Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà (3)

Thứ năm, 24/12/2015 10:40

* Kỳ 3: "Phép thử" đầu tiên

(Cadn.com.vn) - Phép thử đầu tiên khi Đội 3 đặc công nước vừa đặt chân đến chiến trường Quảng Đà là bằng mọi giá phải đánh sập cầu Thủy Tú-mạch máu giao thông chi viện của địch trên 2 chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng và Bình Trị Thiên. Vì cầu Thủy Tú có vị trí chiến lược quan trọng như vậy nên địch đã bố trí phòng bị cực kỳ kiên cố, đến nỗi còn dõng dạc tuyên bố rằng: Nếu Việt cộng đánh sập cầu Thủy Tú thì nước ở tất cả các sông đều chảy ngược!

Cầu Thủy Tú bị đánh sập năm 1967.

Đầu năm 1967, khi vừa đặt chân đến chiến trường Quảng Đà, tinh thần ai nấy đều phấn chấn.  Trước những lời thách thức ngạo mạn của địch, ai cũng muốn xung phong lên tuyến đầu để nhanh chóng lập công. Sau khi họp bàn, Ban chỉ huy Đội 3 giao nhiệm vụ đánh cầu cho phân đội 1, do đồng chí Huỳnh Tửu làm Chính trị viên, đồng chí Huỳnh Thế Tâm làm Phân đội trưởng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, phân đội triển khai họp chi bộ, họp phân đội xác định quyết tâm, quán triệt yêu cầu và khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh. Đồng chí Nguyễn Sự, Đội phó, đồng chí Sơn, phụ trách khí tài cùng giao liên lập tức lên đường ra cánh bắc, hợp đồng chiến đấu với khu đội 1 Hòa Vang.

Tổ chiến đấu tiến hành công tác nghiên cứu địa hình, địa lợi. Đứng trên núi cao nhìn xuống Đà Nẵng, khu hậu cần của Mỹ chiếm hết vòng cung từ Xuân Thiều đến Bàu Mạc, mái tôn trắng xóa phản chiếu ánh mặt trời đến nhức mắt. Ngoài vịnh Đà Nẵng, tàu bè đi lại như những chấm đen di động, trên quốc lộ, ô-tô các loại ngược xuôi như mắc cửi. Cầu Thủy Tú song song với cầu đường sắt, bắc qua sông Cu Đê như dải lụa mềm uốn lượn từ thượng nguồn trải dài ra cửa biển Nam Ô. Phân đội triển khai trinh sát nắm tình hình. Một mặt thu thập tin tức về tình hình cấu trúc, bố phòng và quy luật hoạt động của địch trên cầu Thủy Tú, mặt khác, phân đội cử 3 trinh sát thực tế từ xa đến gần, từ ngoài vào trong mục tiêu; nắm chắc luồng lạch trên sông, quy luật thủy triều, xác định đường vào và đường rút khỏi mục tiêu sau khi điểm hỏa; theo dõi việc tuần tra, canh gác, bố phòng trên cầu và dưới nước. Qua 4 đêm liền, tổ trinh sát bí mật tiếp cận cách cầu gần 300m để quan sát tình hình. Hai ngày tiếp theo, tổ trinh sát vùi mình trong cát, nằm lại quan sát mục tiêu ban ngày. Sau đó, liên tiếp phân đội mật tập vào mục tiêu, cắt dây thép gai, mở lối để khi đánh đưa khối nổ vào trụ cầu...

Hoàn thành công tác, anh em trinh sát đi đến kết luận: Cầu Thủy Tú dài 320m, cấu tạo xi-măng cốt thép, 12 trụ bê-tông đúc đặc hình hạt xoài (một kết cấu trụ cầu rất khó đánh của đặc công nước). Cách mỗi trụ cầu có 2 bóng đèn công suất lớn, đầu cầu bờ nam có lô cốt boong ke hai tầng. Tầng trên từ mặt đường trở lên có lỗ châu mai đặt súng đại liên bắn quét mặt cầu; tầng dưới đặt đại liên bắn quét ngang mặt nước, đầu cầu bờ bắc có lô cốt chất bằng bao cát và đặt đại liên. Mục đích của địch là khi có động, đại liên hai bên cầu bắn chéo cánh sẻ trên mặt cầu và dưới mặt sông. Cầu do một đại đội lính ngụy canh giữ; về đêm, địch thay nhau tuần tra qua lại trên cầu, thỉnh thoảng bắn và ném lựu đạn xuống gần các trụ cầu đề phòng "người nhái" đột nhập. "Cách bố phòng nói trên cho thấy lời tuyên bố của địch là có cơ sở, đến cả con cá cũng không thoát được nếu phát ra tiếng động trên sông. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chùn bước", Đại tá Phạm Xuân Sanh nhìn nhận.

