Hezbollah - Israel giao tranh dữ dội giữa lo ngại xung đột lan rộng

Thứ ba, 24/09/2024 09:28

Israel và phong trào Hezbollah của Lebanon đã cảnh báo leo thang các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào nhau, bất chấp lời kêu gọi của quốc tế tránh làm xung đột lan ra toàn khu vực.

Khói bốc lên sau khi Israel không kích làng Aramti, miền nam Lebanon ngày 23-9. Ảnh: AFP
Khói bốc lên sau khi Israel không kích làng Aramti, miền nam Lebanon ngày 23-9. Ảnh: AFP

Giao tranh vẫn tiếp diễn

Ngày 23-9, Quân đội Israel (IDF) đã phát động đợt tấn công mới nhằm vào lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết quân đội đã tiến hành các cuộc tấn công mới vào các địa điểm của Hezbollah từ sáng 23-9 và "các cuộc tấn công sẽ tiếp tục trong tương lai gần". Ông nhấn mạnh quân đội Israel khuyến cáo người dân ở các ngôi làng Lebanon nằm trong và gần các tòa nhà và khu vực mà Hezbollah sử dụng cho mục đích quân sự lập tức di chuyển vì sự an toàn của chính họ.

Thông tin việc Israel phát đi cảnh báo cũng đã được hãng thông tấn chính thức của Lebanon xác nhận, theo đó người dân ở Beirut và một số khu vực đã nhận được tin nhắn cảnh báo qua điện thoại cố định có nguồn gốc từ Israel, yêu cầu họ nhanh chóng sơ tán khỏi nơi đang sống. Văn phòng Bộ trưởng Thông tin Ziad Makary cũng đã nhận được một cuộc gọi điện thoại cố định và khi nhân viên trả lời, có một "tin nhắn được ghi âm" yêu cầu họ phải sơ tán. Đây là lần đầu tiên quân đội Israel phát đi cảnh báo như vậy đối với người dân Lebanon kể từ bùng phát xung đột tại Gaza. Lực lượng Hezbollah cho biết các vụ tấn công của mình vào Israel là hành động hỗ trợ lực lượng Hamas.

Trước đó, hôm 22-9, các máy bay chiến đấu của Israel đã tiến hành đợt không kích mạnh mẽ nhất trong gần một năm qua trên khắp miền Nam Lebanon, nhằm vào 290 mục tiêu quân sự của nhóm Hezbollah, gồm hàng nghìn nòng súng phóng tên lửa. Theo tờ Wall Street Journal ngày 23-9, trong bối cảnh căng thẳng leo thang dọc biên giới với Lebanon, Israel đã đưa ra tối hậu thư ngầm nhằm buộc Hezbollah phải rút quân ra khỏi khu vực này. Thông qua những cuộc tấn công liên tiếp vào cơ sở hạ tầng, lãnh đạo và lực lượng của Hezbollah, Israel đang tận dụng lợi thế quân sự và tình báo của mình để tạo áp lực. Lựa chọn cho Hezbollah rõ ràng: hoặc di chuyển khỏi biên giới Israel, hoặc đối mặt với một cuộc chiến toàn diện.

Tại căn cứ Tel Hanof của Không quân Israel, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi cam kết sẽ tấn công Hezbollah cho đến khi lực lượng này hiểu rằng không thể ngăn hàng chục nghìn người Israel trở về nhà của họ ở phía Bắc. Tướng Halevi nhấn mạnh: "Cái giá mà Hezbollah phải trả đã tăng lên, chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc tấn công. Chúng tôi sẽ đưa người dân trở về nhà an toàn, và nếu Hezbollah vẫn chưa hiểu điều này, họ sẽ phải chịu thêm nhiều đòn nữa, cho đến khi hiểu ra". Người đứng đầu IDF cũng cảnh báo rằng Israel có nhiều năng lực mà nước này vẫn chưa kích hoạt và đang ở mức độ sẵn sàng rất cao trong cả tấn công và phòng thủ.

Ngày 22-9, Phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem tuyên bố phong trào này đang ở "giai đoạn mới" trong cuộc chiến chống Israel. Phát biểu tại lễ tang một thành viên cấp cao của Hezbollah mới thiệt mạng do cuộc không kích của Israel, ông Qassem lên án các cuộc tấn công gần đây của Israel vào Lebanon. Ông Qassem tuyên bố Israel đã phạm phải "tội ác chiến tranh khiến chúng tôi đau đớn" và kết quả là "một trận chiến không giới hạn" đã bắt đầu. "Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới mang tên "Trận chiến tính sổ". Các mối đe dọa sẽ không ngăn được chúng ta... Chúng ta hiện sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống quân sự", CNN dẫn lời ông Qassem nhấn mạnh.

