Gốc cây gây sốt

Thứ bảy, 01/11/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Trong những năm gần đây, ở Tây Nguyên, nhiều người dân đã và đang hình thành thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ làm từ gốc cây rừng quý, với các mặt hàng bàn, ghế, tượng, tranh... Điều này đã và đang tạo thành cơn sốt về giá cho các loại gốc cây có chất liệu quý, cổ thụ, kiểu dáng lạ, độc đáo... Thực trạng này đã và đang làm cho nạn phá rừng càng diễn biến phức tạp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá bán một gốc gỗ hương có đường kính 1 m hơn 20 triệu đồng. Gốc cây cẩm lai hay cà te thì giá còn cao hơn nhiều lần. Đó là chưa kể đến những gốc cây có tư thế, kiểu dáng đẹp, cổ, độc đáo. Đối tượng mua loại gốc cây này thường là những bậc "đại gia", "trung gia"... đam mê đồ gỗ từ các tỉnh thành trong cả nước. Cũng chính vì giá cao, lợi nhuận lớn nên có khá nhiều người tham gia khai thác, lưu thông, khiến thị trường buôn bán gốc cây rừng trở nên náo nhiệt và  sôi động hơn bao giờ hết.

Anh T., một chủ cơ sở buôn bán gốc cây mỹ nghệ đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) chia sẻ: "Hiện nay, ở Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng những gốc cây quý có giá cao lắm, có bộ gốc rễ có giá hàng chục triệu đồng, thậm chí có nhiều gốc cây quý như thủy tùng, trắc, cẩm... có giá lên tới hàng trăm triệu đồng, tính bằng ki-lô-gam. Đa phần những loại gốc cây to có thế đẹp này là bán cho các "đại gia" nhiều tiền, chứ dân thường lấy tiền đâu?". Hỏi thêm về nguồn gốc của những gốc cây này ở đâu mà nhiều thế, anh T. tiết lộ: "Dĩ nhiên là mua lại của những người chuyên vào các khu rừng sâu ở Ea Súp, Ea H'leo, Krông Năng... đào về bán rồi. Thường thì họ đi thành tốp khoảng 5 người. Trước đây chúng tôi còn mua được rẻ một chút chứ bây giờ phải mua giá cao hơn, nếu không họ sẽ bán cho người khác là mất mối ngay".



Trong và ngoài một cơ sở chế tác sản phẩm bằng gốc gỗ quý.

Những gốc cây rừng này sau khi mua về, ngoài việc chế tác những bộ bàn ghế, tủ gỗ, những cặp lục bình..., thì còn tùy vào sở thích họ sẽ thuê những người thợ đục ra các sản phẩm như: Cóc ngậm tiền xu, tượng Di lặc, tượng Phúc Lộc Thọ, tượng sư tử, tượng rồng, tượng ngũ long tranh châu... tùy theo tư thế, kiểu dáng khác nhau. Quan sát tại cơ sở chuyên đục tượng gỗ ở đường Phạm Văn Đồng (Buôn Ma Thuột), chúng tôi thấy có khoảng vài chục gốc cây đủ loại như thủy tùng, cẩm, hương, cà te,... được khách hàng chở đến, có người yêu cầu chế tác tượng Phật Di Lặc, tượng nàng tiên cá, tượng Quan Công, tượng Quan Âm... "Một bức tượng Di Lặc cao 1m rộng 60 cm bằng gỗ cẩm lai do khách đem đến, một người đục mất khoảng 50 đến 60 ngày với giá tiền công khoảng 20 triệu đồng. Bộ 3 tượng Phúc Lộc Thọ bằng gỗ hương (cao 80cm rộng 40cm) cũng phải làm với giá tiền công khoảng 16 triệu đồng... Tùy theo  độ khó của hoa văn, sự quý hiếm của chất liệu gỗ, công lao động và mức độ "chịu chơi" của khách hàng mà các cơ sở đục tượng gỗ đưa ra giá của tác phẩm", anh Bình cho biết.

Để thỏa mãn thú chơi, nhiều người sẵn sàng chi vài trăm triệu đồng để sở hữu những món đồ gỗ được cho là độc nhất vô nhị. Anh Việt, một người ở Buôn Ma Thuột tìm mua một bộ bàn ghế bằng gốc gỗ hương cho biết: "Thú chơi đồ gỗ nghệ thuật không chỉ "ngấm vào máu" những người như chúng tôi mà khi được bài trí trong nhà tôi cảm thấy chúng có vẻ đẹp bí ẩn và tạo được cảm giác thiền tĩnh lặng, sâu lắng. Mặc dù giá có đắt đôi chút nhưng nếu ưng ý thì tôi vẫn mua".



Phải dùng xe cẩu mới xê dịch nổi những gốc gỗ nặng hàng tấn như thế này.

Đến với Tây Nguyên, ở bất cứ địa phương nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những điểm bán các đồ mỹ nghệ làm từ gốc rễ cây rừng với những tư thế, kiểu dáng khác nhau. Những sản phẩm này có giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo chủng loại, kích thước, kiểu dáng của sản phẩm. Tuy nhiên nó vẫn  đang rất "hút hàng". Cầu cao nên cung càng cao, việc tìm và khai thác những gốc cây gỗ quý lại tiếp tục diễn ra. Điều đáng nói là vịn vào lý do đào gốc trên nương rẫy, vườn nhà... nhiều người đã lách được luật, kéo theo một lượng người tham gia đông đảo. Cứ nhìn vào kích cỡ của những gốc, rễ cây được đưa về các cơ sở chế tác, đủ biết "nghề" tìm kiếm, khai thác và chế tác gốc, rễ cây đã xâm hại đến rừng như thế nào.

Bá Thăng