Kể chuyện 7 Dũng sĩ Điện Ngọc (2)
* Kỳ 2: Vào trận sinh tử
(Cadn.com.vn) - Thực hiện chủ trương mở ra ở vùng cát Điện Bàn, Tỉnh ủy Quảng Đà cử một tiểu đội đặc công 7 chiến sỹ gồm: Tổ trưởng Lê Tấn Hiền (Viễn), tổ phó Võ Như Hưng (Trước), Nguyễn Thật, Trần Thọ, Nguyễn Sỹ, Trần Tạo, Nguyễn Tám (Rìu), về Điện Bàn phối hợp với Võ Tiến, Lê Tựu, Đặng Bảo Chí, Nguyễn Viết Phong thành một đội công tác. Đặng Xước, Bí thư Ban cán sự xã Thanh Thủy cũng tham gia đội. Đội thực thi phương án của Huyện ủy Điện Bàn là tấn công cơ quan Hội đồng Thanh Thủy (sau này là xã Điện Ngọc).
Nguyễn Tám còn nhớ hôm từ núi Ô Rây (Hiên) xuống, đơn vị đi qua xã Điện Tiến, sang xã Điện Hòa. Tiểu đội trưởng Lê Tấn Hiền ở nhà chị Hiếu, tức chị Hạnh (từng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy), có em gái là Lê Thị Tính. Tiểu đội phó Võ Như Hưng và Nguyễn Tám ở nhà bà Toàn, mẹ chị Hiếu. Bà Toàn có người con trai đầu là Hai Toàn đi tập kết, sau làm đến Tham mưu trưởng Sân bay Gia Lâm. Ở trong nhà bà Toàn có anh Đà, người Huế là cán bộ công tác TP Đà Nẵng, bị thương được du kích Điện Ngọc đưa về. Về đây, anh Hiền cho Tám lương khô, hỏi lương khô ai làm ngon quá, Hiền nói của chị Tính làm. Từ hôm đó Tám mới biết chị Tính là người yêu của anh Hiền.
Sau này nghe anh em kể lại, trên đường công tác, khi về đến Dốc Ô Rây, nhà thơ Thu Bồn tìm gặp Lê Tấn Hiền để hỏi về trận Điện Ngọc, cùng ra đồi thăm mộ Võ Như Hưng và nghe câu chuyện tình yêu của hai người; chuyện chị Tính và mẹ chị ở Điện Hòa đào hầm rụng cả tóc. Nhà thơ Thu Bồn xuống núi về ở lại làng Quang Hiện, mấy ngày sau làm được bài thơ Chiếc hầm bí mật.
Tác giả bên giếng cạn. |
Mờ sáng ngày 26-4, tiểu đội đang ở trong nhà bà Quỳnh thì bị lộ. Nghe báo có lính xuống, anh em liền thay áo quần đóng vai nông dân, người vác cuốc, người gánh phân ra đồng, với ý định tùy cơ ứng biến mà rút vào bí mật. Đang mùa thu hoạch lúa nên từ sáng sớm ngoài đồng đã có nhiều người. Ra tới đám khoai thì dân vệ ở trên đồi bắt đầu bắn xuống. Rồi trống, mõ vang lên, nhân dân tự vệ, tự vệ đoàn, cầm gậy gộc, dây chạy ra đường. Ngày ấy, địch bắt buộc mỗi nhà dân phải sắm đủ 7 thứ để bắt Cộng sản: cây, dây, đèn gió, mõ, hủ dầu, túi đá, túi gạo, hễ có báo động thì phải bỏ tất cả chuyện nhà ra tham gia... Cuộc chiến đấu ngoài dự kiến, không cân sức bắt đầu...
