Hậu quả nặng nề từ cuộc bạo loạn ở Pháp

Thứ sáu, 07/07/2023 09:42
Cái chết của thanh niên trẻ 17 tuổi gốc Algeria Nahel M. do bị cảnh sát bắn vì vi phạm luật giao thông và không tuân thủ lệnh dừng lại vào ngày 27-6 ở thành phố Nanterre, đã khiến nước Pháp rơi vào tình trạng bạo loạn chưa từng có. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 5-7 tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt. Phát biểu trước Thượng viện Pháp, Bộ trưởng Darmanin nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến sự yên tĩnh trở lại trên khắp nước Pháp". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Bộ Nội vụ Pháp vẫn đang duy trì mức độ cảnh giác cao. Mười ngày sau khi xảy ra thảm kịch, dù tình hình đã tạm lắng, nhưng thiệt hại cả về vật chất và tinh thần là không thể đong đếm, trong khi ngọn lửa thù hận vẫn âm ỉ có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không có giải pháp triệt để.

Thiệt hại kinh tế nặng nề

Cho đến nay, thiệt hại gây ra từ những cuộc bạo loạn ở các thành phố của Pháp đã bắt đầu được tính toán. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, khoảng 5.900 phương tiện đã bị đốt, hơn 1.100 tòa nhà, công cộng và tư nhân, đã bị cháy hoặc phá hoại, trong đó có gần 250 trường học, 150 bưu điện, 370 chi nhánh ngân hàng, chưa kể các trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, nhà cộng đồng... Bộ Nội vụ cũng đã ghi nhận có ít nhất 270 vụ tấn công vào các đồn cảnh sát, lữ đoàn hiến binh, trong đó riêng ở vùng Ile-de-France, có đến 36 đồn cảnh sát và 18 tòa thị chính bị đốt phá. Theo tuyên bố của Hiệp hội các thị trưởng Pháp, bạo lực đã nhắm cả vào "các biểu tượng của nền Cộng hòa như tòa thị chính, trường học, thư viện, đồn cảnh sát".

Ngày 4-7, Nghiệp đoàn Giới chủ (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp - ước tính làn sóng biểu tình bạo loạn bùng phát từ tuần trước ở nước này đến nay đã gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD. Theo MEDEF, 200 cơ sở kinh doanh, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá đã bị cướp phá, gây thiệt hại 1,1 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm thiệt hại đối với trường học, tòa thị chính và trung tâm cộng đồng. Người đứng đầu MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux đánh giá mức độ thiệt hại có thể sẽ gia tăng do lượng đặt phòng khách sạn dự báo giảm vào mùa hè năm nay vì lo ngại tình hình bạo loạn. Bạo loạn cũng làm hình ảnh nước Pháp xấu đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Những thiệt hại kinh tế này đang trở thành áp lực đè nặng lên các cơ quan chức năng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ sớm thông qua dự thảo "Luật khẩn cấp" nhằm đẩy nhanh quá trình tái thiết sau khi các tòa nhà, vật dụng trên đường phố và phương tiện giao thông bị phá hủy. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire để ngỏ khả năng hủy bỏ các khoản đóng góp xã hội hoặc thuế cho các công ty bị ảnh hưởng bởi các cuộc bạo loạn vừa qua.

Theo Florence Lustman, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm France Assureurs, đã có 5.800 yêu cầu bồi thường do các cá nhân hoặc doanh nghiệp gửi đến các hãng bảo hiểm. Tới nay các công ty bảo hiểm đã chi ít nhất 280 triệu EUR tiền đền bù, trong khi một số lượng lớn các yêu cầu vẫn đang được gửi đến hoặc đang trong quá trình xem xét.

Nguyên nhân sâu xa

Vụ bạo loạn vừa qua cho thấy những rạn nứt xã hội Pháp đã ở mức đáng báo động và hệ quả của nó là khó lường.

Theo giới quan sát, nguồn gốc sâu xa của các vấn đề xã hội này chính là tình trạng nhập cư khó kiểm soát. Pháp là một trong những quốc gia châu Âu có lượng người nhập cư lớn nhất. Vụ việc thiếu niên bị cảnh sát bắn chết rõ ràng phản ánh sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập. Nhưng những gì đang diễn ra ở Pháp dường như không phải là sự cố cá biệt mà phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội của Pháp. Cơ quan giám sát nhân quyền Liên hợp quốc cho rằng, vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân sâu xa khiến bạo lực leo thang. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khoảng một phần ba những người biểu tình bị bắt đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 17. Theo lãnh đạo nước Pháp, điều này cho thấy Internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh-thiếu niên. Chính phủ Pháp đã yêu cầu các nhà quản lý các nền tảng xã hội phối hợp để xác định những người kêu gọi, kích động bạo loạn trên mạng xã hội, xóa "nội dung nhạy cảm" và kiểm tra chặt chẽ hơn các nội dung được xuất bản.

Lời cảnh tỉnh cho toàn châu Âu

Cuộc bạo loạn ở Pháp có thể là điềm báo cho các cuộc biểu tình rầm rộ ở các nước láng giềng châu Âu khác, nơi có nhiều người nhập cư sinh sống.

Pháp và nhiều nước châu Âu khác đã tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư và tị nạn từ các nước đang phát triển trong những thập kỷ qua. Các chuyên gia cho biết điều này đã gây ra căng thẳng giữa những người có nguồn gốc văn hóa, sắc tộc và tôn giáo khác nhau, cũng như căng thẳng giữa cảnh sát và người nhập cư ở nhiều nước phương Tây. Làn sóng bạo loạn gần đây đã nêu bật các vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu về chủng tộc và người nhập cư ở Pháp, cũng như là thực tế rằng các nước châu Âu đang được hưởng lợi từ lao động nhập cư đã không đủ sát sao để giúp nhóm này hòa nhập với xã hội.

Hậu quả của chúng thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế châu Âu đang trải qua đà suy thoái nghiêm trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhiều nhà phân tích cho biết việc một số chính phủ châu Âu không thể kích thích nền kinh tế, khi họ tiếp tục "tiếp lửa" cho cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng cách gửi vũ khí đến Ukraine, cũng làm trầm trọng thêm sự tức giận của công chúng, vốn được trút vào các cuộc bạo loạn đang diễn ra. Các nhà phân tích cho biết giá năng lượng tăng cao, tình hình an ninh và môi trường kinh doanh ngày càng tồi tệ đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự tức giận của tầng lớp thấp hơn, chủ yếu là người nhập cư từ các nước Arab và châu Phi. Do đó, theo giới quan sát, chỉ cần một tia lửa cũng có thể làm nổ thùng thuốc súng. Và không chỉ ở Pháp, mà ở nhiều quốc gia châu Âu khác bao gồm Đức, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan và Thụy Sĩ, những quốc gia đều có chung mối thách thức.

AN BÌNH