Mỹ đưa máy bay chiến đấu áp sát Triều Tiên
Ngày 18-9, 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ đã tới gần biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong một động thái nhằm nắn gân Bình Nhưỡng.
Các máy bay ném bom chiến lược B-1B và máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ |
Nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và 2 máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ tham gia cuộc tập trận huấn luyện với các máy bay chiến đấu Hàn Quốc ở khu vực gần biên giới căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Trước đó, Mỹ thường xuyên triển khai các máy bay F-35 đồn trú tại Nhật Bản và các máy bay B-1B đồn trú tại đảo Guam tới bán đảo Triều Tiên để phô diễn sức mạnh trước các động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong cuộc tập trận hôm nay, Mỹ đưa 6 máy bay trên tới gần Đường Ranh giới quân sự (MDL) chia tách Triều Tiên - Hàn Quốc và đây là lần hiếm hoi Washington tiến hành hoạt động ở khu vực này. "Họ (Mỹ) thả bom giả định xuống trường bắn Pilseung ở Taebaek, tỉnh Gangwon trong cuộc tập trận được tổ chức từ trưa đến 14 giờ 30, sau đó đưa các máy bay trở lại các căn cứ của họ", quan chức Hàn Quốc cho biết.
Cũng theo nguồn tin, tham gia cuộc tập trận với các máy bay Mỹ còn có 4 máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc, 2 máy bay chiến đấu F-16 và 3 máy bay tiếp liệu KC-135 của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Các máy bay F-35 thả 4 quả bom GBU-32 và các máy bay B-1B đã thả 2 quả bom MK-84. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Mỹ đang có kế hoạch đưa một chiếc tàu sân bay tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên vào tháng tới để tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc.
Trong một báo cáo trình lên Quốc hội, bộ trên cho biết hai nước sẽ tiến hành cuộc tập trận vào tháng 10-2017 với sự tham gia của nhóm tấn công của tàu sân bay Mỹ, nhưng không tiết lộ tên của tàu này. Ngoài ra, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ tiến hành một cuộc diễn tập cảnh báo tên lửa chung với Nhật Bản vào cuối tháng này và đầu tháng tới.
Động thái trên diễn ra 3 ngày sau khi Triều Tiên phóng thêm tên lửa đạn đạo tầm trung qua bầu trời Nhật, tiếp sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mà Bình Nhưỡng tiến hành hồi đầu tháng này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 18-9 nhận định, Triều Tiên tiến gần đến "giai đoạn cuối cùng" của việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sẽ thực hiện thêm các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy hơn nữa các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ.
Cân nhắc giải pháp quân sự
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17-9 đưa ra thêm những lời chỉ trích mạnh mẽ với Triều Tiên, đồng thời cảnh báo, không còn nhiều thời gian cho một giải pháp hòa bình giữa chính quyền ông Kim Jong-Un với Mỹ và các đồng minh.
Trong buổi phỏng vấn với đài CBS, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ sẽ tìm kiếm biện pháp hòa bình nhằm giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Nếu những nỗ lực ngoại giao thất bại, Mỹ sẽ tính đến biện pháp quân sự. Ông Tillerson cho biết, hiện Mỹ đang thực hiện chính sách "gây áp lực một cách hòa bình" nhằm buộc Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán trong lộ trình khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi không muốn lật đổ chế độ, chúng tôi càng không muốn chế độ Triều Tiên sụp đổ, chúng tôi không muốn đốt cháy giai đoạn trong việc hợp nhất 2 miền bán đảo Triều Tiên và chúng tôi không muốn điều quân đội về phía bắc của đường biên giới liên Triều", ông Tillerson nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu những nỗ lực về ngoại giao đều thất bại, giải pháp quân sự sẽ là lựa chọn cuối cùng còn lại để Mỹ sử dụng. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định: "Nếu Triều Tiên vẫn giữ cách hành xử liều lĩnh này và nếu Mỹ phải tự vệ hoặc bảo vệ các đồng minh thì Triều Tiên sẽ bị hủy diệt".
Nhưng nhiều đồng minh của Mỹ tại Châu Âu và những khu vực khác đã phản đối mạnh mẽ mọi hành động sử dụng vũ lực có thể sẽ gây bất ổn thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên và Đông Á. Tờ Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc ngày 18-9 cho rằng, Mỹ đang hành động vô trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh chỉ có đàm phán mới chấm dứt được cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân hiện nay ở Triều Tiên. Theo bài bình luận, thương lượng nên là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng. Bài báo khẳng định: "Trung Quốc sẽ không bao giờ ủng hộ một Triều Tiên được trang bị hạt nhân nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không nên khuấy động tình hình khu vực".
AN BÌNH
Hàn Quốc có thể hoãn viện trợ cho Triều Tiên Ngày 18-9, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho rằng, cho dù chính phủ nước này thông qua kế hoạch viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong tuần này, việc cung cấp viện trợ trên thực tế sẽ bị hoãn lại. Phát biểu tại phiên họp của một ủy ban Quốc hội khi được hỏi liệu kế hoạch viện trợ của Seoul có phù hợp trong bối cảnh Triều Tiên khiêu khích hạt nhân và tên lửa hay không, ông Song nói: "Tôi mới được biết rằng chính phủ nhiều khả năng sẽ hoãn lại và điều chỉnh thời gian cung cấp viện trợ". Seoul có kế hoạch vào ngày 21-9 sẽ quyết định liệu có cung cấp 8 triệu USD viện trợ cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở Triều Tiên thông qua các tổ chức LHQ hay không. B.N |