Giải mã những vụ án bí ẩn (4)

Thứ tư, 30/07/2014 09:38

* Bài cuối: Như cánh chim không mỏi

(Cadn.com.vn) - Thở phào nhẹ nhõm sau mỗi vụ trọng án vì đã trả được “món nợ cho nhân dân, CBCS lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS) CATP Đà Nẵng lại bắt tay ngay vào cuộc đấu trí mới với tội phạm và dường như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Với các anh, đó là hành trình không mệt mỏi, bởi tội phạm luôn diễn biến với các thủ đoạn siêu gian xảo, ngày càng khó lường.

Nửa đêm đi mổ tử thi

Không kể mưa bão, lễ Tết, giữa trưa nắng như đổ lửa hay đêm khuya gió lạnh, ở đâu có án mạng là cán bộ pháp y KTHS lại tức tốc tới hiện trường. Ở đó, ngoài nhiệm vụ còn có biết bao ẩn khuất đang chờ các anh giải đáp. Đại tá Phạm Phúc - Trưởng Phòng KTHS CATP Đà Nẵng chia sẻ, chuyện đang ăn dở chén cơm hay đang say giấc ngủ, khi có yêu cầu, cán bộ KTHS lại tức tốc lên đường diễn ra thường xuyên. Nếu thiếu đi nhiệt huyết và “máu” nghề thì rất khó trụ được với công việc này. Có những cán bộ trẻ mới vào nghề, lần đầu phải mổ tử thi lúc nửa đêm không khỏi ám ảnh. Như một sự cống hiến thầm lặng, những ám ảnh ấy cũng qua mau, bởi mỗi CBCS hiểu rằng phía sau án mạng ấy là bao nghi vấn, mong mỏi của người dân cần được sớm sáng tỏ. Hãy cứ hình dung cán bộ khám nghiệm tử thi chỉ có vài người nhưng năm 2013 đã giải quyết 130 vụ việc, nửa năm 2014 là 61 vụ việc sẽ hiểu được những gian nan thầm lặng mà các anh đang trải qua.

Theo Đại tá Phạm Phúc, việc khám nghiệm tử thi không chỉ tìm ra nguyên nhân chết, phương tiện gây án, thủ đoạn gây án để giúp CQĐT truy bắt đối tượng mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn là phải tìm ra các chứng cứ khoa học để đấu tranh, kết tội kẻ thủ ác khi đưa ra tòa xét xử. Đơn cử như vụ án mạng xảy ra giữa tháng 6-2014 tại đường Âu Cơ, P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu gây chấn động dư luận Đà Nẵng.

Đối tượng Phan Văn Sơn (1986, trú Quế Sơn, Quảng Nam) vì thiếu nợ 3 triệu đồng đã mang dao cướp tài sản, đâm chết một phụ nữ đang mang bầu 3 tháng và đâm trọng thương một thanh niên khác khi vào can ngăn. Đối tượng đã bị bắt sau đó không lâu nhờ vào nhiều yếu tố như lời khai của người dân, BKS xe máy y sử dụng, giọng nói… Tuy vậy, để có chứng cứ khoa học chính xác buộc tội y trước cơ quan tố tụng, các vật chứng, dấu vết từ hiện trường, trên tử thi nạn nhân phải được thu thập, phân tích tỉ mỉ, đầy đủ, xác thực. Đó vừa là yêu cầu bắt buộc vừa là trách nhiệm quan trọng đặt ra với lực lượng KTHS.

Nỗ lực tìm ra nguyên nhân một vụ cháy lớn phục vụ công tác điều tra.

Đấu trí không ngừng

Trí tuệ, kinh nghiệm, nhiệt huyết và phương tiên hiện đại là yếu tố không thể thiếu trong cuộc đấu trí với các loại tội phạm ngày càng táo tợn, siêu gian xảo như hiện nay - Đại tá Phạm Phúc chia sẻ. Hàng loạt vụ án mà chỉ thông qua khám nghiệm hiện trường lực lượng KTHS đã trực tiếp tìm ra đối tượng gây án. Chẳng hạn đầu tháng 6-2014, tại nhà trọ 544/8 đường 2-9, TP Đà Nẵng xảy ra vụ trộm táo tợn, đối tượng đột nhập lấy đi hơn 800 triệu đồng. Đây là số tiền mà gia chủ chuẩn bị để xây nhà. Qua khám nghiệm hiện trường, cán bộ KTHS nhận định đây là đối tượng trộm chuyên nghiệp, bởi chúng có phương thức, thủ đoạn gây án rất đặc thù. Chúng đã chuẩn bị rất kỹ phương tiện, nghiên cứu kỹ địa hình, thời gian, quy luật hoạt động của chủ nhà trước khi tiến hành đột nhập gây án.

