Hoang tàn Di tích Văn Miếu Bình Định

Thứ sáu, 08/01/2016 10:21

(Cadn.com.vn) - Năm 2006, Văn Miếu Bình Định được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh; nhưng hiện nay, dấu tích còn lại của Di tích chỉ gồm một tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư, một tượng sư tử trong tư thế ngồi không còn nguyên vẹn và một nhà bia bị cây dại phủ đầy. Ngành chức năng cần sớm đưa ra biện pháp duy tu, bảo tồn Di tích Văn Miếu Bình Định, tránh Di tích trở thành phế tích và bị lãng quên theo thời gian.

Tấm bình phong còn sót lại tại Văn Miếu Bình Định.

Một thời vang bóng

Theo các cứ liệu lịch sử, vào năm 1802 - năm Gia Long thứ nhất, Văn Thánh Miếu tỉnh Bình Định (dân gian thường gọi là Văn Thánh hoặc Văn Miếu) được xây dựng tại thôn Vĩnh Lại, xã Nhơn Thành - nay là khu vực Vĩnh Phú, P.Nhơn Thành, thị xã An Nhơn (Bình Định). Sau đó, Văn Miếu trải qua 2 lần trùng tu vào năm 1829 và năm 1933. Trước năm 1945, Văn Miếu đặt dưới sự cai quản của một tổ chức Hội do Tổng đốc Bình Định chỉ định và được giao làng, xã quản lý. Văn Miếu có quy mô rộng lớn gồm ba tòa, mỗi tòa ba gian hai chái; khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường đá ong. Tòa chánh thờ đức Khổng Tử cùng các Chư Hiền; phía Tây thờ đức Khải Thánh (thân sinh đức Khổng Tử). Tòa phía Đông thờ các tiên Nho. Miếu xoay mặt hướng Nam, trước có bình phong, ba biểu và cổng Tam Quan.

Ngoài việc thờ phụng, Văn Miếu Bình Định còn là nơi vinh danh cho kẻ sĩ bằng việc tuyên dương các nhà khoa bảng địa phương. Văn Miếu có bảng sơn son thếp vàng đề danh những người trong tỉnh đỗ đạt qua khoa cử được gắn trên vách trong gian Tiền đường. Vào ngày tế Văn Miếu-ngày Đinh của tháng 2 và tháng 8 hàng năm; đến năm 1886, Lễ tế chỉ diễn ra vào tháng 2 hàng năm do quan tổng đốc đứng chủ tế, cùng đông đảo quan viên lớn nhỏ tập trung về hành lễ. Xa giá quan viên nườm nượp đổ về, đến trước hai nhà bia và cổng Tam Quan thì dừng lại. Các quan ngồi ngựa thì xuống ngựa, ngồi kiệu thì hạ kiệu, mũ cao áo dài đi bộ chỉnh tề vào cổng miếu.

Ngoài ra, ngày xưa, cứ 3 năm một lần, tại Văn Miếu Bình Định lại tổ chức lệ "hát Văn Miếu". Các nghệ sĩ hát bội ở các gánh hát căn cứ vào kịch mục sẽ diễn mà đăng ký nghệ sĩ thủ vai. Hội đồng quản trị Văn Miếu sẽ sắp xếp, chỉ định vai vế vở diễn, ai diễn trước, ai diễn sau. Kết thúc cuộc thi, Tổng đốc Bình Định ký bằng ban thưởng danh hiệu Chánh ca hay Phó ca cho các nghệ sĩ đoạt giải cao...

Tượng sư tử trong tư thế ngồi không còn nguyên vẹn tại Văn Miếu Bình Định.

