Bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh

Thứ bảy, 22/08/2015 09:23

(Cadn.com.vn) - Bán đảo Triều Tiên đang ở trong “chảo lửa” có nguy cơ bùng cháy bất kỳ lúc nào sau khi Bình Nhưỡng ra tuyên bố sẵn sàng chiến tranh.

Sau cuộc đối đầu nguy hiểm nhất với Hàn Quốc trong nhiều năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un ra lệnh cho binh sĩ ở tiền tuyến sẵn sàng chiến đấu và bước vào tình trạng “bán chiến tranh”, bắt đầu từ 17 giờ (giờ địa phương) ngày 21-8.

Tại  Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-Hye quyết định hủy tất cả các chương trình đối ngoại đã được lên kế hoạch để tập trung đánh giá tình hình. Việc đánh bắt cá tại khu vực quanh 3 hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển phía tây Hàn Quốc đã tạm dừng. Hầu hết trong số gần 800 người Hàn Quốc được lệnh sơ tán sau vụ đấu pháo đã trở về. Theo AP, còn khoảng 60 người dân ở thị trấn Yeoncheon - nơi trúng đạn pháo Triều Tiên - vẫn còn trong hầm ngầm.

Trong khi đó, thủ đô Bình Nhưỡng vẫn hoạt động bình thường mặc dù các đoàn xe đi khắp các con phố tuyên truyền thông điệp: đất nước đang ở trong tình trạng “bán chiến tranh”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un họp khẩn với Quân ủy Trung ương hôm 21-8.
Ảnh: Reuters/KCNA

Triều Tiên tuyên bố tình trạng “bán chiến tranh”

Tại cuộc họp khẩn mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 21-8, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un lệnh cho khu vực tiền tuyến phải ở trong tình trạng như có chiến tranh, đồng thời yêu cầu các lực lượng phải được vũ trang đầy đủ để đối phó với bất kỳ động thái nào của đối phương, tại bất kỳ thời điểm nào. Một kế hoạch tác chiến của bộ chỉ huy tiền phương cũng đã được phê duyệt tại cuộc họp này.

Lần đầu tiên kể từ năm 2010 - khi Triều Tiên nã đạn pháo nhắm hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc trong năm 2010 giết chết 4 người - quốc gia miền Bắc sử dụng thuật ngữ “bán chiến tranh” như thế này. Giới phân tích cho rằng, “bản chất chính xác của tối hậu thư này có gì đó khác thường”, cho thấy “sự quyết liệt” của chính quyền ông Kim Jong-Un. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một chuyên gia quân sự cho rằng, sự hiện diện quy mô lớn của các binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc để tập trận chung thường niên có thể giúp làm giảm nguy cơ leo thang chiến tranh. “Đây là thời điểm quá xấu để Bình Nhưỡng chiến tranh với Seoul bởi Hàn Quốc đang có Mỹ”, một chuyên gia nhận định. Nhiều người cho rằng, việc liên Triều cho biết không có thương vong hay thiệt hại gì sau vụ đấu pháo hôm 20-8 cũng là dấu hiệu cho thấy cả hai không muốn leo thang chiến tranh.

Nhưng người ta vẫn lo ngại, nếu Hàn Quốc không ngừng chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, hậu quả có thể sẽ nặng nề hơn. Mỹ, hiện đồn trú 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc, cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình. LHQ, Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều nước khác cùng bày tỏ quan ngại trước tình hình đang trở nên tồi tệ giữa Hàn-Triều và đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến.

Hàn Quốc thề đáp trả mạnh mẽ

Tuyên bố sẵn sàng chiến tranh được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng ra tối hậu thư yêu cầu Seoul phải ngừng ngay lập tức chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới, hạn chót là vào 17 giờ ngày 22-8, nếu không muốn đối mặt với hành động quân sự. Yonhap hôm 21-8 dẫn nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết, có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm ngắn.

Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 21-8, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-joo khẳng định, chương trình phát sóng sẽ tiếp tục trừ khi Triều Tiên nhận trách nhiệm và xin lỗi về vụ nổ mìn ở Khu phi quân sự (DMZ) vốn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Trong khi đó, Nhà Xanh cũng ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Park ra lệnh cho quân đội giáng trả Triều Tiên một cách mạnh mẽ nếu bị khiêu khích thêm lần nữa. Trong chuyến thăm bất ngờ đến một căn cứ quân sự quan trọng gần thủ đô Seoul, bà chủ Nhà Xanh cũng chỉ thị cho quân đội duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Bà Park nhấn mạnh, Seoul sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích nào của Bình Nhưỡng đe dọa sự an toàn của binh sĩ và người dân.

Do cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải một hiệp ước hòa bình, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên luôn là điều xa xỉ. Và cuộc đụng độ mới nhất lần này là đòn giáng nặng nề vào những nỗ lực của Tổng thống Park trong việc cải thiện quan hệ hai miền Bắc-Nam. Bình Nhưỡng thật sự nổi giận khi Seoul mở lại chương trình tuyên truyền chống miền Bắc từ loa phóng thanh trên biên giới - chiến thuật có từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng đã tạm dừng trong hơn 1 thập kỷ qua.

Khả Anh