Hệ quả tất yếu!
(Cadn.com.vn) - Các nhân viên ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 18-11 bắt đầu giải tỏa một phần trại biểu tình của sinh viên vốn làm chính quyền đặc khu khốn đốn gần 2 tháng qua.
Động thái này được thực hiện theo lệnh của một tòa án Hồng Kông, vốn ra phán quyết hạn chế đối với người biểu tình, yêu cầu họ giải tán khỏi khu mặt tiền tòa nhà CITIC cao 33 tầng ở quận trung tâm Admiralty và phán quyết khác nhằm vào khu vực biểu tình thứ 2 ở quận Mong Kok theo yêu cầu của những tài xế taxi và xe buýt.
Tại các khu trung tâm này, các chấp hành viên đọc lệnh của tòa án và yêu cầu mọi người rời khỏi các điểm biểu tình. Ngay sau đó, khoảng 10 công nhân được các chủ sở hữu bất động sản thuê, bắt đầu sử dụng kéo để cắt những đoạn dây kết nối những rào cản xung quanh tòa nhà 33 tầng CITIC. Khoảng 100 nhân viên cảnh sát đứng bảo đảm an ninh xung quanh.
Điều bất ngờ là hàng trăm người biểu tình đứng nhìn, thậm chí có người còn giúp đỡ việc gỡ bỏ chướng ngại vật, mà không can thiệp hoặc phản kháng gì mặc dù các lãnh đạo sinh viên có tranh luận với các chấp hành viên. Nhiều người cho rằng, có thể người biểu tình lo sợ bị bắt giữ và bị phạt nặng theo lệnh của tòa án nếu kháng cự. Bởi trước đó, cảnh sát Hồng Kông tuyên bố đã "sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ tối đa cho các chấp hành viên thực hiện các lệnh của tòa án".
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng cho thấy, làn sóng biểu tình đang dần lụi tàn và mất phương hướng trong bối cảnh tỷ lệ người ủng hộ phong trào đòi dân chủ giảm mạnh. Theo thăm dò mới nhất, hơn 2/3 người dân muốn người biểu tình chấm dứt việc chiếm đóng đường phố tại các khu phố chính ở trung tâm tài chính Châu Á này, diễn biến chứng tỏ những tác hại nặng nề do làn sóng biểu tình gây ra.
Hồng Kông trở về với Trung Quốc vào năm 1997, theo chính sách "một quốc gia, hai chế độ", theo đó, trao thêm quyền tự chủ cho người dân đặc khu này. Bắc Kinh cũng đã hứa về một cuộc bầu cử dân chủ đối với vị trí Trưởng đặc khu Hồng Kông vào năm 2017 và Hội đồng lập pháp sau năm 2020. Tuy nhiên, căng thẳng nổ ra giữa "hai mẹ con" khi trong tuyên bố gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rõ, họ sẽ chỉ chấp nhận các ứng cử viên được Bắc Kinh phê duyệt tham gia bầu cử.
Nhưng rồi, như một hệ quả tất yếu theo như cách nói của một chuyên gia phân tích vấn đề Hồng Kông, việc dỡ bỏ trại biểu tình và từng bước đẩy lùi người biểu tình là kết cục được dự đoán của một phong trào không hợp pháp, không được lòng dân.
Thanh Văn