Khó như "đòi" nợ bảo hiểm xã hội

Thứ bảy, 27/09/2014 09:26

(Cadn.com.vn) - Năm 2013, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Đà Nẵng đã khởi kiện 63 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ BHXH ra tòa, thu hồi hơn 18 tỷ đồng. Con số này có ý nghĩa lớn trong việc cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ) nhưng vẫn chưa thấm vào đâu khi hiện có đến 955 đơn vị nợ gần 99 tỷ đồng, ảnh hưởng đến gần 12.000 NLĐ. Theo cơ quan BHXH, nguyên nhân chính dẫn đến số con nợ và tiền nợ nhiều như vậy là họ gần như không có công cụ gì để xử lý, chỉ cậy vào sự hợp tác của DN- điều quá xa xỉ trong bối cảnh kinh tế hiện nay...

Doanh nghiệp cù nhầy

Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu BHXH Đà Nẵng cho hay, việc khởi kiện 63 đơn vị nợ 29,3 tỷ đồng, thu hồi 18,15 tỷ đồng là một cố gắng lớn nhưng cũng chỉ như "muối bỏ biển". Với tình hình kinh tế như hiện nay, nếu không có biện pháp giải quyết ngay từ đầu thì thời gian tới sẽ còn rất phức tạp. Theo ông Long, tính đến cuối tháng 9-2014, có 955 đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng nợ BHXH với số tiền 98,790 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của 11.876 NLĐ. Không chỉ khó xử lý số lượng này mà nguy cơ phát sinh những "con nợ" mới trong tổng số 5.023 đơn vị toàn địa bàn thành phố là rất lớn.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc DN "chạy làng" BHXH của NLĐ xuất phát từ hiệu quả kinh doanh không cao, tiếp cận vốn vay cho sản xuất khó khăn nên để "giật gấu vá vai", chủ DN chiếm dụng các khoản bảo hiểm của NLĐ đưa vào kinh doanh. Với 32,5% của tổng quỹ tiền lương, tiền công (gồm BHXH, BHYT, BHTN) thì số tiền chiếm dụng này là rất lớn. "NLĐ vẫn bị trừ trong tiền lương hàng tháng nhưng số tiền đó không được nộp về cơ quan bảo hiểm mà bị giữ lại để DN đầu tư kinh doanh. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là những lúc đau ốm, thất nghiệp và lâu dài hơn là chế độ chi trả khi về hưu. Nói chung là mọi thiệt thòi đều đổ lên vai NLĐ", ông Long nói.

Công nhân Cty Tân Cường Thành tập trung trước trụ sở Cty phản đối
việc bị nợ lương, nợ bảo hiểm trong một thời gian dài.

Cơ quan BHXH bị "trói tay"

Đó là cụm từ mà lãnh đạo Phòng Thu BHXH Đà Nẵng dùng khi nói về quyền hạn trong việc thanh tra, xử lý nợ các khoản tiền mà các đơn vị, DN "chạy làng" NLĐ. Ngoài một thuận lợi trong quá trình khởi kiện các DN nợ BHXH là sự hợp tác, tạo điều kiện của tòa án thì gần như cơ quan BHXH không có công cụ nào để xử lý, mà chỉ làm việc thông qua thương lượng với DN. "Chúng tôi hoàn toàn không có bất cứ một quyền gì đối với DN. Ngay cả đến liên hệ làm việc mà DN còn không hợp tác thì nói gì đến các thủ tục khác. Cho nên chúng tôi chỉ giải quyết thông qua thương lượng, thậm chí năn nỉ DN. Khi người ta đã cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền của NLĐ thì làm sao họ chịu làm việc với mình. Điều đó là quá xa xỉ", ông Văn Phú Long tâm sự.

Hiện tại, chỉ có 2 cơ quan đủ chức năng thanh tra BHXH là Sở LĐ-TB&XH và UBND TP nhưng số lượng đầu việc hàng ngày của những đơn vị này quá nhiều nên gần như không thể tiến hành được. Lãnh đạo BHXH tính toán, với khoảng 50 cán bộ, nhân viên của cả cấp thành phố và quận huyện, riêng việc đến gặp thôi đã không thể gặp hết 955 "con nợ" rồi chứ chưa nói đến thực hiện việc thương lượng, năn nỉ hoặc tiến hành làm hồ sơ khởi kiện. Đã ít người, lại không có bất cứ một công cụ nào để xử lý thì nguy cơ nợ chồng lên nợ càng cao,  và chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số gần 1.000 DN nói trên.

Theo quy định, nếu doanh nghiệp nợ BHXH của NLĐ tới 3 tháng là cơ quan BHXH TP sẽ lập biên bản thông báo đến đơn vị đó, kéo dài 12 tháng thì sẽ khởi kiện ra tòa. Nhưng ở Đà Nẵng, nếu những vụ việc nghiêm trọng thì thời gian này được rút ngắn hơn xem như là một biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh đó, thay vì 4 tháng nộp hồ sơ, tòa án mới đưa ra xét xử thì khoảng thời gian này cũng đã được rút ngắn lại để tạo điều kiện xử lý sớm các vụ việc, người khởi kiện cũng được mở rộng hơn so với quy định "cứng", trước đây chỉ là cấp trưởng phòng hoặc phó giám đốc trở lên.

Đó có thể xem là một vài thuận lợi bên cạnh vô vàn khó khăn mà ngành BHXH đang gặp phải. "Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ so với những phức tạp và hệ lụy của hiện tượng nợ BHXH đang ngày càng nhiều. Để xử lý hiệu quả hiện tượng này, chúng tôi rất cần một công cụ, cần được trao quyền mà cụ thể là phải có luật cho phép chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH", ông Long nói.

Công Khanh