Hồi sinh những trái tim (Kỳ 1: Hành trình của những trái tim nhân hậu)

Thứ ba, 03/10/2017 10:21

Vượt qua hành trình không mệt mỏi, những trái tim nhân hậu trên mọi chân trời đã chắp cánh ước mơ cho bao hoài bão tốt đẹp của những em không may mắc bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Để rồi, từ  “trái tim khuyết”, các em đã có được trái tim lành lặn, khỏe mạnh và tự tin nở nụ cười tươi sáng trên môi, cùng nô đùa, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa...

Các em được hỗ trợ mổ tim tặng hoa cảm ơn ông Nguyễn Bá Thanh.   Ảnh: Công Khanh

Các em được hỗ trợ mổ tim tặng hoa cảm ơn ông Nguyễn Bá Thanh.   Ảnh: CÔNG KHANH

Từ trái tim đến trái tim

Nhiều trẻ khi vừa mới ra đời, trái tim đã không “lành lặn”, trong đó nhiều em thuộc gia đình khó khăn, không có điều kiện cứu chữa kịp thời nên bệnh tình càng nặng, đe dọa đến mạng sống. Và nhiều em, do mang trái tim dị tật bẩm sinh, bao nhiêu hồn nhiên của tuổi thơ, bao nhiêu mơ ước bình yên và giản dị đã phải xa rời tầm tay. Nhiều gia đình lo chạy chữa cho các em, đã lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, nợ nần, phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề và trong nhà luôn thiếu vắng tiếng cười đùa con trẻ. Mọi vất vả, lo toan từ đó đè nặng lên đôi vai gầy của người cha, người mẹ khi có con bị dị tật tim bẩm sinh. Đặc biệt, nhiều gia đình vì quá nghèo nên chỉ biết ôm con khóc, chờ đợi một phép mầu...Và phép mầu đã thực sự đến với những gia đình bất hạnh, với những “trái tim khuyết” khi Chương trình “Chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng” (chương trình) chính thức ra đời cách đây 15 năm dưới sự khởi xướng của ông Nguyễn Bá Thanh –Chủ tịch Danh dự Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh (BTPN&TENBH) TP Đà Nẵng lúc đó và sự chung tay của những tấm lòng nhân ái trên mọi miền... Theo ông Trần Chí Thành – Phó Chủ tịch Hội BTPN&TENBH TP Đà Nẵng kiêm Chủ nhiệm chương trình từ năm 2003-2015, trong bước đầu triển khai chương trình, các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa đủ điều kiện về kinh nghiệm và nhân lực trong phẫu thuật bệnh tim cho trẻ em. Vì thế, các em phải đi Hà Nội, TP HCM để phẫu thuật. Gia đình phải đăng ký, chờ đợi thời gian dài mới đến phiên nhập viện. Vì vậy, tổ chức phẫu thuật tim cho các em trong thời điểm này thật khó, chưa có cơ chế giúp các em phẫu thuật. Trước những khó khăn đó, chương trình đã tổ chức thí điểm việc phối hợp giữa BV Đà Nẵng và BV Việt Đức. BV Việt Đức cử Khoa Tim mạch – Lồng ngực phối hợp với BV Đà Nẵng tổ chức khám và thống kê kế hoạch đưa các em ra BV Việt Đức để phẫu thuật. Qua 3 đợt, 45 em đến BV Việt Đức, được GS.TS Lê Ngọc Thành đón, làm thủ tục và bố trí chỗ ở cho gia đình, đưa các em nhập viện, lên kế hoạch phẫu thuật. Đối với những ca phẫu thuật khó, các em nhỏ dưới 3 kg, trẻ sơ sinh chưa đầy tháng tuổi, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao thì GS.TS AHLĐ Bùi Đức Phú đã trực tiếp đứng ra giúp đỡ... Ông Thành nhớ lại: “Đợt đó, các cán bộ Hội BTPN&TENBH TP Đà Nẵng đã cùng vào cuộc để lo liệu toàn bộ việc đưa đón, ăn ở cho các em và gia đình. Đến nơi, các em được đưa ngay vào Khoa Tim mạch - Lồng ngực (BV Việt Đức) và công tác phẫu thuật được tiến hành khẩn trương, chu đáo. Chỉ trong vòng 10 ngày, vết mổ ổn định và các em được xuất viện... Thấy các em sau khi phẫu thuật đều khỏe mạnh, học hành tiến bộ, sinh hoạt và học tập bình thường, những người như chúng tôi khôn xiết vui mừng, kịp thời đúc kết kinh nghiệm để tiến hành các đợt tiếp theo”.



