Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà (5)

Thứ bảy, 26/12/2015 10:11

* Kỳ 5: Cắt đứt “mạch máu” chi viện của địch

(Cadn.com.vn) - Sau khi Đội 170 được thành lập, dưới sự chỉ huy tài tình của Đội trưởng Phạm Xuân Sanh, liên tiếp các trận đánh lớn được triển khai và thu về kết quả, trong đó có 2 trận đánh sập cầu Câu Lâu, Bà Rén trên QL1A trong đêm 31-3-1970. Riêng cầu Vĩnh Điện, do địa thế chiến lược quan trọng nên địch đã bố phòng rất nghiêm ngặt. Nhiệm vụ đặt ra cho Đội 170 là bằng mọi giá phải đánh sập, cắt đứt mạch máu giao thông chi viện của địch từ Đà Nẵng vào...

“Thủ lĩnh” đặc công nước 170 Quảng Đà, Phạm Xuân Sanh và đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà.

Cầu Vĩnh Điện nằm trên QL1A, cửa ngõ phía bắc, từ Đà Nẵng vào trung tâm hành chính H. Điện Bàn. Ngoài đại đội lính ngụy giữ cầu, tại đây còn có hệ thống đồn bót liên hoàn và khu ấp tân sinh, nhiều đơn vị địa phương quân canh phòng cẩn mật. Về phía thượng nguồn chừng 500m – khu vực tháp An Bằng dọc theo đường tỉnh lộ 609 còn có các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ. Ở địa thế hiểm yếu đó, việc đánh cầu Vĩnh Điện là bài toán nan giải đối với đặc công nước. “Trước đó, trong đợt 1 chiến dịch hè 1970, đội đặc công nước biệt phái phân đội 3 về huyện đội Điện Bàn để phối hợp đánh cầu nhưng chưa đánh được thì một đồng chí đã hy sinh trong khi trinh sát mục tiêu”, Đại tá Phạm Xuân Sanh nhớ lại.

Đầu tháng 5-1970, đợt 2 của chiến dịch hè, các đơn vị chiến đấu của ta đã liên tục đánh bồi vào các quận lỵ, thị xã, thị trấn của địch trên khắp chiến trường Quảng Đà. Bộ chỉ huy Mặt trận 44 lệnh cho Đội 170 phải phối hợp với huyện đội Điện Bàn “đánh sập bằng được cầu Vĩnh Điện”! Mặc dù đơn vị mới vừa đánh xong 2 cầu Câu Lâu, Bà Rén, song Đội vẫn quyết tâm vào cuộc. Xác định đây là mục tiêu khó đánh nên đội trưởng Phạm Xuân Sanh trực tiếp chỉ huy và tổ chức chiến đấu. Là một trong số đồng chí hiếm hoi của Đội 3 còn lại, Phạm Xuân Sanh khá dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Vốn tính tình cởi mở nhưng sau khi nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu hóc búa này, nỗi lo lắng hiện rõ trên nét mặt người chỉ huy. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc thắng, anh lần lượt phân công nhiệm vụ cho từng chiến sỹ; đồng thời, trực tiếp làm việc với huyện đội Điện Bàn để bàn bạc, thống nhất kế hoạch.

Được sự phối hợp, giúp đỡ của huyện đội, sự bao bọc, che chở và cung cấp thông tin của nhân dân, Phạm Xuân Sanh xác định: Nhìn bề ngoài quân Mỹ, ngụy đông đúc, đóng rải khắp nơi, đi đâu cũng đụng đầu nhưng thực chất chúng rất sợ Việt Cộng và đa số chán nản, lao vào cờ bạc rượu chè, thanh lâu tửu quán, một số giải sầu với cần sa ma túy... Trên con đường độc đạo với lưu lượng xe cộ vào Nam ra Bắc, nội ngoại tỉnh đều phải qua đây. Bọn lính giữ cầu lợi dụng việc soát xét Việt Cộng để hạch sách, nhũng nhiễu, ức hiếp hành khách kiếm tiền đút túi; việc canh giữ cầu có nhiều sơ hở, nhất là từ đầu hôm đến khoảng gần nửa đêm tình trạng trên càng nhốn nháo. Đêm 1-5, tối trời nhưng thị trấn Vĩnh Điện và các vị trí địch đóng quân vẫn sáng rõ dưới ánh sáng đèn điện. Từ vị trí trú quân tại Điện An, tổ trinh sát đặc công nước theo chân giao liên và du kích địa phương băng qua cánh đồng đầy cỏ dại, sình lầy, gai góc... tiến đến gần đường tỉnh lộ. Chừng 20 phút sau, bắt được tín hiệu, Tổ chiến đấu vượt qua các trạm canh của địch và tiếp cận bờ sông Vĩnh Điện, cách cầu gần 2km về phía thượng lưu.