Việc thu thập các dấu vết, chứng cứ tại hiện trường rất khó khăn bởi đối tượng đã tính toán xóa dấu vết, tạo hiện trường lộn xộn. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực, kinh nghiệm và đặc biệt là hệ thống phương tiện hiện đại, sau khi nhận định được thủ đoạn gây án, cán bộ KTHS đã nhận định đúng phương thức gây án, từ đây lần theo để thu được một dấu vết vân tay rất nhỏ. Quá trình tìm ra dấu vết đã khó, phân tích dấu vết cũng rất gian nan, nhưng chính nhờ đó, cuối cùng cán bộ KTHS bước đầu xác định đối tượng gây án phục vụ CQĐT. 

Lực lượng KTHS tiến hành khám nghiệm hiện trường một vụ trọng án.

Mỗi năm lực lượng KTHS thực hiện hàng ngàn yêu cầu giám định, đặc biệt trong lĩnh vực ma túy, TNGT, hồ sơ tài liệu... Đại tá Phúc cho biết, giá trị của các yêu cầu giám định không chỉ giúp CQĐT xác định đối tượng gây án mà ngay cả các kết quả giám định không phải là tội phạm cũng có ý nghĩa rất lớn, bởi vì nó giúp loại bỏ oan sai cho người dân. Trong nửa năm qua, lực lượng KTHS đã giám định hơn 2.800 yêu cầu, trong đó kết luận khẳng định trên 20% có tội phạm. Nhiều vụ TNGT khiếu kiện kéo dài không thể giải quyết vì không xác định được đâu là điểm đầu va chạm dẫn đến tai nạn.

Tuy vậy, qua giám định đã tìm ra chính xác nguyên nhân, xóa bỏ khiếu kiện kéo dài. Không ít vụ cháy, khi khám nghiệm đã xác định chính xác bản chất, tránh oan sai. Chẳng hạn vụ cháy tại căn hộ 17B tòa nhà Indochina 74-Bạch Đằng, TP Đà Nẵng tháng 10-2013 do một người Singapore thuê. Sau khi khám nghiệm xác định các thiết bị điện trong căn hộ không có dấu hiệu chập cháy mà toàn bộ việc cháy là do Trần Văn Thương (trú tổ 170, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) vì mâu thuẫn tình ái với người thuê căn hộ đã đổ xăng đốt.

Cuối tháng 4-2014, CAQ Sơn Trà đã triệt phá nhóm trộm chuyên cắt cáp điện tại khu vực P. Thọ Quang. Trước đó, chúng đã gây ra hàng loạt vụ cắt dây cáp điện thiệt hại 1,2 tỷ đồng. Tuy vậy, khi bị bắt, Đậu Văn Hiệu (1988, trú Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ngoan cố không nhận tội. Qua khám nghiệm lại hiện trường, cán bộ KTHS thu được 2 vỏ chai nước khoáng nhựa vứt lại. Từ hai vỏ chai nước suối này, lực lượng KTHS đã “khai thác” đưa ra dấu vết, chứng cứ khẳng định 100% Hiệu là kẻ gây án khiến y phải nhận tội.

Theo Đại tá Phạm Phúc, tội phạm ngày càng chuyên nghiệp, chúng ít để lại dấu vết truyền thống mà thường là dấu vết sinh học, vi vết, mồ hôi, lông tóc, nước bọt... Để đấu tranh với tội phạm mới đòi hỏi ngoài phương tiện hiện đại, kiến thức, tư duy của cán bộ KTHS luôn đổi mới. Tuy vậy, cái khó là lực lượng chuyên môn sâu còn mỏng, chi phí để nâng cấp, bảo quản phương tiện còn hạn chế. Đây là những thách thức không nhỏ, song bằng tinh thần nhiệt huyết, ý chí tấn công tội phạm quyết liệt, lực lượng KTHS lần lượt vượt qua để phối hợp với CQĐT phá 100% vụ trọng án, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được lãnh đạo CATP giao phó.

Hải Hậu