Nhà báo & lễ hội

Thứ sáu, 21/06/2024 12:15
Nhà báo tác nghiệp ở một lễ hội tổ chức tại Khánh Hòa.

Trong cả nước, hàng năm có biết bao nhiêu lễ hội được tổ chức. Tỉ dụ ở Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế, Đà Lạt tổ chức định kỳ Festival hoa, Ninh Thuận có Lễ hội nho, Nha Trang - Khánh Hòa có Festival biển hai năm một lần, xen kẽ là Liên hoan Du lịch Biển, Quảng Nam thường xuyên có những lễ hội nhằm tạo sức thu hút với hai di sản văn hóa Mỹ Sơn và Hội An, Lễ hội Katê ở Bình Thuận và các lễ hội ở Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các lễ hội Chùa Hương, Chọi trâu Đồ Sơn, Hội voi ở Buôn Đôn, Đắk Lắk... cũng là những lễ hội lớn, có sức thu hút cao.

Đi dự lễ hội là đi tác nghiệp, nhưng thường các nhà báo rất tự ái vì lý do nào đó mà ban tổ chức... không mời. Được mời có nghĩa là được lo ăn ở, là nắm bắt được thông tin nhanh nhất. Tuy nhiên, được mời hay không được mời hoàn toàn không quan trọng với một nhà báo yêu nghề. Bởi không thể phủ nhận là nhiều nơi tổ chức lễ hội vẫn còn yếu kém trong cách cung cấp thông tin cho nhà báo, ngược lại cũng có rất nhiều nhà báo đến lễ hội để... chơi hơn là viết bài đưa tin. Tuy nhiên, được mời hay không được mời không quan trọng bằng chuyện có gì để viết không? Bởi di dự lễ hội cũng có khối chuyện cười ra nước mắt, khối chuyện không viết... thì không ai biết.

Tôi đi dự nhiều lễ hội, có lễ hội cơm đùm cơm nắm mà tác nghiệp, có lễ hội được mời. Có lễ hội di rồi về vì chẳng viết gì, có lễ hội viết cả năm không hết. Nhưng đi lễ hội dù dưới hình thức nào cũng mang lại nhiều cảm xúc và đưa cảm xúc ấy đến bạn đọc.

Kinh nghiệm tác nghiệp cho thấy việc đầu tiên nên biết là tại nơi đó có Trung tâm báo chí (TTBC) hay không? Thường thì các TTBC có đủ máy, đường truyền Internet và tài liệu cập nhật. Tỉ dụ như ở Hội An thường đặt TTBC tại Trung tâm văn hóa thông tin, tại đây có luôn cả những file ảnh và tài liệu liên quan về lễ hội trên máy. Tại Bình Thuận lại cập nhật bản tin nhanh ngay tại khách sạn nhà báo ở. Tại Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Đà Lạt có luôn một nơi cho báo chí tác nghiệp, có luôn cà-phê và đồ ăn nhẹ. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải quan sát các điểm Internet gần nhất để tới đó tác nghiệp khi cần. Ngoài máy ảnh kỹ thuật số, tất nhiên nên mang theo USB để ghi lại tài liệu lưu trữ. Dĩ nhiên, chiếc điện thoại có 4G luôn là tối ưu.

Lễ hội là nơi thường là sự kiện nhà báo quan tâm bởi khai thác được nhiều khía cạnh.

Cái khó của nhà báo trong lễ hội là những quan chức lãnh đạo khó có thời gian để trả lời phỏng vấn, bởi những ngày lễ hội họ phải tiếp khách, trong đó có cả lãnh đạo trung ương. Cách hay nhất là có sẵn máy ghi âm sẵn sàng, tranh thủ trong các cuộc gặp bất cứ lúc nào để phỏng vấn. Còn về hình ảnh thì có cơ hội nên chụp lại, sẽ có lúc cần đến. Bởi những hình ảnh chụp càng nhiều càng tốt, đều có lợi cho sau này khi cần đến.

Phương tiện đi lại cơ động nhất có lẽ là xe thồ. Nhưng đừng tin lắm vào các chương trình lễ hội phát trước, vì nhiều khi bạn sẽ bị “hố” khi theo đó mà viết bài giống như mình đi thật. Không hiếm nhà báo đã bị “ hố” vào chuyện này vì không biết đến phút cuối ban tổ chức đã hủy chương trình mà vẫn viết bài. Tất nhiên là việc nhờ chính đồng nghiệp là bạn bè đang làm báo ở địa phương mình đang tới để tìm ra thông tin, nắm bắt được số điện thoại cần thiết để quan hệ công việc cũng rất quan trọng. Và đừng vì ban tổ chức làm mất lòng mình như quên gởi giấy mời dự một hội nghị chẳng hạn, viết bài phê phán.

Trong những lễ hội mà tôi đã đi, tôi vẫn thường mang xe gắn máy nếu ở tỉnh gần, ở xa thì thuê xe thồ để đi tác nghiệp. Ngoài những bài viết trong không gian lễ hội cảm nhận được, tôi vẫn thường có những bài viết khác trong những lần lang thang đi vào ngõ ngách phố… Tôi vẫn nói đùa với bạn bè đó là tiền, bởi mỗi bài viết phát hiện đều có giá trị khác nhau khi được đăng báo.

Đi lễ hội là tìm cảm xúc, là niềm vui hòa trộn. Ngoài những điều đó, nhà báo còn có trách nhiệm thông tin trung thực điều mình chạm gặp.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG