Chuyển hóa cơ hội và khát vọng thành động lực mạnh mẽ phát triển Đà Nẵng

Thứ năm, 01/02/2024 10:29

P.V: Bên cạnh việc khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế, trong năm 2023 Đà Nẵng cũng có nhiều giải pháp thiết thực tạo ra các động lực phát triển mới, vậy xin đồng chí cho biết cụ thể nội dung này?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Năm 2023 thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn lực phát triển bị “đóng băng” nhiều do nhiều nguyên nhân. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, lãnh đạo thành phố đã nỗ lực tháo gỡ, đến nay nhiều dự án được khơi thông. Thành phố đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và đạt được kết quả ấn tượng, đến giữa tháng 11-2023 thực hiện cấp mới và điều chỉnh cho 40 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 47.000 tỷ đồng vốn trong nước và 200 triệu USD vốn FDI. Nhiều dự án sau khi được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tăng vốn đầu tư rất lớn, đây sẽ là một trong những động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế năm 2024.

Nhìn lại năm thực hiện chủ đề về tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, thành phố đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã xây dựng. Theo đó, kinh tế thành phố tiếp tục được phục hồi, quy mô mở rộng; thu ngân sách đạt khá; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng an ninh được giữ vững. Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của thành phố. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng.

Ngoài tập trung khơi thông nguồn lực bị “đóng băng”, trong năm qua thành phố đã chủ động đề ra các giải pháp thiết thực nhằm tạo tiền đề căn bản cho phát triển trong các năm tới cũng như tạo ra các động lực phát triển mới. Cụ thể thành phố đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng, tập trung vào các nhà đầu tư lớn, các lĩnh vực công nghệ cao (vi mạch, bán dẫn,...), công nghệ thông tin, tài chính, cảng biển; hoàn thành quy hoạch thành phố và các quy hoạch phân khu trung tâm; chủ động đề xuất trung ương cho phép thành phố xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù, ban hành các quy định mới về chính sách đền bù giải tỏa...

Lễ hội Pháo hoa Quốc tế hàng năm trở thành thương hiệu riêng có của Đà Nẵng.

P.V: Mới đây Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xin đồng chí cho biết điều đó đã tạo động lực, mở ra không gian phát triển như thế nào cho thành phố?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Quy hoạch này là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian sớm nhất. Quy hoạch cũng thể hiện đầy đủ các quan điểm, định hướng phát triển Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. Bản quy hoạch được phê duyệt đúng thời điểm Đà Nẵng đang tổng kết, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và xây dựng kế hoạch phát triển năm 2024 nên càng có ý nghĩa quan trọng để thành phố xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp, xác định các chỉ tiêu, giải pháp trọng tâm để triển khai hiệu quả trong thời gian đến trên cơ sở khai thác tối đa mọi nguồn lực nội tại của địa phương, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn để thành phố hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

P.V: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn thành phố Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển. Những năm qua Đà Nẵng luôn là “điểm sáng” với rất nhiều giải thưởng quan trọng về chuyển đổi số. Vậy xin đồng chí cho biết “bí quyết” nào giúp Đà Nẵng có được thành công này?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Chuyển đổi số được xem là động lực mới giải quyết “điểm nghẽn” phát triển cho thành phố trong bối cảnh mới, vì thế thành phố đã sớm ban hành Đề án Chuyển đổi số, Đề án xây dựng thành phố thông minh, tập trung nguồn lực phát triển, bước đầu mang lại thành quả nhất định. Năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng đã đóng góp 19,76% vào GRDP. Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số với khoảng 46.000 nhân lực công nghệ số. Năm 2023 thành phố tiếp tục đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, chuyển đổi số như: Cổng Dịch vụ công thành phố được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xếp loại A; Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số ICT Index 2022; lần thứ 4 liên tiếp nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước Chuyển đổi số xuất sắc và Giải thưởng Thành phố thông minh; đạt giải “Top Công nghệ 4.0 Việt Nam - Hạng mục Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số...

