Khủng hoảng Triều Tiên phủ bóng phiên họp Đại hội đồng LHQ

Thứ tư, 20/09/2017 09:19

Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên phủ bóng phiên họp Đại hội đồng LHQ tại New York, nơi mà các nhà ngoại giao muốn nghe Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên sẽ nói gì tại cơ quan 193 thành viên này.

Tổng thống Donald Trump (giữa) lần đầu tiên tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ, diễn ra ở New York hôm 19-9. Ảnh: Reuters

Ngày 19-9 (giờ Việt Nam), phiên họp Đại hội đồng LHQ, cuộc họp được chờ đợi nhất trong năm đã khai mạc tại thành phố New York của Mỹ, với sự tham dự lần đầu tiên của nhà lãnh đạo nước chủ nhà Donald Trump.

Các nhà ngoại giao Triều Tiên ngồi ở hàng ghế đầu tại phiên họp lần này. Trong khi đó, ông Trump có bài phát biểu quan trọng, liên quan đến việc leo thang cuộc khủng hoảng làm bùng nổ những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm vào Bình Nhưỡng và gia tăng lo ngại về một cuộc chiến quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên và cả Iran

Bất chấp những hoài nghi về giá trị của tổ chức quốc tế này, ông Trump cũng xem đây là cơ hội để tìm kiếm sự ủng hộ cho các biện pháp cứng rắn chống lại Triều Tiên, trong khi nhấn mạnh vào thông điệp “Nước Mỹ trước tiên”. “Đây không phải là vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây là vấn đề giữa thế giới và Triều Tiên”, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, H.R. McMaster, nhấn mạnh.

Cũng giống như ông Trump, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres – nhà lãnh đạo mới nhậm chức vào tháng 1 – cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ riêng với “các bên liên quan” bao gồm Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, bên lề phiên họp Đại hội đồng. “Giải pháp chỉ có thể là chính trị. Hành động quân sự có thể gây ra sự tàn phá trên quy mô sẽ ảnh hưởng qua rất nhiều thế hệ”, ông Guterres cảnh báo.

Một tuần trước, HĐBA LHQ gồm 15 thành viên nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt lần thứ 9 kể từ năm 2006 về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Và ngay trước thềm cuộc họp Đại hội đồng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định “có nhiều lựa chọn quân sự” để đối phó Triều Tiên mà không gây nguy hiểm cho đồng minh như Hàn Quốc.

Ngoài Triều Tiên, tại phiên họp này, nhiều nhà lãnh đạo cũng sẽ thúc đẩy ông Trump không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (hay còn gọi thỏa thuận JCPOA) nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, đây là vấn đề gây đau đầu trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gây áp lực liên tục cho Washington, cho rằng,  đã đến lúc để “sửa chữa nó - hoặc hủy bỏ nó”.

Các ngoại trưởng của các bên tham gia thỏa thuận gồm Iran, Mỹ, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc và Pháp sẽ họp vào hôm nay (20-9) để bàn vấn đề này trước thời hạn chót vào tháng 10 cho ông Trump ra quyết định cuối cùng. Khi được hỏi thông điệp của Moscow gửi đến Washington là gì, Đại sứ Nga tại Ukraine, ông Vassily Nebenzia, nói: “Hãy giữ lại JCPOA”.

Biến đổi khí hậu, cải tổ LHQ

Trong khi các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao khác tập trung vào những cuộc khủng hoảng kéo dài hơn bao gồm Libya, Syria, Nam Sudan, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Yemen và Iraq, đã có một sự bổ sung vào phút chót là cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. Bản thân Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Suu Kyi, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp chính quyền nước này giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Sau tuyên bố của ông Trump cho rằng, Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, một số cuộc họp cấp cao được lên kế hoạch bên lề Đại hội đồng để cứu thỏa thuận này. “Thay đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng”, Tổng thư ký LHQ Guterres nói với các phóng viên và nhấn mạnh: “Bão và lũ lụt trên khắp thế giới nhắc nhở chúng ta rằng những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dường như đã mở cánh cửa cho Mỹ ở lại với thỏa thuận này “dưới những điều kiện đúng đắn”.

Và cuối cùng, không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Trump đã chỉ trích LHQ, cho rằng, cơ quan này lạm quyền và quản lý sai lầm. Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi “cải cách thật sự táo bạo” để LHQ có thể trở thành lực lượng hoạt động mạnh mẽ hơn cho hòa bình thế giới.

KHẢ ANH