Phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Kiến nghị tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách

Thứ bảy, 16/08/2014 07:16

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Nội dung quy định về đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40% (Điều 24). Phân định rõ tính chất hoạt động của ĐBQH là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách.

Thể hiện rõ trách nhiệm của ĐBQH trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thể hiện rõ các quyền của ĐBQH đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, trình kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho ĐBQH hoạt động chuyên trách...

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai có ý kiến cho rằng tại khoản 2 , Điều 79 Hiến pháp đã quy định rõ: “ĐBQH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”.

Theo đại biểu nội dung “hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo” đối với cử tri là một quy định hay, cần được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Nội dung quyết định các chính sách cơ bản của Nhà nước tại Điều 8 của dự thảo luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước nêu phân vân, vì đã từ lâu, Quốc hội vẫn quyết định nhiều vấn đề chính sách xã hội như về bình đẳng giới, bảo hiểm xã hội... nhưng chưa thấy đưa vào dự thảo luật. Vì thế tại khoản 3 Điều 8, bên cạnh việc quyết định về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; chính sách cơ bản về đối ngoại cần bổ sung nội dung quyết định chính sách xã hội.

Tại buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Chương IV); Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện và Viện nghiên cứu lập pháp.

* Chiều 15-8, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Một số ý kiến tại buổi làm việc đề nghị bổ sung đối tượng kiểm toán và làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc giám sát, xử lý kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Quỳnh Hoa