Cuộc tấn công đáp trả của Hezbollah vào rạng sáng 22-9 có vẻ là đợt tấn công mạnh mẽ nhất kể từ khi các cuộc đối đầu tại biên giới Israel-Lebanon bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái. Nhóm này cho biết họ đã nhắm vào căn cứ không quân Ramat David ở đông nam Haifa cùng với cơ sở công nghiệp quân sự Rafael phía bắc Haifa. Hezbollah cho biết đã sử dụng các tên lửa mới mang tên Fadi-1 và Fadi-2, được cho là tên lửa tầm trung. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Hezbollah sử dụng vũ khí ngoài kho tên lửa tầm ngắn của mình. Nhóm này hy vọng sẽ khôi phục được một phần sức mạnh răn đe của mình và buộc Israel chấm dứt "giai đoạn mới" trong cuộc chiến với họ.

Nguy cơ Lebanon trở thành Gaza thứ 2

Các cường quốc trên thế giới đã hối thúc Israel và Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon kiềm chế leo thang xung đột. Trên kênh truyền hình CNN, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về "khả năng Lebanon trở thành một Gaza khác". Theo ông Guterres, cả Israel và Hamas đều không quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn để kết thúc xung đột ở Gaza. Đó là bi kịch vì đây là cuộc chiến cần phải chấm dứt. Trên mạng xã hội X, điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Lebanon Jeanine Hennis-Plasschaert cảnh báo rằng khu vực Trung Đông đang "ở bên miệng hố của một thảm họa sắp xảy ra" và không có giải pháp quân sự nào có thể đảm bảo an toàn cho cả hai bên.

Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống nước này Joe Biden nói rằng Mỹ đang "nỗ lực mạnh mẽ" và sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn trong khu vực Trung Đông.

Iran cấm vệ binh sử dụng thiết bị liên lạc

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã ra lệnh cho toàn bộ thành viên ngừng sử dụng các thiết bị liên lạc, sau vụ việc máy nhắn tin, bộ đàm phát nổ hàng loạt tại Liban gây thương vong lớn.

Đây là thông tin do hai quan chức an ninh cấp cao của Iran chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 23-9. Một trong hai quan chức này cho biết IRGC đang tiến hành chiến dịch quy mô lớn để kiểm tra mọi thiết bị, không chỉ dừng lại ở thiết bị liên lạc. Theo quan chức này, hầu hết các thiết bị do thành viên IRGC sử dụng đều được sản xuất trong nước, hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga. Bên cạnh đó, lực lượng IRGC hiện sử dụng mã hóa đầu cuối trong hệ thống nhắn tin.

Động thái diễn ra sau khi hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah, nhóm vũ trang Hồi giáo được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, bất ngờ đồng loạt phát nổ trong các ngày 17, 18-9, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và hơn 3.000 người khác bị thương. Trong khi Hezbollah và Lebanon cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công thì Israel đã phủ nhận liên quan đến vụ việc.

AN BÌNH

Thực hư việc Israel đã can thiệp vào máy nhắn tin do Hezbollah đặt hàng

Theo tờ New York Times, Israel đã can thiệp vào các thiết bị liên lạc mà Hezbollah đặt hàng sản xuất riêng từ một vùng lãnh thổ châu Á, sau khi xảy ra vụ hàng loạt máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon ngày 17-9 khiến hàng nghìn người thương vong.

Vì sao máy nhắn tin của Hezbollah phát nổ hàng loạt?

Hàng loạt giả thuyết xuất hiện sau vụ máy nhắn tin của Hezbollah nổ liên tiếp tại Lebanon làm gần 3.000 người thương vong, trong khi Israel bị nghi ngờ đứng sau vụ việc.

Hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ gây thương vong lớn, Hezbollah đổ lỗi cho Israel

Nhóm chiến binh Hezbollah thề sẽ trả đũa Israel sau khi cáo buộc nước này kích nổ máy nhắn tin trên khắp Lebanon ngày 17/9, giết chết 9 người và làm bị thương hơn 2.700 người khác, bao gồm cả các chiến binh và phái viên của Iran tại Beirut.