Khó xử

Thứ sáu, 28/03/2014 23:23

(Cadn.com.vn) - Các cuộc biểu tình rầm rộ trong tuần qua tại Đài Loan (Trung Quốc) đang đặt hòn đảo này vào tình huống khó xử trong quan hệ với Đại lục. Đáng tiếc hơn, vụ việc đang khiến người ta đặt ra câu hỏi về tương lai của Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển Đài Loan (CSSTA).

Sau nhiều tháng âm ỉ căng thẳng giữa Quốc dân đảng (KMT) nắm quyền ở Đài Loan và đảng Dân tiến (DPP) đối lập được “thêm dầu” bởi các thành viên dân sự-xã hội, các cuộc tranh luận về CSSTA cuối cùng đạt đến điểm phá vỡ. Trong tuần qua, người biểu tình - người mà phương tiện truyền thông đưa tin là sinh viên - chiếm thành công Viện Lập pháp (Quốc hội Đài Loan) bất chấp nỗ lực ngăn cản của cảnh sát. Thậm chí, hôm 27-3, người biểu tình Đài Loan thề leo thang “cuộc chiến” với chính quyền hòn đảo này để phản đối thỏa thuận gây tranh cãi CSSTA, đồng thời kêu gọi tổ chức cuộc biểu tình lớn vào ngày 30-3 nhằm gia tăng sức ép lên nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu.

Mọi việc bắt đầu hôm 19-3 khi những người biểu tình xông vào Viện Lập pháp phản đối một chính trị gia đảng cầm quyền thất hứa là đưa CSSTA lên Viện Lập pháp xem xét, sau khi KMT tuyên bố hoàn tất đánh giá ban đầu thỏa thuận này. Hiệp định trên ra đời nhằm mục đích tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại trong lĩnh vực ngành dịch vụ giữa Đại lục và Đài Loan. Tuy nhiên, người biểu tình lo ngại, thỏa thuận này sẽ làm tổn hại nền kinh tế và khiến hòn đảo này yếu thế khi trao cho Bắc Kinh quá nhiều ảnh hưởng kinh tế.

Giữa những chấn động và yêu cầu đàm phán lại về thỏa thuận trên, Đài Loan vẫn kiên quyết không hủy bỏ CSSTA với Trung Quốc Đại lục. Mặc dù vậy, qua vụ việc này, có thể thấy, 3 vấn đề chính đang bị chệch hướng: Thứ nhất là tính hợp pháp và ý nghĩa của một thỏa thuận song phương; thứ hai là ý nghĩa của hình ảnh và danh tiếng ngoại giao quốc tế của Trung Quốc đại lục và Đài Loan; và thứ ba (quan trọng nhất) là làm thế nào để thiết lập chính sách khả thi và hiệu quả để bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Đài Loan.

Khi KMT kết thúc đàm phán với Trung Quốc đại lục và ký CSSTA cuối tháng 7-2013, nó đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các nỗ lực dân chủ chính thống để buộc đảng cầm quyền xem xét những mối quan tâm của các nhà lập pháp đối lập, các nhóm lao động và xã hội dân sự. Nhưng thỏa thuận này đang mở ra những phức tạp mới.

Hiện nay, tại Đài Loan, nỗi lo CSSTA là có thể sờ thấy. Không ai có thể dự đoán nó sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp địa phương như thế nào, song vấn đề quan trọng nhất là cần đảm bảo, các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế  và các thành viên xã hội không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi CSSTA.

Thanh Văn