Không bỏ cuộc!
Tròn một năm thế giới điêu đứng vì Covid-19. Nếu những công ty, tập đoàn lớn có khả năng “cầm cự” thì những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những startup mới ra đời đã gặp ngay một cơn “bão” lớn. Khó khăn chồng chất, lúc này sự hỗ trợ của các hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự là một cứu cánh giúp các bạn trẻ, doanh nghiệp trẻ nhìn ra hướng đi mới, giữ vững niềm tin vượt qua khó khăn.
Ông Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn chia sẻ kiến thức khởi nghiệp tại Hội thảo du lịch thông minh. |
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong năm qua đã được xếp hạng vào Top 100 hệ sinh thái sáng tạo mới nổi bật trên thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành và bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên, tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu... Tại Đà Nẵng, vườn ươm khởi nghiệp Sông Hàn (Shi) vẫn đang nỗ lực đồng hành với các startup trong giai đoạn khó khăn này. Ông Lý Đình Quân- Tổng giám đốc trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho biết khó khăn do Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến toàn xã hội, đặc biệt đánh mạnh vào các startup vừa ra đời. Đây là lúc vườn ươm khởi nghiệp phát huy thế mạnh của mình, chuẩn bị thêm những hành trang mới, cổ vũ cho các bạn tin vào tương lai và không khuất phục khó khăn.
Năm 2020, Sông Hàn incubator vẫn triển khai chương trình VTS - Vietnam Tourism Starup cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. “VTS được tổ chức liên tiếp từ 2018-2020 với tổng cộng 7 chương trình, thu hút hơn 80 đội startup đăng ký tham dự. Đến thời điểm hiện tại, đã có 25 đội tốt nghiệp với những thành công điển hình: Liberzy, Shipway, Testuru, TaxiGo, Hue Lotus, Người giữ rừng, Sách truyền tay, Deepcare...”, ông Quân cho biết.
Trong thời điểm Covid-19 như hiện nay, VTS bổ sung và phân tích lại các kiến thức về mô hình kinh doanh, kế hoạch tài chính, kỹ năng kêu gọi đầu tư... để nâng tầm Founder và nâng tầm dự án. Cùng với sự kết nối những mentor chất lượng và những công cụ kỹ thuật số hiện tại, dự án sẽ có cơ hội đóng gói lại sản phẩm, mở rộng kinh doanh, tăng trưởng quy mô và nhận vốn đầu tư. Tại buổi Demo Day, các dự án tăng tốc sẽ lần đầu tiên được Shi giới thiệu với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, nhằm mục đích kết nối dự án với những nhà đầu tư thật, tìm kiếm gọi vốn, cơ hội hợp tác phát triển kinh doanh và đối tác đồng hành cho dự án.
Tại Quảng Nam, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và bão lũ, những thông tin, truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hội phụ nữ tỉnh được đẩy mạnh trên các loại hình báo chí của trung ương và địa phương; trên các trang mạng xã hội... nhằm chia sẻ thông tin đổi mới sáng tạo đến các cấp Hội, các câu lạc bộ, các nhóm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết bằng nhiều hình thức, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức 37 lớp tập huấn, 342 điểm truyền thông nhằm cung cấp kiến thức cho 37.232 hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 33.503 phụ nữ; vận động nguồn lực hỗ trợ 181 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh của phụ nữ. Ra mắt câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp” với 23 thành viên, tổ chức trưng bày sản phẩm tiêu biểu do hội viên phụ nữ sản xuất. Hội cũng đã hỗ trợ 181 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến các hoạt động như hiện thực hóa 65 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp; tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ quảng bá hàng nông nghiệp - công nghiệp; tổ chức trồng thí điểm 150 cây nhàu tạo nguồn nguyên liệu cho cơ sở khởi nghiệp “Best One” của chị Bùi Thị Tuyết Nhung (Tam Kỳ); tổ chức livestream “Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp mùa Covid-19.
Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các startup, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định quy định về quy chế hoạt động của Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Ông Trần Văn Tân- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết ban Điều hành có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Kết nối, khai thác, hợp tác để thu hút các nguồn lực từ nhà đầu tư trong và ngoài nước với các chương trình, đề án, dự án khởi nghiệp trên địa bàn. Đồng thời công nhận các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh làm thành viên tập thể; tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện và hướng dẫn để các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đây là lúc mỗi startup và cả ban điều hành khởi nghiệp phải phát huy tối đa khả năng “sáng tạo” của mình để chiến thắng khó khăn.
THANH TÂN