của địa phương và Trung ương.

Trong những năm tháng "hành nghề", có những thời điểm viết rất sung vì đề tài nhiều, cảm xúc dâng trào, nhưng cũng có thời điểm, nhất là những năm gần đây, số lượng bài giảm hẳn, "chỉ tiêu" do mình tự đặt ra đã không đạt, đặc biệt là giai đoạn lao vào "cuộc chiến" với "Giặc cô-vi". Trong khoảng thời gian này, những bài viết của tôi hầu như quanh quẩn với đề tài chống dịch mà qua thực tế mình chứng kiến và cảm nhận được. Ngoài ra, mấy năm trở lại đây, tôi có tham gia làm Admin trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-xanh-sạch-đẹp. Công việc "bếp núc" cũng có những điểm na ná với nghiệp vụ báo chí, nên cũng cảm thấy ít nhiều mình cũng vẫn đang "làm báo" không chính thống.

Dù có "thâm niên" như vậy nhưng vẫn xác định mình mãi vẫn là một anh viết báo tay ngang, nôm na là có "nghề tay trái". Tùy theo mỗi điều kiện, môi trường làm việc mà có những đề tài mang tính thế mạnh, là mạch nguồn cảm hứng cho mình để "sản xuất" ra những bài viết được bạn đọc quan tâm.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, có đôi điều mang tính "kể lể" chuyện làm báo của một cộng tác viên không chuyên. Hy vọng bản thân sẽ còn gắn bó với cái nghề tay trái đầy thú vị này dài lâu, viết vì đam mê, vì tình yêu với cuộc sống và vì những điều tốt đẹp mà báo chí cách mạng VN mang lại cho quê hương đất nước, cho cộng đồng.

Dân Hùng