Hàn - Triều chạy đua tháo ngòi nổ chiến tranh

Thứ ba, 25/08/2015 07:10

(Cadn.com.vn) - Seoul ngày 24-8 tỏ ra cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng trong bối cảnh cả hai miền Triều Tiên vẫn chạy đua với thời gian để đi đến một thỏa thuận nhằm tránh khỏi bế tắc của hành động quân sự nguy hiểm.

Các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều đã bước sang ngày thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu đột phá nào trên bàn đàm phán quan trọng lần này.

Theo AFP, trong khi Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên trước tiên phải xin lỗi vì vụ nổ mìn ở Khu phi quân sự (DMZ), Bình Nhưỡng vẫn duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao bằng việc điều động binh sĩ và tàu ngầm đến khu vực biên giới. Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, khoảng 50 trong số 77 tàu ngầm quân sự của Triều Tiên rời các căn cứ quân sự ở Hoàng Hải, biển Nhật Bản song hiện quân đội Hàn Quốc chưa xác định được vị trí các tàu ngầm này. “Miền Bắc đang áp dụng lập trường hai mặt với các cuộc đàm phán đang diễn ra”, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - người mô tả quy mô triển khai tàu ngầm là “chưa từng có” - tuyên bố.

Tình hình căng thẳng khiến Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh ra thông báo khuyến cáo công dân nước này không nên đi du lịch đến khu vực biên giới Trung - Triều.

Binh sĩ Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao tại làng đình chiến Panmunjom
hôm 24-8. Ảnh: AFP 

Hàn Quốc đòi Triều Tiên xin lỗi

Không khí khá mệt mỏi tại làng đình chiến Panmunjom đang khiến Hàn Quốc mất dần kiên nhẫn. Tổng thống Park Geun-Hye khăng khăng đòi Triều Tiên phải có cử chỉ chân thành hối lỗi do gây ra vụ nổ mìn hồi đầu tháng 8 khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng.

“Triều Tiên cần có lời xin lỗi rõ ràng... và đảm bảo không có bất kỳ hành động nào khiêu khích thêm”, bà Park tuyên bố tại cuộc họp với các cố vấn hàng đầu. Bà chủ Nhà Xanh tuyên bố: “Nếu không, Seoul sẽ tiếp tục chương trình phát sóng tuyên truyền qua biên giới chống Bình Nhưỡng và áp dụng các biện pháp thích hợp”. Bà Park duy trì những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền và quyết định mở lại chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới vốn tạm dừng trong thập kỷ qua. Tức giận, Bình Nhưỡng nã đạn pháo về phía Hàn Quốc khiến Seoul đáp trả bằng loạt đạn pháo - sự việc đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực xung đột vũ trang.

Triều Tiên cho đến nay vẫn phủ nhận liên quan đến vụ nổ mìn ở DMZ và các nhà phân tích cho rằng, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ không bao giờ xin lỗi cho những việc mà họ không thừa nhận đã làm. “Tổng thống Park biết rõ điều này. Đó là điều khó khăn”, Yang Moo-Jin, một giáo sư tại trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cho biết.

Cả khu vực lo ngại

Khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đang khiến các nước trong khu vực lo ngại. Trung, Nhật kêu gọi các bên kiềm chế trong khi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon mong muốn liên Triều “nhân đôi” những nỗ lực đạt một thỏa thuận. Theo tờ DongA của Hàn Quốc, Bắc Kinh điều động xe tăng và xe bọc thép đến khu vực giáp biên giới Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ, vốn có gần 30.000 binh sĩ đồn trú vĩnh viễn ở Hàn Quốc, cam kết sẽ bảo vệ đồng minh quan trọng ở Châu Á. Lầu Năm Góc hôm 24-8 công bố báo cáo cho biết, Washington tăng cường tập trận chống tàu ngầm và diễn tập tác chiến trên biển với Seoul trong cuộc tập trận thường niên “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng non”, nhằm bảo vệ Seoul hữu hiệu hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Thậm chí, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul và Washington đang xem xét việc triển khai “tài sản quân sự chiến lược của Mỹ” đến bán đảo Triều Tiên đề phòng trường hợp Bình Nhưỡng có thêm hành động khiêu khích quân sự. Theo các nguồn tin, “tài sản quân sự chiến lược” ở đây được cho là máy bay ném bom B52 và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.  Vì vậy, bất kỳ động thái gây hấn nào trên bán đảo này đều có nguy cơ bùng nổ thành xung đột quân sự. Các cuộc đàm phán marathon đang diễn ra phản ánh thực trạng nguy hiểm mà Hàn-Triều phải đối mặt. Giới phân tích cho rằng, tất nhiên, để mang hòa bình đến bán đảo Triều Tiên, các nhà lãnh đạo cần có một quyết định  táo bạo.

Khả Anh