Indonesia - Trung Quốc nguy cơ bùng nổ “cuộc chiến đánh bắt cá”

Thứ ba, 12/07/2016 10:17

(Cadn.com.vn) - Jakarta cần những nguồn đầu tư tiền tỷ của Bắc Kinh nhưng lại quá ngán ngẫm trước những hành động ngang ngược của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển của Indonesia.

Trong những năm gần đây,  Indonesia nỗ lực giảm căng thẳng với Trung Quốc bởi lo ngại sẽ bị cắt nguồn đầu tư lớn vì Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Jakarta. Tuy nhiên, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này ngày càng trở nên quyết đoán hơn trước những tuyên bố chủ quyền “ngang ngược” của Bắc Kinh, sẵn sàng đối chọi với tàu đánh bắt cá trái phép của cường quốc này, cũng như đẩy mạnh hoạt động tuần tra của hải quân và không quân ở các hải đảo xa xôi.

Indonesia đã kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong thời gian qua khiến Trung Quốc tức giận. Ảnh: AFP

Bùng nổ tranh cãi gay gắt

Những xích mích giữa Trung Quốc và Indonesia chủ yếu tập trung vào việc đánh bắt cá. Trung Quốc vô lý tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông, trong khi đó, Jakarta tuyên bố chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh quần đảo Natuna theo quy định của Công ước LHQ   về Luật Biển.

Cuộc tranh giành chủ quyền đánh bắt cá có nguy cơ trở thành xung đột lớn giữa 2 quốc gia khi cả hai đang ra sức củng cố sức mạnh. Bắc Kinh tức giận trước tuyên bố chủ quyền của Indonesia cùng với quyết tâm của chính phủ này trong việc đánh đuổi các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Hồi cuối tháng 6, Indonesia có những bước đi chưa từng có tiền lệ nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Jakarta đối với chuỗi đảo Natuna. Theo đó, Tổng thống nước này, ông Joko Widodo lần đầu tiên thăm Natuna trên một tàu chiến để tổ chức họp nội các - động thái giới chức Indonesia mô tả là thông điệp mạnh mẽ nhất chuyển đến Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường đào tạo quân sự cho ngư dân của mình và thậm chí còn cho các tàu cảnh sát biển theo bảo vệ ngư dân trong quá trình đánh bắt cá trên vùng biển Indonesia.

“Vung gươm”

Indonesia vẫn đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa việc củng cố mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và bảo vệ những gì họ coi là lợi ích quốc gia.

Tổng thống Widodo rất muốn tiếp tục nhận được nguồn đầu tư từ Trung Quốc để xây dựng kinh tế, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông cũng vạch ra chiến lược hàng hải và phòng thủ mới để thể hiện quyết tâm chống trả sự phá hoại lợi ích quốc gia. Hồi cuối tháng 5, sách trắng Quốc phòng Indonesia được phát hành sau gần 1 thập kỷ, phác thảo kế hoạch làm cho quốc gia vạn đảo này trở thành “sức mạnh hàng hải toàn cầu”, đặc biệt là trong tình hình căng thẳng ở biển Đông. Bên cạnh đó, một số căn cứ hải quân trên đảo Natuna được thiết lập. Jakarta cũng triển khai hoạt động tuần tra bằng tàu hải quân để đẩy lùi các hành động “trơ trẽn” của tàu đánh cá cũng như tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trên vùng biển Indonesia.

Ông Evan Medeiros, cựu Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề Châu Á và bây giờ là giám đốc điều hành Eurasia Group, cho biết, hành động trên của Indonesia nhằm chuyển tải thông điệp “cứng rắn” đến Bắc Kinh. Kể từ khi trở thành tổng thống vào năm 2014, ông Joko từng nêu rõ mục tiêu là chuyển đổi Indonesia thành một cường quốc hàng hải. Ông cũng vừa công bố kế hoạch thiết lập nhiều giàn khoan dầu khí và đánh bắt cá gần đảo Natuna. Bên cạnh đó, Indonesia dường như đã sẵn sàng thiết lập mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ.

Những hành động cứng rắn của Indonesia trong thời gian qua được coi như đang góp phần làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực trong bối cảnh Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở biển Đông.

Tuệ Khanh

(Theo Foreign policy)