Để có được kết quả này, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, đồng bộ của cả bộ máy chính trị còn có sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đặc biệt, thành phố đã có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đơn cử, thành phố đã đầu tư vùng dữ liệu phục vụ cho công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp và người dân; hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành đa nhiệm (IOC, giai đoạn 1). Trung tâm này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành của thành phố, đồng thời người dân được kịp thời tiếp cận thông tin mới nhất ở các lĩnh vực như: dữ liệu đất đai, quy hoạch, đầu tư... dần dần thực hiện các giao dịch số đối với các cơ quan hành chính. Trong thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng (đã nâng cấp), Công viên phần mềm số 2; xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh; triển khai các dự án về hạ tầng thông tin và các dự án về kho dữ liệu, nâng cấp hệ thống chính quyền điện tử...

Logistics là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực phát triển, bên cạnh cảng Tiên Sa (trong ảnh) thành phố đang đầu tư cảng nước sâu Liên Chiểu.

P.V: Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện thì cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn mở ra với nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cũng có chuyến thăm các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới ở thung lũng Silicon (Hoa Kỳ), đạt được những hợp tác, ghi nhớ quan trọng. Vậy xin đồng chí cho biết Đà Nẵng có giải pháp gì để nắm bắt cơ hội, đón dòng vốn đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Đà Nẵng xác định Hoa Kỳ là thị trường chiến lược trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Chính vì vậy, thành phố định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại địa phương và là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển ngành công nghiệp này. Thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Công ty Synopsys trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện nay thành phố đang tập trung triển khai xây dựng Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn; Đề án Phát triển Đà Nẵng trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực chip bán dẫn; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; các trường đại học trên địa bàn đang xây dựng chương trình đào tạo ngành công nghệ bán dẫn nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này trong tương lai.

Bên cạnh chuẩn bị nguồn nhân lực, Đà Nẵng cũng có lợi thế hạ tầng khu công nghệ cao diện tích 1.128 ha đã hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Thành phố sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản đầu tư vào công đoạn thiết kế; thu hút các doanh nghiệp ở thị trường châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore đầu tư vào công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn đầu tư vào thành phố.

P.V: Năm 2024, Đà Nẵng sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, xin đồng chí cho biết thành phố sẽ đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù nào để tạo động lực mới phát triển thành phố thời gian tới?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Để xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực theo định hướng Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, thành phố cần cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để tạo điều kiện phát triển. Trong Nghị quyết số 119 của Quốc hội chủ yếu về thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị, chưa có nhiều chính sách đặc thù, đột phá. Hiện nay thành phố đang tập trung đề xuất 5 cơ chế, chính sách mới có tính vượt trội gồm chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; Chính sách về quản lý đầu tư; Chính sách về tài chính, ngân sách, thuế; Chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; Chính sách về hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Năm 2024 thành phố sẽ sơ kết 5 năm Nghị quyết số 43 NQ/TW, trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị cho chủ trương về việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

P.V: Để chuyển hóa cơ hội, khát vọng thành động lực phát triển thành phố cần chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong thời gian qua có hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong công việc. Vậy xin đồng chí cho biết thành phố đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, dám hành động vì lợi ích chung của mỗi cán bộ công chức?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Thời gian qua có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trong công việc. Vì vậy, ngày 27-10-2023 Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 34, nội dung yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kết hợp giữa xây và chống để chấn chỉnh, khắc phục, đẩy lùi tình trạng nêu trên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần quyết liệt thực hiện trong thời điểm hiện nay. Chỉ thị cũng chỉ rõ 10 biểu hiện cụ thể của tình trạng né tránh, đùn đẩy trong thực hiện công việc. Sau khi quán triệt chỉ thị đến các tổ chức, đơn vị, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị; xử lý nghiêm đối với các trường hợp triển khai thực hiện mang tính hình thức, không thực chất; đồng thời, biểu dương, động viên kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có những cách làm cụ thể, hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, xem đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong giai đoạn sắp đến. Trong thực hiện Chủ đề năm 2024, thành phố cũng đặt vấn đề cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương là nội dung quan trọng, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi công việc của đội ngũ cán bộ công chức, vì sự phát triển chung của thành phố.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã chia sẻ.

HẢI QUỲNH (thực hiện)