Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà (4)
* Kỳ 4: Diệt pháo hạm thuộc Hạm đội 7 Mỹ
(Cadn.com.vn) - 3 năm sau khi vào chiến trường, chiến công của Đội 3 đặc công nước Quảng Đà ngày càng dày thêm. Hàng chục trận đánh bất ngờ, bí mật vào các căn cứ trọng yếu đã làm cho địch hết sức hoang mang, lo lắng và đặt câu hỏi: Liệu có phải Việt cộng chui từ dưới nước lên? Trong khi đó, các chiến sĩ đặc công nước vẫn chưa bằng lòng khi mà các mục tiêu di động, nhất là pháo hạm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ngoài biển hàng ngày nã pháo vào đất liền, gây tổn thất cho ta vẫn chưa có cách nào chế ngự, tiêu diệt được. Tuy nhiên, thời cơ có một không hai bất ngờ xuất hiện...
Ba chiến sĩ đặc công nước có mặt đầu tiên tại chiến trường Quảng Đà |
Đại tá Phạm Xuân Sanh nhớ lại: Từ những năm 1966 đến 1968, tình hình chiến sự trên chiến trường Quảng Đà ngày càng khốc liệt. Liên tiếp thua đau trong chiến dịch mùa khô thứ 2, cay cú, địch đã tăng cường pháo hạm yểm trợ để cho bộ binh mở các trận càn quét quy mô lớn. Trước mỗi trận càn quét, các trận địa pháo trên đất liền cùng với pháo trên các chiến hạm tập trung bắn phá, dọn bãi cho bộ binh càn quét. Những trận càn quét dài ngày, từ sáng đến chiều, mức độ “bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn” khiến nhiều vùng quê trở thành bình địa, không còn một dấu vết nào để khẳng định trước kia nơi đây nhà cửa, dân cư đông đúc, làng quê đẹp đẽ, thanh bình.
Trước tình thế này, ta đã tập trung đánh vào các trận địa pháo của địch như Cẩm Hà, Lai Nghi, Cồn Khe, Hòa Cầm, Thanh Vinh, Vĩnh Điện... gây cho địch tổn thất nặng nề. Riêng pháo hạm trên biển thì chưa có cách nào trừng trị được. Anh em đặc công nước luôn để tâm theo dõi, nghiên cứu. Có lần, Đội 3 đặc công nước bố trí trinh sát theo thuyền đánh cá của ngư dân Duy Hải, Bình Dương ra Cù Lao Chàm điều tra nghiên cứu và biết được loại pháo hạm này là của Hạm đội 7 Mỹ, chuyên làm nhiệm vụ cơ động dọc theo bờ biển, đánh phá các mục tiêu trên bộ của ta và yểm trợ cho các cuộc hành quân của Mỹ. Đánh xong chúng lại rút ra khơi về hạm đội. Vì thế, kế hoạch đánh tiêu diệt pháo hạm địch của đặc công nước không thực hiện được.
Một trong 3 hải thuyền của địch bị đánh chìm tại Cửa Đại – Hội An ngày 2-10-1967. |
Cả chiến dịch mùa Thu năm 1969, Phân đội 1 đặc công nước phụ trách cánh Bắc Đà Nẵng chưa lập được chiến công lớn. Mãi đến tháng 10-1969, tình huống ngoài dự kiến xuất hiện, đó là lúc anh em đặc công nước phát hiện tàu chiến cỡ lớn của địch vào neo đậu đơn độc ngoài cửa vịnh Đà Nẵng, phía trong hòn Sơn Trà nhỏ, cách chân núi chừng 300m. Quan sát bằng ống nhòm, anh em thấy trên boong tàu rất nhiều ụ pháo, xác định đây đích thị là “hung thần pháo hạm”. Câu hỏi đặt ra là tại sao nó lại vào neo đậu ở đây? Tìm hiểu thêm, trinh sát xác định pháo hạm bị trục trặc kỹ thuật, neo lại để sửa chữa. Và đây chính là thời cơ tốt để tiêu diệt chúng!
Trận đánh kho xăng Liên Chiểu trước đó ít ngày làm cho quân số bị giảm sút, sức khỏe chưa bình phục. Trong 7 người còn lại, từ ngày phân đội trưởng Huỳnh Thế hy sinh, Chính trị viên Huỳnh Tửu chỉ huy chung, còn 6 người thì hết 3 người sốt rét liên tục. Vả lại, không có chỉ thị nào của Mặt trận 44 lệnh cho anh em phải đánh mục tiêu này nên hoàn toàn có thể bỏ qua. Tuy nhiên, Chính trị viên Huỳnh Tửu luôn dằn vặt bởi câu hỏi: Loại pháo hạm này đã gây bao nhiêu tai họa, chết chóc đau thương cho đồng bào, đồng chí và người thân yêu ruột thịt của ta, chưa có cách nào diệt nó, nay nó dẫn xác vào đây chẳng lẽ để nó thoát? Thế là anh bàn với các đảng viên còn lại và hạ quyết tâm phải diệt bằng được! Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc nổ, phân đội nhờ đội công binh Hải Vân hỗ trợ, thiếu người phục vụ, nhờ Khu đội I – Hòa Vang hỗ trợ vài ba giao liên, trinh sát, thành lập 1 tổ chiến đấu 3 người, do đích thân Huỳnh Tửu làm tổ trưởng chỉ huy. Tất cả mọi người khẩn trương vào cuộc.
