Khoảng trống phê bình văn học

Thứ bảy, 01/03/2014 10:14

(Cadn.com.vn) - Từ khi chia tách tỉnh 1997 đến nay, hoạt động sáng tạo VHNT của tỉnh Quảng Nam có thể nói đã tiếp nối "dòng chảy" chung trước đó. Sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ chỉ nói riêng lĩnh vực văn học đã có bước phát triển đáng kể. Số đầu sách xuất bản trong thời gian này khá dồi dào, có tác giả mỗi năm ra đến mấy đầu sách.

Mảng đề tài các tác phẩm, chủ yếu văn xuôi đã "chạm" đến những vấn đề gai góc, ngóc ngách đời sống xã hội đương đại, có những tác phẩm gây được tiếng vang, được trao giải... song để có tiếng nói mang tính nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc trên lĩnh vực này xem ra thiếu vắng, có chăng cũng chỉ những bài viết nhỏ, mang tính giới thiệu sách hơn là những đánh giá phê bình văn học.

Có nhận định đưa ra: "Phê bình văn học Quảng Nam gần 20 năm qua chủ yếu là truyền miệng, nói với nhau khi trà dư tửu hậu". Điều này là đúng thực tế. Bởi vậy, để đánh giá hoạt động sáng tạo văn học chặng đường gần 20 năm qua rất khó phân định. Lẽ nào việc đánh giá này chỉ căn cứ số lượng tác phẩm xuất bản, số tác phẩm đạt giải, hay tiếng vang trên bàn tiệc trà, rượu vui vẻ.

Nhà phê bình văn học, triết học Nga thế kỷ XIX V.G. Bielinxki từng nêu quan niệm về phê bình văn học như là một "cái roi" quất cho "con ngựa" văn học lồng lên. Lúc nào "con ngựa" văn học ủ rũ, lười biếng, mệt mỏi thiếu sức sống, thì "cái roi" phê bình xuất hiện. Bây giờ tìm cái roi ấy ở đâu? Nhà văn, nhà thơ có thể sáng tạo nên tác phẩm, hàng mấy nghìn trang, nhưng để đánh giá phân định một tác phẩm, một tác giả của ai đó quả chẳng dễ dàng.

Khen và chê là hai thái cực đối lập. Bởi vậy, những bài viết xen lẫn một ít "chất" phê bình văn học, giới thiệu tác giả, tác phẩm thời gian qua trong đời sống văn học tỉnh Quảng Nam cũng hoàn toàn mang tính dè dặt, có khen có chê để khỏi mất lòng nhau. Xin được dẫn một thí dụ cụ thể, cách đây mấy năm, Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ ra mắt tiểu thuyết "Sấp ngửa bàn tay" do NXB Hội Nhà văn ấn hành đã được đông đảo bạn đọc đón nhận, dư luận xôn xao. Thời gian đó trên diễn đàn trong nước cũng có đôi bài viết đề cập đến một loại hình văn học mà tác giả xây dựng nhân vật có tính "phiếm chỉ".

Song theo người viết bài này, dẫu loại hình văn học nào đi nữa thì điều nó hướng con người đến tính thiện, lòng nhân ái, xa rời cái ác, cái xấu thì tác phẩm văn học ấy sẽ mang được những giá trị đích thực vốn có của nó. Thế nhưng trên diễn đàn trong tỉnh kể cả khu vực thời gian đó rất tiếc là không có một bài phê bình nào đúng tầm của tập sách mà theo tôi đã có tác động xã hội sâu sắc.

Giáo sư Hà Minh Đức, có một phát biểu mà người viết bài này xem là đúng hoàn toàn với Quảng Nam. Đại ý rằng nhược điểm của phê bình là không dứt khoát, tác phẩm nào cũng ưu một chút, khuyết một chút.  Người đọc không biết anh cho tác phẩm là hay hay dở. Đó là chưa nói ông cho rằng hiện nay có hiện tượng trái ngược là nhà văn và nhà phê bình đọc tác phẩm rất ít, ít hơn quần chúng. Anh phê bình chỉ đọc để viết thôi. Khi cần viết mới đọc.

Hoài Thanh quan niệm "Phân biệt thơ hay thơ dở chỉ có đọc nhiều. Ăn phở mãi thì phân biệt được phở ngon. Chứ phân chất, định nghĩa phở ngon là gì, vô ích. Nhưng phải đọc kỹ, phải tinh. Nếu không, có khi mắc lừa. Phở có lẽ ít mắc lừa hơn". Chất văn trong văn phê bình, không phải nhà phê bình nào cũng có được. Thiếu chất văn trong phê bình văn học thì phê bình nhanh chóng rơi vào quên lãng. Đây là khả năng mang tính "thiên bẩm" của nhà phê bình văn học.

Từ khoảng trống về phê bình văn học, người viết bài này mong muốn tương lai gần Quảng Nam sẽ có được những "cây roi" để quất vào "con ngựa" văn học. Bởi văn học không chỉ tồn tại bằng văn bản, mà còn tồn tại trong sự tiếp nhận và phê bình. Chính các hoạt động phê bình ảnh hưởng đến số phận thăng trầm của tác phẩm trong lịch sử văn học.  Nhờ phê bình, văn học được khám phá ngày một sâu rộng, phong phú và mới mẻ hơn.

Võ Văn Trường