Đúng 20 giờ ngày 2-4-1967, trận chiến đấu bắt đầu. Sau khi làm lễ "truy điệu sống", đồng chí Nguyễn Sự, lúc đó là đội phó xung phong làm tổ trưởng, cùng hai tổ viên ra trước hàng quân nhận lệnh và hứa quyết thắng. Không khí trước giờ xung trận thật thiêng liêng. Họ ôm choàng ba đồng chí của tổ chiến đấu, mình trần chân đất như để tiếp thêm sinh lực của phân đội và gửi gắm niềm tin thắng lợi trở về. Tổ chiến đấu vẫy tay chào tạm biệt, dìu khối thuốc nổ TNT 100kg ra giữa dòng sông và khuất dần trong màn đêm lạnh. Lúc này, trên quốc lộ, đoàn xe kéo pháo của địch nối đuôi nhau lần lượt qua cầu. Bánh xích sắt xe kéo pháo nghiến xuống mặt cầu phát ra âm thanh rầm rầm rờn rợn hòa trong tiếng nổ động cơ vang động. Toán địch tuần tra đang cụm lại với nhau, tựa vào lan can theo dõi đoàn xe di chuyển, dưới sông, tổ chiến đấu chớp thời cơ, mật tập mục tiêu, bình tĩnh, nhẹ nhàng mở lớp rào dây thép gai đã cắt sẵn, đưa khối nổ vào cố định ở trụ cầu. Tổ trưởng Nguyễn Sự ra hiệu cho 2 tổ viên rút ra trước, còn mình điểm hỏa xong sẽ rút ra sau. Kíp nổ hẹn 30 phút, 2 tổ viên xuôi về phía cửa sông, gặp bộ phận đón và chờ sẵn trên bờ.

"Thời gian như dừng lại. Gần 30 phút trôi qua nhưng chưa thấy đồng chí Sự về. Bỗng một ánh chớp sáng lòa kèm theo là tiếng nổ lớn. Chiếc cầu như dải lụa bỗng chốc đổ sập xuống. Tiếng la hét om sòm, còi báo động rú lên từng hồi như tiếng kêu cấp cứu. Pháo sáng từ các vị trí của Mỹ gần đó thi nhau bắn lên trời, có lẽ chúng sợ bóng đêm sẽ đem cái chết bất ngờ đến với chúng bất cứ lúc nào",... Đại tá Phạm Xuân Sanh nhớ lại. Rạng sáng hôm sau, nghe tin cầu Thủy Tú bị đánh sập, tên trung tá chỉ huy Liên đoàn 10 công binh ngụy đến kiểm tra. Y đứng ngắm nghía hồi lâu, rồi như thất kinh hoảng sợ, trượt chân lộn cổ xuống sông chết chìm theo số phận chiếc cầu và cả tiểu đội tuần tra ngụy lúc cầu đổ sập. Sau trận đánh, đài và báo chí Sài Gòn cũng như phương Tây đưa tin về cầu Thủy Tú, chúng phê phán cả quân lực Việt Nam cộng hòa lẫn lực lượng quân sự Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố: "Miền Trung bị gãy xương sống!".

Trận đánh này của lực lượng đặc công nước đã được Quân khu V biểu dương, khen ngợi là "trận đánh xuất sắc, mở đầu của đội đặc công nước trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng". "Tuy nhiên, đây cũng là trận đánh cuối cùng của người chỉ huy mẫn cán Nguyễn Sự. Máu của anh đã hòa vào dòng sông, như tiếp thêm nguồn sức mạnh cho đặc công nước Quảng Đà lập thêm nhiều chiến công trên chặng đường phía trước", Đại tá Phạm Xuân Sanh bùi ngùi xúc động.

Doãn Hùng
(còn nữa)