Iran và chính sách hội nhập của ông Rouhani

Thứ hai, 22/05/2017 11:34

(Cadn.com.vn) - Đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chiến thắng trong "cuộc chiến cải cách" của quốc gia Hồi giáo, dấu hiệu cho thấy công dân nước này ủng hộ  hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Tổng thống Hassan Rouhani đã tái đắc cử khi giành được 23,5 triệu phiếu bầu, tương đương 57% số phiếu, vượt trội so với đối thủ Ebrahim Raisi (38% số phiếu).

Tại thủ đô Tehran, người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của ông Rouhani. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei trong bài diễn văn đã biểu dương "số đông" và gọi đó là "vinh quang và lịch sử" đối với cuộc bầu cử ở Iran.

Chiến thắng của ông Rouhani, người theo phái ôn hòa - cải cách, được cho là nhờ những lá phiếu của giới trung lưu Iran - những người ủng hộ đường lối cải tổ để hòa nhập trở lại với thế giới. Họ đã bước đầu được thụ hưởng thành quả từ chính sách của ông Rouhani. Kết quả bầu cử cho thấy, những nỗ lực đưa Iran hòa nhập với thế giới bên ngoài của ông Rouhani được cử tri ủng hộ.

Người ủng hộ ăn mừng chiến thắng của ông Rouhani. Ảnh: AFP

Chiến thắng nhờ chính sách hội nhập

Ông Rouhani là kiến trúc sư chủ chốt của thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với các nước P5+1. Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran giảm trữ lượng uranium làm giàu xuống mức 98% và giảm đáng kể số lượng máy ly tâm đã được lắp đặt. Đổi lại, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này. Ông Rouhani cho rằng, thỏa thuận hạt nhân có thể mở ra cánh cổng cơ hội kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi sự cô lập và tạo ra hàng triệu việc làm cho người Iran. Thỏa thuận dẫn đến một loạt các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với các Cty sản xuất máy bay phương Tây về thăm dò dầu ở Iran.

Việc Iran dần thoát khỏi sự cô lập của phương Tây nhờ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết vào năm 2015 không chỉ mang lại cho Iran những hợp đồng kinh tế lớn, mà còn đưa Iran trở lại vị trí chính trị quan trọng ở khu vực. Thỏa thuận này vốn gây tranh cãi ở cả Mỹ lẫn Iran, do đó cuộc bầu cử lần này được xem là cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận này.

 Kết quả bầu cử cũng cho thấy đa số cử tri ở Iran mong muốn những quan điểm chính sách mà ông Rouhani thực thi trong 4 năm qua sẽ được tiếp tục trong 4 năm tới. Họ mong mỏi đất nước tiếp bước về phía trước chứ không quay lại quá khứ, cải cách chứ không bảo thủ, hòa nhập vào thế giới hiện đại chứ không khép kín và biệt lập, ôn hòa chứ không thái quá.

Kết quả này giúp ông Rouhani có được sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ cần thiết cho cuộc tranh giành quyền lực với những thế lực tôn giáo bảo thủ và cực đoan nhưng đầy quyền uy ở trong nước và vị thế quyền lực hợp pháp cần thiết để xử lý những thách thức đối ngoại và chính trị an ninh mà Iran đang phải đối mặt.

Mỹ muốn Iran ngừng chương trình tên lửa

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đang có chuyến thăm Saudi Arania cùng với Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ hy vọng Tổng thống tái đắc cử Rouhani sẽ chấm dứt chiến dịch gây bất ổn của Iran trong khu vực.

Nhà Trắng muốn ông Rouhani ngừng chương trình tên lửa đạn đạo và mạng lưới khủng bố của Tehran trong nhiệm kỳ thứ hai.  Trả lời họp báo với người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Jubeir tại Riyadh, Ngoại trưởng Tillerson nói: "Tôi hy vọng, nếu ông Rouhani muốn thay đổi mối quan hệ với phần còn lại của thế giới, ngừng tên lửa đạn đạo và mạng lưới khủng bố là những điều ông ta có thể làm".

An Bình