Hy Lạp thoát "án tử"

Thứ ba, 14/07/2015 08:17

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều nỗ lực, Hy Lạp cuối cùng đã tạm thoát khỏi nguy cơ phải rời Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) khi các nhà lãnh đạo của khối ngày 13-7 đạt thỏa thuận với Athens về chương trình cứu trợ tài chính cho nước này.

9 giờ sau khi hết thời hạn chót mới được áp đặt, các nhà lãnh đạo công bố về thỏa thuận đột phá này. Thỏa thuận đạt được ngay trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh Eurozone khẩn cấp về nợ công Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU) Donald Tusk đã đưa ra đề xuất về thỏa thuận này. Thông tin chi tiết về thỏa thuận chưa được tiết lộ, song giới chuyên gia cho rằng, nó bao gồm các "cải cách nghiêm trọng" và gói viện trợ thứ 3.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk cũng xác nhận, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua thỏa thuận cung cấp khoản cứu trợ thứ 3 cho Athens và giữ chân "xứ sở thần tiên" trong Eurozone. Theo ông Tusk, tất cả đã sẵn sàng áp dụng chương trình Cơ chế bình ổn Châu Âu cho Hy Lạp với những biện pháp cải cách nghiêm túc và hỗ trợ tài chính.

Bước đột phá này là "kết quả tất yếu" sau nhiều ngày Hy Lạp và cả Châu Âu như ngồi trên đống lửa về vấn đề nợ của Athens. Mối đe dọa bị "trục xuất" khỏi Eurozone gây áp lực dữ dội lên Thủ tướng Tsipras, buộc ông có những nhượng bộ lớn trước các chủ nợ quốc tế dù được người dân ủng hộ nói "không". Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Hy Lạp có thể phải đối mặt với việc phá sản và ra khỏi Eurozone, liên minh tiền tệ mà nước này đã trở thành một thành viên chủ chốt từ năm 2002. Giới phân tích cảnh báo, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ là một thảm họa đối với cả Athens lẫn khu vực này.

Các chủ nợ cũng đang đòi hỏi Athens phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng khó khăn để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 trong 5 năm. Hiện, EU đang ráo riết thảo luận về thỏa thuận liên quan gói cứu trợ tài chính thứ 3 dành cho Hy Lạp. Athens yêu cầu 53,5 tỷ EUR, nhưng giới chuyên gia cho rằng, con số này vẫn chưa đủ để kéo Hy Lạp trở lại. Tuy nhiên, trước mắt, có thể thấy, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ nhanh chóng giúp vực dậy các ngân hàng Hy Lạp. Nếu không được cứu trợ, các ngân hàng có nguy cơ hết tiền trong tuần này.

Hy Lạp đã nhận 2 gói cứu trợ, tổng cộng 240 tỷ EUR, và đổi lại phải cắt giảm chi tiêu nghiêm ngặt, tăng thuế và cải cách. Mặc dù thâm hụt ngân sách hàng năm của nước này giảm đáng kể, gánh nặng nợ nần của Hy Lạp đã tăng lên khi nền kinh tế giảm 1/4. Nợ Hy Lạp đứng ở khoảng 320 tỷ EUR - chiếm gần 200% GDP hằng năm của nước này. Rất ít nhà kinh tế cho rằng, Athens sẽ trả được nợ.

Thanh Văn