Gieo chữ trên “cổng trời” Phước Lộc...
(Cadn.com.vn) - Phước Lộc, xã khó khăn nhất huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) - nơi chưa có điện lưới quốc gia, mọi sinh hoạt, đời sống của người dân, đặc biệt là những người từ “dưới xuôi” lên đây công tác, dạy học thiếu thốn trăm bề.
Tuy nhiên vượt qua tất cả, họ vẫn miệt mài ngày đêm đem nhiệt huyết, niềm đam mê, và hơn cả là tình yêu thương của mình truyền lại cho các em học sinh đồng bào Cơ Tu...
Tình yêu con chữ đã giúp thầy và trò Trường PTDT TH và THCS xã Phước Lộc không còn khoảng cách. |
Trải lòng của người gieo chữ
Gọi là trung tâm xã Phước Lộc, nhưng thực ra chỉ có vài chục nóc nhà quần tụ, “hơi hướng thị trường” một chút là quán tạp hóa duy nhất được mở trước đó vài ngày. Nổi bật có lẽ phải kể đến trụ sở UBND xã và Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS (gọi tắt là PTDT TH và THCS) xã Phước Lộc nằm chót vót trên một quả đồi.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng tập thể chừng 20m2, vừa là nơi làm việc, cũng là nơi ở, thầy Nguyễn Văn Ấn – Hiệu trưởng trường tay bắt mặt mừng: “Lâu lắm rồi trường mới có khách quý ghé thăm”. Thầy Ấn được coi là “bậc tiền bối” trong ngành Giáo dục vùng cao Phước Sơn, không chỉ ở việc thầy đã lớn tuổi, mà còn “lớn” cả thâm niên trong nghề.
Thầy Nguyễn Văn Ấn và các em học sinh trong khu nội trú. |
Quê ở một huyện đồng bằng Quảng Nam, công tác trong ngành Giáo dục mấy chục năm thì có tới 18 năm thầy trụ lại với Phước Sơn, trong đó 10 năm làm hiệu trưởng trường tiểu học ở xã Phước Thành–cũng là địa bàn nổi tiếng về khó khăn, cách trở. Chuyển về Phước Lộc hơn 1 năm nay, nhưng theo lời thầy, xem ra sự khó khăn ở Phước Thành trước đây chẳng thấm vào đâu so với Phước Lộc bây giờ. Điện không, vào mùa mưa mới có đủ nước sinh hoạt, những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, ở cũng phải phụ thuộc vào thời tiết. Thời tiết “đẹp” thì may ra còn có chút thịt, cá tươi do những người buôn chuyến đem lên bán, còn ngày mưa gió thì cá khô, muối vừng, nước mắm... qua bữa.
Gần 20 năm công tác tại Phước Sơn thì có đến 14 năm về giảng dạy tại Trường PTDT TH và THCS xã Phước Lộc, thầy Hoàng Công Giáp được xem là người có thâm niên lâu nhất tại trường. Quê ở xã Quế Thuận, H. Quế Sơn (Quảng Nam), năm 2001 thầy được phân công về dạy ở Phước Lộc, trước đó, vào năm 1999 thầy là giáo viên tại trường tiểu học xã Phước Đức. “Hồi mới lên đây, thực tình mà nói thì cũng phân vân, lo lắng lắm.
Riêng chuyện phải cuốc bộ hơn một ngày trời mới vào đến trung tâm xã đã thấy nản rồi, chứ chưa nói đến chuyện thiếu thốn đủ bề, cô đơn, quạnh vắng... Ấy thế nhưng khi quen rồi, lại thấy yêu thương mảnh đất này. Thương các em học sinh, dù bụng còn đói meo, áo mặc chưa đủ ấm, chân trần lội suối qua đèo nhưng các em vẫn kiên tâm bám lớp, bám trường. Nhìn những ánh mắt ngây thơ hướng về bục giảng như muốn nuốt từng con chữ, tôi chẳng còn nhớ mình đã từng có lúc muốn rời xa nơi đây”, thầy Giáp trải lòng.
Những ánh mắt ngây thơ hướng về bục giảng như muốn nuốt lấy từng con chữ. |
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai...
Toàn trường PTDT TH và THCS xã Phước Lộc có 187 em học sinh, trong đó có 118 học sinh nội trú. Vì là xã vùng cao nên các em được hưởng phụ cấp cho học sinh xa nhà theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó mỗi em được hỗ trợ 15kg gạo và 460 ngàn đồng/tháng. Thầy Ấn cho biết, ngoài chuyện thiếu điện, nước sinh hoạt thì việc ăn, ở của các em coi như tạm yên tâm. “Vấn đề lớn nhất, trăn trở nhất hiện nay của chúng tôi đó là áo quần, chăn ấm cho các em khi mùa đông cận kề. Ở vùng cao, trời mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, người lớn áo ấm đủ đầy còn thấy lạnh, huống chi các em, mỏng manh như vậy chịu không thấu. Nhiều lúc thấy các em co ro ngồi trong lớp, hai hàm răng lập bập vào nhau mà rơi nước mắt”, thầy Ấn lo lắng.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng do quá tầm nên nhà trường cũng chẳng giúp được gì. Muốn kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ cho các em có tấm chăn ấm nhưng chẳng biết kêu ai. “Các anh lên đây, có viết bài thì cho thầy và trò chúng tôi gửi gắm những mong muốn, thông điệp này đến mọi người”, thầy Ấn thật lòng.
Sau khi từ chối lời mời chân tình của thầy Ấn ở lại dùng bữa cơm đạm bạc với thầy và trò của trường PTDT TH và THCS xã, chúng tôi rời Phước Lộc khi trời đã nhá nhem tối, cộng với cơn mưa rừng xối xả ập đến. Trên quãng đường trơn trượt, đầy dốc cao vực thẳm và những hạt mưa như quất vào mặt đau rát, tôi miên man nghĩ đến những lời tâm sự, gửi gắm của thầy Ấn. Nghĩ về những ánh mắt ngây thơ, nụ cười trong trẻo của các em học sinh nơi đây, tôi thầm nghĩ, ước gì các thầy cô giáo, các em học sinh được thụ hưởng, được sống đúng nghĩa như chính tên gọi của mảnh đất này: Phước Lộc!
Bài, ảnh: D.H