Trong quá trình vừa rút vừa chiến đấu với nghĩa quân và dân vệ đoàn Thanh Thủy đến xế chiều thì phải xáp mặt với lính từ Vĩnh Điện kéo xuống rồi lính biệt kích của đại úy Sáu từ Non Nước kéo vào, lính biệt kích Tây Hồ từ Hội An kéo ra. Cuộc đụng độ với địch từ Hội An ra trên đất Điện Dương giáp giới với đất Hội An thì Nguyễn Sỹ và Trần Thọ hy sinh. Nguyễn Tám quay lại nhìn Sỹ và Thọ một giây rồi lấy cây tôm xông của Thọ cùng hai băng đạn, không kịp nói lời vĩnh biệt hai người đồng chí. Anh em di chuyển tránh địch, gần trưa thì đến xóm Đập thuộc thôn Ba xã Điện Ngọc. Đến sân đá bóng thuộc xã Điện Nam thì Lê Tấn Hiền bị trúng đạn vào cổ. Tám thấy một tốp lính đang ăn uống ở góc sân bóng. Anh em chạy nép vào các bụi tre vào trong làng. Địch bao vây làng từ phía nam và phía tây.
Khi trời ngả về chiều, anh em lui dần ra phía biển. Thấy một cái miếu, anh em định chiếm cái miếu làm nơi cố thủ thì phát hiện địch tiến đến chiếm cái đồi cát cạnh miếu bắn vào đội hình. Một mũi quân địch từ Non Nước tiến vào, anh em bắn lại cầm chừng để địch không dám xáp lại gần rồi bò qua đám thuốc lá lui vào cái ao cạnh đó. Gọi đúng thì đó là một cái giếng cạn, nơi đây bà con lấy nước tưới khoai, thuốc lá, tắm giặt. Giếng ở cạnh nhà ông Nhì nên gọi là giếng ông Nhì (ở thôn Hai xã Điện Ngọc). Ba bốn tháng liền từ sau tết đến nay trời nắng nóng nên giếng cạn khô, nước chỉ lút nửa ống chân. Lúc này trong giếng có Võ Như Hưng, Lê Tấn Hiền, Trần Nghĩa, Nguyễn Sỹ, Trần Tạo và Nguyễn Tám.
Khi lui xuống giếng, hầu hết các cây súng đều gần hết đạn, chỉ còn một ít thủ pháo. Biết anh em cố thủ trong giếng cạn, địch bắt loa kêu gọi đầu hàng. Anh em trả lời lại chúng bằng những phát tiểu liên. Bọn địch bò tới cách vài chục mét ném lựu đạn nhưng không phải quả nào cũng lọt được xuống giếng. Nguyễn Tám nảy ra sáng kiến: "Nhặt lựu đạn ném lại ngay". Cứ thế, địch ném lựu đạn tới chưa kịp nổ, anh em nhặt ném trả lại khiến địch phải lui ra, la lối ầm ĩ vì bị thương. Lê Tựu chồm lên miệng giếng ném lựu đạn lại thì bị trúng đạn.
Dù được Võ Như Hưng băng vết thương nhưng vì máu ra nhiều quá nên Tựu không qua khỏi. Chỉ huy địch la khát cổ tiến lên, nhưng chúng bò lên một đoạn, nghe tiếng lựu đạn nổ thì lui lại hai đoạn. Thấy việc chớp lựu đạn địch ném lại có tác dụng, anh em chờ một quả lựu đạn vừa rớt xuống liền lượm ném lại. Dần địch cũng biết rút kinh nghiệm là rút nụ xòe vài ba giây mới ném lựu đạn đi, có khi chúng ném cùng lúc hai ba quả lựu đạn khiến anh em nhặt không kịp. Võ Như Hưng rồi Lê Tấn Viễn bị thương lần thứ hai. Lúc mặt trời xuống núi, vì không thấy rõ quả lựu đạn địch ném sau cùng xuống giếng, Nghĩa và Tám đều trúng đạn. Nghĩa ngã xuống nằm đè trên người Nguyễn Tám...
Hồ Duy Lệ
(còn nữa)