Gian nan lựa chọn lãnh tụ tối cao Iran

Thứ sáu, 24/10/2014 11:22

(Cadn.com.vn) - Việc Mohammad Kani, người đứng đầu Hội đồng các chuyên gia, cơ quan bầu ra Lãnh tụ tối cao của Iran, qua đời mở ra giai đoạn bất ổn tại thời điểm rất quan trọng ở quốc gia Hồi giáo này.

Bởi lẽ, vụ việc này diễn ra chỉ 1 tháng sau khi lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, 75 tuổi, phẫu thuật tuyến tiền liệt, với những hình ảnh chính thức cho thấy ông xanh xao và yếu ớt trên giường bệnh. Sự kiện làm dấy lên câu hỏi ai là người sẽ thay ông Khamenei, và quá trình lựa chọn sẽ được thực hiện như thế nào? 

Quyền lực của Lãnh tụ tối cao?

Cho đến nay, Lãnh tụ tối cao là người có quyền lực mạnh mẽ nhất ở Iran. Ông là tư lệnh lực lượng vũ trang, có quyền bổ nhiệm người đứng đầu ngành tư pháp và các đài truyền hình nhà nước, cũng như một nửa số thành viên Hội đồng giám hộ - cơ quan đầy quyền lực đề nghị ứng cử viên cho các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội.

Lãnh tụ tối cao đầu tiên của Iran là Đại giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini. Ông lên nắm quyền sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 khi đã 77 tuổi, vì vậy ai sẽ là người kế nhiệm luôn là câu hỏi quan trọng nhưng không ai dám đề cập. Tuy nhiên, một vài năm sau đó, khi ông Khomeini phải chịu đựng loạt các cơn đột quỵ, một cơ quan được thành lập nhằm lựa chọn một Lãnh tụ tối cao mới.

Hội đồng các Chuyên gia, gồm 82 giáo sĩ được bầu, có nhiệm vụ bầu, giám sát, thậm chí loại bỏ Lãnh tụ tối cao. Năm 1989 khi ông Khomeini qua đời, ông Khamenei được lựa chọn. Mặc dù ông Khomeini từng nói rằng, Lãnh tụ tối cao phải là một Đại giáo chủ, song ông Khamenei không phải là giáo sĩ và luật pháp phải được thay đổi. Điều khoản cho phép người dân trực tiếp lựa chọn Lãnh tụ tối cao cũng bị loại bỏ khỏi hiến pháp.

Hội đồng các Chuyên gia Iran có quyền lựa chọn Lãnh tụ tối cao. Ảnh: BBC

Các ứng cử viên

Tương lai của Iran tùy thuộc vào phe nào trong Hội đồng các Chuyên gia - bảo thủ hay ôn hòa - giành được thế thượng phong trong việc lựa chọn lãnh tụ kế tiếp.

Phe bảo thủ, những người thống trị Quốc hội, ủng hộ ông Khamenei. Họ tin rằng, nhà lãnh đạo của chế độ Hồi giáo là đại diện của Chúa trên trái đất. Phe ôn hòa tin vào vai trò thiêng liêng của Lãnh tụ tối cao, nhưng cho rằng, ông nắm quyền hợp pháp từ người dân và phải có trách nhiệm với họ.

Một số thành viên ôn hòa kêu gọi thay đổi mô hình lãnh đạo hiện nay, theo đó người kế vị ông Khamenei sẽ phục vụ có thời hạn chứ không phải là cả cuộc đời, và cần thành lập hội đồng các nhà lãnh đạo để làm việc cùng với Lãnh tụ tối cao. Tuy nhiên, ông Khamenei từng bác bỏ những cải cách này.

15 thành viên của Hội đồng các Chuyên gia được giao nhiệm vụ đưa ra danh sách các ứng viên tiềm năng. Danh sách này không được công bố nhưng ai cũng biết sẽ có một số tên tuổi nổi bật. Người đầu tiên là cựu Tổng thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani thuộc phe ôn hòa từng lãnh đạo Hội đồng các chuyên gia.

Ông Rafsanjani và Khamenei từng là bạn thân, trong đó ông Rafsanjani đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ông Khamenei trở thành Lãnh tụ tối cao. Nhưng tình bạn dần mất đi, đặc biệt là sau khi ông Rafsanjani ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối nổ ra sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2009.

Trong thập kỷ qua, phe bảo thủ giành được nhiều ghế hơn ở Hội đồng các Chuyên gia vì tất cả các ứng cử viên được lựa chọn bởi Hội đồng giám hộ, cơ quan gồm các thành viên có sức ảnh hưởng nhất do Lãnh tụ tối cao chỉ định.

Cuộc bầu cử Hội đồng các Chuyên gia sẽ được tổ chức vào tháng 2-2016. Cái chết của người đứng đầu hội đồng, Mohammad Kani, có khả năng thay đổi cán cân quyền lực. Ông thân thiết với cả hai ứng cử viên bảo thủ và ôn hòa, và một trận chiến giữa hai phe kiểm soát Hội đồng hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, các ứng cử viên chủ chốt có thể đến từ lực lượng Vệ binh cách mạng Iran hoặc nhóm quan trọng nào đó ủng hộ tổng thống tương lai của Iran.

An Bình
(Theo BBC)