Đừng để thành phế tích

Trải qua hơn 2 thế kỷ với bao thăng trầm thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá, hiện nay, Văn Miếu Bình Định chỉ còn là một phế tích không hơn không kém. Hiện nơi đây là một khu đất rộng thênh thang, tứ phía quây quanh bởi hàng rào tự nhiên với đủ loại cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Ở giữa khu đất trống, ngành chức năng dựng tấm bia di tích ghi lại lịch sử hình thành và giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích. Có lẽ, nếu không có tấm bia này, chẳng ai biết khu vực này trước kia từng tồn tại một công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Dấu tích của Văn Miếu còn sót lại bên trong khu đất chỉ là một tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư có chiều dài 2,85m, cao 2,98m; một tượng sư tử trong tư thế ngồi không còn nguyên vẹn; một nhà bia đề chữ "Khuynh cái hạ mã" ở trước cổng. Theo hồi ức của nhiều cụ ông, cụ bà hiện đang sinh sống tại khu vực Vĩnh Phú, Văn Miếu được xây dựng nguy nga, hoành tráng. Trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào các dịp Lễ tế, khu vực này rất nhộn nhịp, đông đảo người dân nhiều nơi kéo về chiêm ngưỡng, cúng bái. Đến thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, cũng như qua các trận tàn phá của bom đạn chiến tranh, Văn Miếu bị phá hủy, đổ nát, rồi dần dần trở nên hoang tàn như hiện nay.

Nhà bia đề chữ "Khuynh cái hạ mạ" bị cây dại phủ kín.

Ông Bùi Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND P. Nhơn Thành, cho biết: Những kiến trúc còn sót lại tại Di tích Văn Miếu Bình Định hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được ngành chức năng quan tâm sửa chữa, bảo tồn. Ở góc độ địa phương, UBND phường Nhơn Thành đã kiến nghị Phòng Văn hóa - thông tin thị xã An Nhơn xác định mốc giới, xây tường rào bảo vệ, cũng như có phương án bảo tồn, phục chế Di tích để vừa giữ gìn công trình có ý nghĩa lịch sử, vừa phục vụ khách tham quan du lịch. Còn bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng VHTT thị xã An Nhơn, thẳng thắn nhìn nhận: Nếu không sớm có biện pháp bảo tồn thì Di tích Văn Miếu Bình Định rất có nguy cơ trở thành phế tích. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn, trùng tu đạt kết quả thì cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị. Trước mắt, địa phương phối hợp với ngành chức năng liên quan xác định mốc giới và khoanh vùng bảo vệ nhằm không để xảy ra tình trạng người dân xâm lấn vào diện tích đất thuộc phạm vi Di tích. Về lâu dài, địa phương mong ngành VH-TT&DL và UBND tỉnh tìm ra biện pháp bền vững để gìn giữ, bảo tồn Di tích. Trong khi đó, theo ý kiến của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di tích, nguyên tắc của việc trùng tu, phục dựng lại di tích là dựa trên cơ sở khoa học chính xác. Thế nhưng, hiện Văn Miếu Bình Định gần như đã đổ nát hoàn toàn; lại không còn hình ảnh hay bản vẽ nào nên việc trùng tu, phục dựng rất khó khăn. Do vậy, trước mắt cần giữ gìn, bảo tồn những kiến trúc gốc còn sót lại của Văn Miếu; tránh để các kiến trúc bị hư hỏng, biến dạng.

Cỏ và cây dại mọc um tùm tại khu vực Văn Miếu.

Về lâu về dài, ngành chức năng của tỉnh cần nghiên cứu, tìm phương án tối ưu nhất để gìn giữ, phát huy ý nghĩa lịch sử của Di tích Văn Miếu Bình Định. Việc làm này không chỉ mang mục đích bảo tồn di tích mà còn phát huy ý thức khuyến học đến từng dòng họ, từng gia đình nhằm nuôi dưỡng ý chí hiếu học của các thế hệ sau.

C.Văn

Tháng 12-2005, UBND tỉnh Bình Định cùng các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức họp bàn vấn đề khoanh vùng quy định khu vực bảo vệ Di tích Văn Miếu Bình Định. Theo đó, khu vực bảo vệ I gồm Di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành Di tích có diện tích 5.680m2. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I có diện tích 9.600m2. Tháng 1-2006, UBND tỉnh Bình Định chính thức xếp hạng Văn Miếu Bình Định là di tích lịch sử cấp tỉnh.