G20 mở màn trong căng thẳng
Ngày 30-11, nhà lãnh đạo các quốc gia G20 bắt đầu 2 ngày hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất trong năm, vốn bị chi phối bởi những căng thẳng với Nga trong vấn đề Ukraine, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các mối quan hệ với Saudi Arabia.
Các lãnh đạo nhóm G20, đại diện cho các cường quốc công nghiệp và hàng đầu trên thế giới và các nước đang vươn lên, đã tề tựu về thủ đô Buenos Aires của Argentine. Trong 2 ngày, lãnh đạo các nước sẽ thảo luận nhiều vấn đề nóng, trong đó quan trọng nhất là thương mại và biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu, đúng như giới phân tích nhận định, các cuộc thảo luận rất căng thẳng do các bất đồng quan điểm giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát thậm chí không loại trừ khả năng thượng đỉnh G20 không ra được thông cáo chung giống như hội nghị APEC vừa qua.
Cuộc chiến thương mại gay gắt giữa Mỹ- Trung, xuất phát từ chủ trương bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump, chính là chủ đề bao trùm hội nghị lần này. Lo ngại đang rất lớn khi trước thềm hội nghị, Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu mang tính nước đôi về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Trump tuyên bố sắp đạt được một thỏa thuận nhưng ông không chắc ông muốn một văn kiện như vậy.
Tại thủ đô Buenos Aires, ông Trump cũng gây căng thẳng khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh với mục tiêu cho chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” của mình, bằng cách thương thuyết ký lại hiệp ước thương mại NAFTA. Và ông đã thành công. Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Mexico và Canada đã ký Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũ. Tổng thống Trump đã hoan nghênh việc này và nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận kiểu mẫu sẽ làm thay đổi vĩnh viễn bối cảnh thương mại.
Bên cạnh đó, vấn đề khí hậu, với những biện pháp cần thiết để đấu tranh hiệu quả chống hiện tượng trái đất nóng lên cũng sẽ gây tranh cãi gay gắt giữa các bên, nhất là giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người không tin vào việc biến đối khí hậu gây hiệu ứng nóng trên toàn cầu, với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, nước chủ trương thúc đẩy việc bảo vệ trái đất, chống lại những tác hại đối với môi trường.
Ngoài hai yếu tố quan trọng này, các vấn đề địa chính trị như cuộc chiến tại Yemen, hậu quả của vụ nhà báo người Saudi Arbia Jamal Khashoggi bị giết hại, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine vừa bùng lên, cũng nằm trên bàn hội nghị.
THANH VĂN