BS Nguyễn Bá Triệu và cán bộ Hội BTPN&TENBH TP khám tầm soát bệnh tim
cho các em trên địa bàn TP Đà Nẵng.  

Hồi sinh trên quê hương

Việc thí điểm chương trình đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức chữa bệnh tim cho trẻ em TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Dần dần, với quyết tâm và tấm lòng nhân ái, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, Khoa Phẫu thuật Can thiệp–tim mạch (BV Đà Nẵng) đã áp dụng công nghệ cao trong phẫu thuật. Em Trần Thị Xuân Yến (1997, trú P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu) là một trường hợp đặc biệt. Năm 2003, đoàn bác sĩ nước ngoài sang khám để phẫu thuật, nhưng sau khám, đoàn kết luận không phẫu thuật được, phải uống thuốc hằng năm. Đầu năm 2012, ê-kíp y, bác sĩ khoa Phẫu thuật can thiệp – Tim mạch BV Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công cho em. Đến nay, sức khỏe của em phát triển tốt. Đây là thành công lớn của BV Đà Nẵng. Đặc biệt, gần đây Khoa Phẫu thuật Can thiệp – Tim mạch đã phẫu thuật cho các cháu sơ sinh và trẻ nhỏ có trọng lượng dưới 4kg, can thiệp cho các trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi dưới 2kg...

Để có nhiều hơn nữa những trái tim bé bỏng bị khiếm khuyết được cứu chữa kịp thời, những tấm lòng nhân hậu của Hội BTPN&TENBH TP Đà Nẵng đã dành nhiều thời gian gặp gỡ trực tiếp các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để vận động từng đồng kinh phí. Bên cạnh đó, Hội BTPN&TENBH TP đã chỉ đạo các quận, huyện hội phối hợp với đội ngũ y, bác sĩ khoa Phẫu thuật Can thiệp - Tim mạch, các Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận/huyện tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em từ 1 đến 20 tuổi... Mỗi lần khám sàng lọc, cảm nhận được vị mặn của những giọt nước mắt, những nỗi đau của người mẹ trẻ, nhịp đập yếu ớt của những trái tim bé bỏng, những ánh mắt thơ ngây, các y bác sĩ đã cùng nhau sát cánh, dốc hết mọi nguồn lực và tâm huyết cùng với cán bộ Hội BTPN&TENBH TP, các chuyên gia, các nhà hảo tâm, tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước cứu chữa những trái tim bé bỏng bị tổn thương...       

Với các quận hội, huyện hội, các trường học và những mảnh đời bất hạnh, hình ảnh BS Nguyễn Bá Triệu và đồng nghiệp đang công tác tại khoa Phẫu thuật Can thiệp – Tim mạch đã quá thân quen. Bởi, họ là người ngày đêm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đến cơ sở  khám sàng lọc và phẫu thuật tim cho những em không may mắn... Ông Huỳnh Văn Hoa – Chủ tịch Hội BTPN&TENBH TP cho rằng: “Nếu không có chữ tâm và trách nhiệm, khó có thể làm việc này. Trong những năm qua, vượt qua mọi khó khăn, các cán bộ Hội đã lặn lội hàng chục cây số để tìm đến gia đình các cháu bị bệnh. Khi đã xác minh, lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục cần thiết cho các cháu, các cán bộ Hội lại phải tìm cho được những bàn tay vàng để cứu các cháu, tìm đến bệnh viện, gặp những bác sĩ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm và có tâm huyết”.

Từ hiệu quả xã hội của chương trình, Hội BTPN&TENBH TP góp phần đưa TP Đà Nẵng trở thành một trong số ít các địa phương đã tầm soát được bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em. “Trong những năm qua, chương trình đã thiết lập được mối quan hệ trách nhiệm giữa Hội với các nhà tài trợ, các y, bác sĩ. Các bệnh viện ưu tiên sử dụng kỹ thuật cao, vật tư y tế tốt nhất trong phẫu thuật, giữ được thẩm mỹ cho các em. Cả tấm lòng vàng của các nhà tài trợ và cái tâm của người thầy thuốc trong chữa trị, đem lại cuộc sống mới cho các em... mới đáng quý biết nhường nào”, ông Huỳnh Văn Hoa khẳng định.

(còn nữa)

LÊ HÙNG