Chạy đua với thời gian, từng người từng việc được phân công nhanh chóng hoàn thành. Lúc 14 giờ ngày 30-10-1969, từ hậu cứ Nam Hải Vân, những người lính đặc công nước cắt rừng đi về hướng Đông tiếp cận đường đèo Hải Vân, chờ sẩm tối vượt qua “tử lộ” vì địch đặt vọng gác dày đặc trên đường, có quân đi tuần tiễu và quân mai phục ở những nơi hiểm yếu. Từng giây từng phút trôi qua nặng nề, căng thẳng. 21 giờ ngày 30-10, sau khi tổ chức lễ “truy điệu sống”, tổ chiến đấu xuất phát. Một cuộc vật lộn với sóng nước biển khơi và rút ngắn dần khoảng cách dẫn đến mục tiêu. Thông thường, vượt một hai cây số đầu tiên, ai nấy đều mệt mỏi rã rời, tuy nhiên, khi vượt qua được ngưỡng ấy, mọi người sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn. Quãng đường hành tiến tiếp cận mục tiêu hơn 5km nhưng chỉ gặp một vài bãi cạn rồi tiếp tục tiến lên vì thời gian không chờ đợi. Khi tiếp cận mục tiêu chừng 100m, tất cả chuyển sang kỹ thuật lặn áp sát mạn tàu. Ngước nhìn lên boong tàu, thấy rất nhiều ụ pháo các cỡ. Trên nóc đài chỉ huy, ra-đa vẫn vận hành đều các hướng. Thỉnh thoảng vài ba tên thủy thủ đi lại trên boong. Tổ chiến đấu bình tĩnh cố định khối nổ (60kg thuốc nổ C4) vào thân tàu. Huỳnh Tửu kiểm tra lần cuối, bấm kíp nổ hẹn 40 phút và lệnh cho anh em rút lui. Thời gian bắt đầu chuyển qua ngày mới cũng là lúc bắt đầu triều cường theo quy luật bán nhật triều của ngày kế tiếp.
Kho xăng Liên Chiểu bị đặc công nước đánh gây cháy lớn. |
Trên quãng đường quay lại đất liền, anh em ai nấy đều dùng kỹ thuật bơi ngửa, vừa bơi vừa hướng về phía mục tiêu chờ đợi. Giây phút quân thù đền tội ác đã đến khi một cột khói dựng lên như chiếc nấm khổng lồ, chiến hạm Mỹ bị ngọn lửa nuốt trọn và chìm dần. Bị giáng một đòn đau, lập tức pháo sáng từ các căn cứ địch trên các điểm cao như Núm Chiêng, Đồn Nhất, Bãi Chuối bắn tới tấp lên trời. Nhiều tốp trực thăng vũ trang xuất hiện. Từng tốp 3 chiếc, chiếc đi giữa soi đèn, 2 chiếc đi kèm nã rốc két tới tấp xuống mặt biển, bìa rừng. Các tốp trực thăng lồng lộn rà sát mặt biển, sát ngọn cây trên triền núi, tiếng động cơ trực thăng gầm vang, tiếng nổ rốc két liên tục hòa cùng tiếng còi thất thanh của các loại tàu chạy loạn, náo động không gian vùng vịnh.
Tình thế hiểm nghèo, Tổ trưởng Huỳnh Tửu tháo dây liên kết, truyền đạt cho các tổ viên tản ra xa nhau, tự do hành động đối phó với kẻ thù và rút về khu xuất phát. Trực thăng lượn vòng rà soát, có lúc đèn pha chiếu thẳng vào người, anh em phải nhanh chóng lặn sâu dưới nước để tránh thương vong. Căn cứ sân bay trực thăng Nước Mặn ở gần nên chúng thay nhau tốp này về, tốp sau thay thế soi tìm bắn phá thâu đêm...
“Trận đánh diệt pháo hạm Mỹ của phân đội đặc công nước do Huỳnh Tửu chỉ huy được xếp vào một trong những chiến công xuất sắc nhất trong nhiều trận đánh “diệt tàu chiến Mỹ” tại chiến trường Quảng Đà”, ông Phạm Xuân Sanh nhìn nhận. Tuy nhiên, do phân đội nhỏ, chiến đấu độc lập trong vùng địch, lại là thời điểm chiến trường hết sức ác liệt, “vì vậy, sau trận đánh này không lâu, số anh em ít ỏi còn lại của phân đội được lệnh của Mặt trận 44 đánh tiếp kho xăng Liên Chiểu lần 2. Trận đánh không thành, Huỳnh Tửu và tổ chiến đấu hy sinh”, giọng ông Sanh chùng xuống, bùi ngùi xúc động.
Doãn Hùng
(còn nữa)