Khó tìm tiếng nói chung!

Thứ hai, 22/01/2018 10:44

- Chuyện chi mà căng rứa Ba Xứ Quảng?

- Chuyện khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn lâu nay cánh báo chí Bề Tui đã tốn không ít giấy mực đó!

- Ba kể nghe.

- Để phục vụ cho nhu cầu tận thu cát làm vật liệu xây dựng thông thường, tránh thất thoát tài nguyên, UBND tỉnh Quảng Nam đã cân nhắc quy hoạch ngắn hạn, dài hạn, cấp hàng chục giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn qua địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TX Điện Bàn... Thế nhưng, một số nơi vẫn chưa tạo sự đồng thuận từ phía người dân. Mới đây, hàng chục hộ dân thôn Đông Yên, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) kéo ra khu vực hiện trường 2 mỏ cát nhằm gây sức ép yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động, khắc phục hậu quả sạt lở đất sản xuất. Người dân Vĩnh An (thôn Đông Yên) làm đơn tập thể gửi các ngành chức năng của tỉnh và huyện.

- Căng rồi đó!

- Theo các hộ dân, từ năm 2015 đến nay, đơn vị khai thác cát A.T. và Cty N.T đã khai thác cát tại khu đất cát xóm Vĩnh An. 2 đơn vị này dùng máy hút cát ống lớn, hút sâu gây lở đất canh tác và đất ở làm mất hơn 30ha đất ven sông ở gò đất Non, gò Ông Út, gò Ông Nhất, gò Ông Nhì. Đến năm 2016, hoạt động khai thác cát tiếp tục gây bồi lấp hơn 35ha đất canh tác của người dân tại gò Ông Ba, gò Ông Bốn, gò Bắc Giang, có chỗ cát lấp từ 0,5 - 1m. Từ tháng 5-2017, mỏ cát của Cty A.T chuyển cho đơn vị khai thác mới là Cty TNHH C.M.K. Nhiều năm nay, người dân kiến nghị dừng hoạt động tận thu cát nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa mỏ cát. Trước phản đối của người dân, chính quyền đề nghị doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhưng những ngày qua Cty TNHH C.M.K vẫn bố trí xe cơ giới vận chuyển cát đi tiêu thụ.

- Dân lo cũng phải, bởi hậu quả sạt lở đất từ khai thác cát, sỏi là rất lớn. Bề Tui dẫn chứng cho Ba xem. Tại khu vực cầu Hà Nha (H. Đại Lộc), theo tính toán, 1km xây kè kiên cố tốn gần 25 tỷ đồng, trong khi tổng nguồn thu ngân sách từ 18 mỏ cát trên toàn huyện chỉ hơn 6 tỷ đồng. Còn sông Thu Bồn, đoạn qua TP Hội An mức độ sạt lở rất nghiêm trọng. Theo UBND TP Hội An, đến nay ngân sách nhà nước bỏ ra hơn 140 tỷ đồng cho các công trình chống sạt lở bờ biển.

- Hiện ở Quảng Nam có hàng chục đơn vị được cấp phép khai thác cát sông, chủ yếu trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Phần lớn các mỏ được cấp phép, đơn vị khai thác đúng theo quy định trong giấy phép, nhưng có vị trí khai thác không đảm bảo điều kiện để quy hoạch thăm dò, khai thác như luồng tàu chạy, sát bờ sông, hành lang an toàn cầu, đất sản xuất của nhân dân... Vì rứa nên giữa doanh nghiệp và người dân khó tìm được tiếng nói chung.

- Theo Bề Tui, ngoài rà soát, khảo sát nhu cầu vật liệu xây dựng, UBND tỉnh, các ngành chức năng cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch phải mang tính khoa học, gắn chặt lợi ích của địa phương với lợi ích xã hội, lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Cứ "thượng tôn pháp luật", đó là áp theo Luật Khoáng sản và Chỉ thị số 03 ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản mà làm.

Bề Tui