Đường ống dẫn dầu huyền thoại

Thứ năm, 17/05/2018 11:59

Trong căn nhà nhỏ ở kiệt số 482-Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Xuân Cẩn - nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Mặt trận 579, người có gần 70 năm tuổi Đảng, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày ông tham gia xây dựng tuyến xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Như lời Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Đoàn 559 đã nói, nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đây chính là huyền thoại của huyền thoại...

Đại tá CCB Nguyễn Xuân Cẩn giới thiệu từng chiến sĩ bảo vệ đường ống xăng dầu năm xưa trong bức ảnh kỷ niệm của mình.

CCB Nguyễn Xuân Cẩn vẫn nhớ như in ngày ông vào bộ đội khi mới 15 tuổi. Rời làng quê Điện Hòa, ông nhập ngũ vào Huyện đội Điện Bàn. Tháng 12-1954 ông theo chuyến tàu từ cảng Quy Nhơn tập kết ra Bắc. Chuyến tàu này chở 100 chiếc xe Zin 157 ta thu được của Pháp trong trận An Khê. Ông được phân công làm chính trị viên đại đội xe, tham gia quản lý 100 xe này đưa ra Hà Nội. Nghiệp vận tải bén duyên với ông từ đó. Trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó có nhiều năm được đào tạo ở nước ngoài, nhưng ông vẫn mơ ước được vào Nam giải phóng quê nhà. Ông được giao làm Phó Trưởng phòng Tổ chức - kế hoạch ở Cục Xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần sau đó là Phó Trưởng phòng Tổ chức quân lực Bộ Tư lệnh 559. Chứng kiến từ khi tuyến dầu mới hình thành rồi quản lý quân số lực lượng bảo vệ tuyến xăng dầu, ông càng thấy kỳ tích của con đường lịch sử này. Ngày ấy đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ (19-5-1959), tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường. Đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược cung cấp hậu cần chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 16 năm (1959-1975).

Theo ông Cẩn, công tác bảo đảm xăng dầu cho tuyến 559 rất khó khăn, đặc biệt giai đoạn 1967 - 1968, Mỹ đánh phá ác liệt trong khi yêu cầu vận chuyển cơ giới ngày càng tăng và tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn. Hầu hết vẫn bằng phương pháp thủ công và xe chuyên dụng, có khi bằng gùi thồ qua các trọng điểm, nhưng cũng chỉ bảo đảm cho 30% số xe hoạt động. Bộ Quốc phòng hạ quyết tâm bằng mọi cách phải xây dựng tuyến ống xăng dầu từ Vinh theo đường 15 qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đến đường 9 Nam Lào và từ đường 9 Nam Lào đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Đứng trước tình hình đó, ta đề nghị Liên Xô viện trợ 200km đường ống dã chiến.

Vì sao dùng đường ống vào việc vận chuyển xăng dầu trên những vùng ác liệt không có lưới phòng không hỗ trợ? Vì đường ống dã chiến là phương thức vận chuyển hiện đại duy nhất đáp ứng được nhu cầu đánh lớn cho chiến trường. Mỗi ống chỉ nặng hơn 30kg, đủ cho bộ đội ta có thể dùng sức mình lắp ống luồn lách trong rừng sâu che mắt địch. Và khi bị đánh thì với tính chất dã chiến của nó, ta có thể dễ dàng nối ống hoặc bắc tuyến vòng tránh mà địch không thể phát hiện ngay được. Đây là công việc đầy khó khăn gian khổ vì tuyến đường ống dài hàng nghìn cây số, khối lượng vật tư thi công lớn và phải băng qua núi cao, vực sâu, sông rộng. Trong khi đó, địch lại ra sức đánh phá, nhất là qua các cung đường A Sầu, A Lưới (TT-Huế), Long Đại (Quảng Nam), Tân Cảnh (Kon Tum), Đắc Lắc. Đặc biệt, từ tháng 8-1974, khi Thượng Đức (Quảng Nam) giải phóng, Bộ Tư lệnh 559 mở ngay tuyến đường ống dẫn dầu vào chiến trường Nam Bộ. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, xăng dầu được bơm từ Bến Thủy (Vinh) vào tuyến đường ống, băng qua 115 trạm bơm đẩy với chiều dài 1.400km đến Bù Gia Mập. Việc xây dựng tổng kho và vận chuyển xăng dầu Bù Gia Mập trong thời kỳ chiến tranh được giữ gìn tuyệt đối bí mật. Những người dân sống xung quanh không biết và tổng kho chỉ cách “thủ phủ” của chính quyền ngụy hơn 100km mà địch không phát hiện được. Đây là một kỳ tích trong chiến tranh. Hằng ngày xăng, dầu được bơm vào đường ống từ miền Bắc, chảy liên tục qua Nam Lào và Khu 5 vào điểm cuối cùng là 7 bồn xăng được chôn dưới lòng đất và bao bọc bởi các loại cây rừng có bố trí bãi chông dày đặc. Các bồn chứa được nối với nhau bằng đường ống dẫn, xe đến lấy xăng không phải dùng máy hút mà chỉ cần mở van tự chảy. Một đại đội vận chuyển gồm 30 chiếc xe bồn ngày đêm vận chuyển xăng, dầu ra chiến trường. Như vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bộ máy đảm bảo xăng dầu của bộ đội đường ống Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Cho đến hôm nay, sau nhiều chục năm chiến tranh, con đường của lửa và máu này vẫn là niềm kiêu hãnh của Việt Nam và là điều khó hiểu của giới nghiên cứu quân sự Mỹ.

Bồi hồi nhớ lại những ngày đã qua, ông Cẩn kể: Tham gia quản lý quân số hậu cần trên tuyến đường Trường Sơn nên tôi thường xuyên đến các khu vực lắp đặt đường ống. Ngày đó có 4 trung đoàn đảm nhiệm bảo đảm xăng dầu cho chiến trường. Ba trung đoàn sau này đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ở đồng bằng, từ 7 - 9km có một trạm bơm xăng, đường dốc thì chừng 5km có một trạm. Nếu địch phát hiện đánh phá, mình lập tức khóa van, khắc phục, sửa chữa. Ngày đó trên các tuyến đường chủ yếu là phụ nữ. Từ trạm bơm này đến trạm bơm kia thường xuyên có một tiểu đội. Cuộc sống muôn vàn gian khổ, rừng thiêng, nước độc, lại liên tục tiếp xúc với xăng dầu nên các cô tóc rụng, da xanh. Vừa lo đối phó máy bay đánh phá làm vỡ đường ống vừa phải đối phó với bọn biệt kích, rất nhiều người đã hy sinh.

Chỉ tay từng người trong tấm ảnh đã từng đóng góp tuổi xuân xây dựng một trong 3 hệ thống chủ lực của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Cẩn nói rằng, năm 2005, những người lính thuộc Cục Xăng dầu Bộ Tư lệnh 559 đã có chuyến đi vào thăm lại chiến trường. Trước khi xuất hành, họ ra thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng động viên, khen ngợi rất nhiều. Từ đường mòn Trường Sơn, ông Nguyễn Xuân Cẩn tiếp tục có mặt trong chiến tranh biên giới phía Bắc, rồi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Về hưu ông làm Bí thư Chi bộ dân phố 46, 47 suốt 3 nhiệm kỳ liền, rồi làm Bí thư Đảng ủy P. Hòa Thuận (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Nay dù tuổi đã cao nhưng  người lính vận tải năm xưa vẫn luôn tràn đầy năng lượng, say mê các hoạt động của cựu chiến binh, được đồng đội và nhân dân trong khu vực yêu mến và kính trọng.

HỒNG VÂN