Khi cánh cửa hội nhập chính thức mở

Thứ bảy, 02/01/2016 10:56

(Cadn.com.vn) - Năm 2016 là năm đánh dấu nền kinh tế Việt Nam bước vào sân chơi hội nhập sâu rộng với thế giới bằng các “sân chơi” cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-  Kazakhstan, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Vậy các doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng đã chuẩn bị gì khi cánh cửa hội nhập đã mở.

Hội nhập “gõ cửa” - đó là nhận định của PGS-TS Hoàng Thị Thanh Nhàn, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam khi trao đổi với cộng đồng DN Đà Nẵng về cơ hội và thách thức khi Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập mới AEC, TTP tháng 12 - 2015. Theo TS Nhàn, hội nhập đã đến “gõ và mở” cửa DN nhưng các DN trong nước vẫn thờ ơ trước những cơ hội và thách thức mới. Bày tỏ lo ngại của ngành vận tải trước cánh cửa hội nhập, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Cty Vận tải Bình Vinh cho rằng, với 98% đối tác là các DN nước ngoài, nên năm nay Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan cho Khu vực thương mại tự do ASEAN chính thức được thực thi và Hiệp định TPP được ký kết sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của DN.

Không nằm ngoài cuộc, ông Nguyễn An, Tổng giám đốc Cty Thép Thái Bình Dương cũng nhìn nhận, ngành thép đã và đang bị tác động lớn từ thép các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan,... Bên cạnh đó, các DN sản xuất thép sẽ gặp nhiều khó khăn do tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên một đơn vị sản phẩm cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực và thế giới. Thêm vào đó là khâu lưu thông, phân phối; khâu quản trị DN còn nhiều bất cập, cần được từng bước cải tiến, đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của hội nhập.

Veston Hòa Thọ đang xuất khẩu sang nhiều quốc gia ASEAN và Châu Âu.

TS Nguyễn Trung Kiên – Trưởng khoa Thương mại, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, năm 2016 hội nhập AEC sẽ có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thị trường rộng lớn hơn, DN có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua mở rộng quy mô, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, DN trong nước buộc phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay cả ở thị trường nội. Đà Nẵng có hơn 17.000 DN nhưng hơn 98% DN có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ mang nặng tính gia đình, liên kết lỏng lẻo, tầm nhìn kinh doanh ngắn hạn, niềm tin kinh doanh thấp, năng suất còn thấp, tính hiệu quả và chuyên môn hóa chưa cao so với các nước vì vậy, cần sớm chủ động  tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành dệt may Đà Nẵng đang có lợi thế khi “cánh cửa” hội nhập mở toang, ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Cty Dệt may Hòa Thọ cho biết, đối với ngành dệt may sẽ có tác động rất lớn khi các mặt hàng đều xuất khẩu, nhập khẩu đều được hưởng thuế suất thấp. Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Cty Giày BQ kêu gọi, DN Đà Nẵng với cốt lõi là các doanh nhân trẻ là những người có tri thức, trình độ, tuổi trẻ, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, vì vậy cần phải xung kích khi hội nhập mở cửa... Ngoài ra, sức cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, minh bạch hóa, các điều khoản về hành chính và thể chế, giải quyết tranh chấp... là không chỉ đảm bảo yêu cầu luật chơi mà là khả năng cạnh tranh để tồn tại ngay tại sân nhà.

Xuân Viễn