Tổ trinh sát nhanh chóng hạ thủy. Dòng sông trôi nhẹ, tổ trinh sát lúc nổi, lúc chìm trong dòng nước êm xuôi, dùng kỹ thuật mật tập vào trụ cầu giữa sông, nhẹ nhàng dùng kìm chuyên dụng cắt lưới thép gai bao quanh trụ cầu, mở lối vào sát trụ cầu để kiểm tra, nghiên cứu. Một vài tốp lính ngụy qua lại tuần tra trong cái ồn ã của xe cộ qua lại, mà không biết rằng phía dưới cầu đang có chuyện gì xảy ra. Mọi việc nhanh chóng hoàn tất, tổ trinh sát rút xuôi về phía hạ lưu bí mật, an toàn. Nhiệm vụ coi như đã hoàn thành một nửa. Tổng hợp kết quả trinh sát, Đội trưởng Phạm Xuân Sanh lập phương án chiến đấu, quyết định đánh cầu với khối nổ 100kg gồm TNT và C4 hỗn hợp. Cái khó nhất của việc lắp ghép khối nổ là 100kg thuốc nổ làm thành 4 khối để dễ dàng vận chuyển, nhưng khi xuất phát chiến đấu thì ghép 4 khối nhỏ thành một khối lớn, làm sao phải đảm bảo kỹ thuật tốt, không để xảy ra tình huống trục trặc khó xử lý cho tổ chiến đấu là một yêu cầu không đơn giản song với quyết tâm cao, anh em đã làm được.

Theo hợp đồng chiến đấu với huyện đội Điện Bàn, lúc 0 giờ 5 phút ngày 4-5-1970, các đơn vị bộ đội địa phương và một số đơn vị phối hợp sẽ đồng loạt nổ súng đánh vào các quận lỵ, các cơ quan hội đồng tề ngụy và một số đồn bót của bọn bảo an trong thị trấn. Ngay lúc đó, đặc công nước sẽ đánh sập cầu Vĩnh Điện, không cho cơ giới chuyển quân ứng cứu.

Cầu Vĩnh Điện ngày nay.

Đêm 4-5-1970, Đội trưởng Phạm Xuân Sanh đưa phân đội do Tổ trưởng Nguyễn Văn Tùy và tổ phó Giang Hồng Mão cùng 2 chiến sỹ tổ viên lên đường vào trận. Đoàn quân đi trong đêm mờ ảo qua những làng xóm chỉ còn dấu vết các bờ tre cháy đen, những khu vườn hoang vắng, qua cánh đồng đầy cỏ dại, lỗ chỗ các hố đại bác đào xới, những vệt dài của bánh xích xe tăng, bọc thép qua các trận chà đi xát lại... Đúng 22 giờ 30 phút, Đội trưởng Sanh ra lệnh xuất quân. Tổ chiến đấu dìu khối nổ ra sông, anh em trên bờ vẫy tay đưa tiễn đến khi họ lẩn khuất trong dòng nước. Đoạn sông phía thượng lưu và hạ lưu cầu Vĩnh Điện không rộng nhưng nước sâu, lưu tốc dòng chảy đã tạo thuận lợi cho kỹ thuật đi chìm, nhờ sức đẩy của nước đã nhanh chóng đưa anh em vào mục tiêu. Theo sự phân công, từng tổ viên thao tác cố định khối nổ vào trụ cầu rồi lần lượt rút ra, tổ trưởng điểm hỏa kíp hẹn giờ 30 phút, rút ra sau cùng rồi xuôi về hạ lưu khoảng 1,5km, nơi có đồng đội đang chờ đón lên bờ.

Tiếng súng tấn công của bộ đội và du kích địa phương nổ ran trong thị trấn. Pháo sáng từ các đồn bót, cứ điểm của địch dồn dập bắn lên trời bung ra những đám sáng màu huyết dụ, nhoáng nhoàng trên bầu trời Vĩnh Điện. Tổ chiến đấu lên bờ cùng bộ phận đón hướng về phía cầu chờ đợi! Đúng 1 giờ kém 5 phút, khối nổ ở cầu Vĩnh Điện phát hỏa bằng ánh chớp sáng lóe lên, tiếp theo là tiếng nổ âm vang rung chuyển cả một vùng thị trấn. Trụ cầu đổ nghiêng, thân cầu vặn vỏ đỗ chênh vênh. Đầu cầu phía Bắc, xe cộ các loại ùn tắc. Du kích xã Điện An và Điện Phước phục sẵn, 2 tiểu đội đồng loạt nổ súng vào đoàn xe quân sự, một số tên chết, số khác hoảng sợ bỏ xe chạy tán loạn tháo thân.

Trận chiến đấu nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, Đội 170 đã làm nên chiến thắng và trở về trọn vẹn, là niềm phấn khởi hân hoan của toàn đơn vị. Cùng với trận đánh cầu Vĩnh Điện, Chính trị viên Đinh Văn Rơi đưa 1 phân đội về Hội An, phối hợp với thị đội đánh thành công cầu Phước Trạch, góp thêm một chiến công nữa cho Đội 170.

Doãn Hùng
(Còn nữa)